Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Cảm nhận về nhân vật Chí Phèo trong đoạn trích

Cảm nhận về nhân vật Chí Phèo trong đoạn trích: " Thị nghe thấy thế mà lộn ruột....máu vẫn còn ứ ra " 
2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
153
1
0
mạnh Cường
31/12/2022 20:16:17
+5đ tặng
Đọc câu chuyện, người đọc bị ám ảnh mãi về sự thức tỉnh nhân tính của Chí Phèo, về sức mạnh của tình thương yêu con người trong xã hội. Chí Phèo từng là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Một anh thả ống lươn một ngày nhặt được hắn “trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp bên cái lò gạch bỏ không”. Tuổi thơ của hắn qua tay hết người này đến người khác và khi lớn lên thì làm canh điền cho Lí Kiến. Bị Bá Kiến ghen, đẩy vào tù, sau bảy tám năm, nhà tù thực dân đã biến anh canh điền chất phác đã trở thành một thằng lưu manh.

Chí Phèo ra tù, hắn tìm đến nhà Bá Kiến để trả thù. Bản chất của một thằng lưu manh, biến chất thể hiện trong cách chửi rất “bài bản”, ngoa ngoắt: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cùng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời có hề gì trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ: “Chắc nó trừ mình ra! Không ai lên tiếng cả. Tức thật!, Ờ! thế này thì tức thật!. Tức chết đi được mất. Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn… ”.
Từ cái dáng hình đáng sợ: “trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết. Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những vét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế, trông gớm chết… Đến cách ăn vạ thật đáng sợ: lấy mảnh chai vỡ mà cào vào mặt, vừa cào vừa lăn lộn. Từ một thằng lưu manh, chế độ phong kiến mà đại diện là Bá Kiến đã hoàn thành nốt quá trình tha hoá để biến Chí thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Cùng với những chuỗi ngày dài chìm trong men say là những ngày hắn đã phá đi biết bao ngôi nhà, làm chảy máu và nước mắt của biết bao người lương thiện. Hắn làm tất cả những việc đó trong khi say, hắn không nhận thức được rằng mình đang trượt dài xuống vực thẳm và người ta đang lảng tránh hắn như lảng tránh một con vật đáng sợ nào đó. Cuộc đời Chí tưởng cứ thế diễn ra, tối tăm, mù mịt. Không ai có thể tin hay nghĩ rằng có thể một lần con quỷ dữ ấy lột xác trở lại thành con người. Vậy mà điều kì diệu đã xảy ra, dù ngắn ngủi, dù bất thường nhưng vẫn là một điều kì diệu vĩ đại, điều kì diệu có thể thay đổi một con người.

Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở không chỉ đơn giản là một cuộc đụng chạm về xác thịt. Đó chỉ là khởi đầu, buổi tối bên bờ sông, dưới ánh trăng rười rượi chỉ làm khơi dậy thứ tình yêu mang tính bản năng con người. Sự thức tỉnh của nhân vật thực sự bắt đầu vào những giờ phút sau đó. Lần đầu tiên, Chí cảm nhận được âm thanh của cuộc sống “Mặt trời đã lên cao và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ. Cứ chim riu rít bên ngoài đủ biết (…). Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ.
Anh thuyền chài gõ mái chèo đuôi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy…”. Và cũng lần đầu tiên, sau những ngày say, hắn biết thế nào là buồn, cái buồn mơ hồ mà lại thật thấm thía. Một người bắt đầu biết suy nghĩ về cuộc sống có nghĩa là cũng đã biết tự chiêm nghiệm về mình. Và Chí Phèo đau đớn khi nhận ra rằng: Hắn là một kẻ trắng tay. Đứng ở bên kia dốc cuộc đời, hắn biết mình đã già, “Ngoài bốn mươi tuổi đầu… Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn“. Chàng canh điền từng ước mơ có một gia đình giản dị, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải, giờ đây nhìn thấy trước số phận mình. “đói rét, ốm đau và cô độc”. Rõ ràng là đã có một sự chuyển biến lớn trong tâm hồn của Chí.
Sự chuyển biến ấy đánh thức bản năng ham sống, muốn sống của hắn nhưng chưa chỉ ra cho hắn biết phải làm thế nào để có thể được sống lại lần nữa đúng với hai từ con người. Con đường thực sự mở ra vào ngày hôm sau khi Thị Nở mang sang cho Chí Phèo một bát cháo hành. Không biết một người đàn bà dở người lại có thể nấu cháo hành ngon đến vậy hay vì Chí lần đầu tiên được người ta cho, lần đầu tiên được ăn chào hành nên mới cảm thấy cháo hành ngon mà hương cháo hành cứ ám ảnh Chí mãi không thôi. Bát cháo hành là tình cảm chân thành, thứ tình người lương thiện đầu tiên mà hắn được cho, một cách hoàn toàn tự nguyện. Điều ấy làm Chí xúc động sâu sắc. Thị Nở xấu đến ma chê quỷ hờn nhưng lại mang một tình người đẹp thánh thiện, thứ tình người trong sáng, chân thành không một chút vụ lợi và tính toán. Tình người ấy, cùng với hương cháo hành đã dẫn dắt tính người quay trở lại trong hình hài của một con quỷ dữ, đánh thức ước mơ thời trai trẻ, đánh thức khát khao lương thiện tưởng chừng như đã lụi tắt từ lâu.

Và quan trọng nữa, nó đánh thức niềm hi vọng ở Chí, khát khao được trở về với cuộc sống của loài người, được họ đón nhận. “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ nhận thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện”. Tình thương yêu con người chân thành đã có sức mạnh cảm hoá vĩ đại, không chỉ thế, nó còn mang lại cho con người sự sống và sức sống mới, ngay ở cả những kẻ tưởng chừng là “vô phương cứu chữa” như Chí Phèo. Chí Phèo đã thức tỉnh thực sự.
Tuy rằng cuối cùng, cánh cửa được mở ra bởi tình thương yêu con người, nhưng lại của một người đàn bà dở người, trong một xã hội tăm tối nên đã vội vàng đóng chặt. Nhân tính trở về, Chí không thể tiếp tục cuộc đời của một tên quỷ dữ, nhưng lại cũng không thể trở lại làm người. Bi kịch được đẩy lên đỉnh điểm chỉ còn một cách giải quyết cuối cùng là cái chết. Chí Phèo đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình. Không có tình yêu thương, cuộc sống sẽ chỉ còn là tối tăm và bất hạnh.
Tình thương yêu là hạnh phúc của con người. Tâm hồn con người giống như một vườn cây mà tình yêu thương là những trận mưa tưới mát, làm cho vườn cây tươi tốt, vươn dậy đầy sức sống, dù cho trước đó đã có lúc nó lụi tàn, héo úa. Đã có biết bao câu chuyện cảm động về sức mạnh của tình yêu thương… Cô bé nọ đưa cho người hàng xóm bất hạnh của mình, khi mẹ bé nói cô ấy đang đau khổ vì đứa con của cô mới qua đời, một chiếc băng gạc. Ý nghĩ ngây thơ về việc băng bó một vết thương nhưng thực sự lại có thể là chiếc băng gạc băng bó cho vết thương lòng tưởng chừng không bao giờ vơi cạn, tình yêu thương giúp con người ta trở nên mạnh mẽ, vượt lên trên nỗi đau để chiến thắng số phận. Cũng khó khăn như sự thức tỉnh của Chí Phèo, ta nhớ đến câu chuyện về Gia-ve trong “Những người khốn khổ” của V.Huy-gô.
Một kẻ được miêu tả mang bộ mặt và tâm hồn của chó sói, chỉ biết đến pháp luật đến mức trở thành nô lệ của pháp luật cuối cùng lại phải khuất phục trước con người sống trong triết lí tình thương “người với người sống để yêu nhau” của Giăng-van-giăng. Rượt đuổi con mồi của mình đến cùng để Gia-ve nhận ra rằng, cái thứ pháp luật hà khắc mà hắn tôn thờ, phục dịch trong xã hội đó là một mớ lí thuyết khô cứng, mất hết nhân tính. Chỉ có tình yêu thương con người trong sáng không vụ lợi mới luôn toả sáng. Tình yêu thương không chỉ giúp thay đổi quan niệm mà còn có sức cảm hoá ghê gớm, bẻ gãy tất cả những gì là bóng đêm, là trở ngại để con người sống gần với con người hơn.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
Hải
31/12/2022 23:02:18
+4đ tặng

Trong vườn văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước 1945, Nam Cao là đóa hoa nở muộn. Trước Nam Cao, ta đã có những Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng,... Tuy là cây bút đến sau, nhưng Nam Cao vẫn kịp có cho mình những tác phẩm xuất sắc, phản ánh rõ hiện thực xã hội đương thời, lên án, vạch trần những cái xấu xa, những cái lầm than trong những kiếp người. Tiêu biểu có thể kể đến truyện ngắn "Chí Phèo" - tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn. Tác phẩm viết về bi kịch của người nông dân Việt Nam và đánh dấu một bước phát triển đáng kể của văn xuôi Việt Nam. Trong đó, chi tiết để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng người đọc có lẽ là diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở.

Người nông dân Việt Nam với bi kịch tha hóa bước vào trang sách Nam Cao, trở thành Chí Phèo, rồi Chí Phèo lại từ trang văn Nam Cao bước ra, phản ánh biết bao số phận lầm than ngoài đời thực. Với bút pháp xây dựng nhân vật điển hình, Nam Cao khiến cho nhân vật sống động tới nỗi chỉ cần nghe tới tên Chí Phèo, trong đầu ta lập tức hiện ra hình ảnh anh nông dân lương thiện bị áp bức, dồn ép thành một thằng lưu manh và sau cùng chết trong tức tưởi. Lũ chúa đất và nhà tù thực dân biến Chí từ một chàng thanh niên mồ côi ngờ nghệch phải đi làm thuê ở đợ kiếm cái ăn thành "con quỷ dữ" của làng Vũ Đại. Trông thấy Chí trong hình hài xăm trổ, gương mặt dọc ngang đầy sẹo trong những lần rạch mặt ăn vạ, không tiếc làm chuyện ác, ta ngỡ như Chí Phèo đã tha hóa hoàn toàn, đã biến đổi, dị dạng cả nhân hình lẫn nhân tính, bản chất lương thiện dường như đã bị che lấp hoàn toàn. Thế rồi Nam Cao để Thị Nở đến bên Chí, mở ra cánh cửa lương tri đã bị tội ác của lũ cường hào ác bá đóng vào bấy lâu. Tình cảm chân thành, hành động ngờ nghệch của Thị thức tỉnh Chí, thức tỉnh con người vốn ngủ sâu trong hình hài "con quỷ dữ". Nam Cao là thế đó. Ông không bao giờ để nhân vật của mình lặng yên chìm trong bóng tối mà luôn vùng vẫy, đấu tranh cho những điều tốt đẹp.

Thị Nở - người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, lại ngờ nghệch như đứa trẻ, ấy vậy mà sống tình cảm. Bởi vì ngờ nghệch, Thị chẳng sợ Chí như người dân làng này vốn sợ. Thị nhìn hắn với cái nhìn dành cho con người, chứ không phải nhìn một con quỷ như người ta vẫn hay nhìn hắn. Nam Cao đã đặt vào trong hình hài xấu xí của thị một vẻ đẹp tâm hồn sâu kín. Hình ảnh của thị với bát cháo hành nghi ngút khói trên tay đem đến cho Chí khi hắn đang đói cào ruột bởi “trận thổ đêm qua”, khi hắn đang buồn bã cô đơn nhất, đang “thèm khát người” nhất, đang đau khổ tuyệt vọng nhất… hình ảnh ấy rung động người đọc biết bao! Đó là sự rung động của nhân tâm rất tự nhiên, rất vô tư không hề “sợ hãi” như những người dân khác ở làng Vũ Đại mỗi khi gặp Chí và cũng không hề tính toán thiệt hơn. Thị không biết tính toán và cũng chẳng cần tính toán. Cái nghĩa tình có ai tính toán bao giờ. Tình cảm của thị thô mộc, nguyên sơ khiến ta cảm động quá!

Tỉnh dậy sau đêm say sưa gặp Thị Nở, điều đầu tiên Nam Cao để cho Chí nhận ra ấy là thực tại của bản thân mình. Hắn sống trong một túp lều, túp lều mà hắn đã phải đánh đổi bằng máu, bằng lương tri, làm tay sai cho bá Kiến mà có được. Một túp lều ẩm thấp, tối tăm: “Ở đây người ta thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng”. Đây không phải nơi ở của con người, nó là địa ngục trần gian mà Chí đang chết dần chết mòn trong đó. Vậy mà chưa bao giờ Chí Phèo nhận thấy thế bởi Chí Phèo chưa bao giờ hết say. Đây là lần đâu tiên Chí nhận ra cái hiện thực cay đắng phũ phàng ấy. Hắn bắt đầu cảm nhận được cuộc sống xung quanh mình và có những cảm xúc của một con người. Lần đầu tiên từ khi ra tù, Chí Phèo tỉnh rượu và có cái cảm giác “miệng đắng, lòng mơ hồ buồn”. Lần đầu tiên, Chí Phèo nghe được những âm thanh quen thuộc của cuộc sống hằng ngày xung quanh hắn : “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá”, “tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”, tiếng trò chuyện của những người đi chợ về…Những âm thanh ấy đã gợi nhớ trong hắn ước mơ giản dị từ thuở xa xưa : “có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”. Quá khứ tuy nghèo khổ ấy nay với Chí cũng là một điều thật xa vời. Thực tại giờ đây của hắn là “già mà vẫn còn cô độc”. Điều ấy khiến hắn buồn và lo lắng cho tương lai : đói rét, ốm đau và cô độc sẽ đày đọa hắn khi về già. Và hắn sợ nhất là cô độc. Một kẻ chỉ biết sống bằng giật cướp và dọa nạt, một kẻ đã làm đổ máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện, vậy mà giờ đây cũng biết sợ, mà lại sợ nhất là cô độc. Hình như, bản chất người trong hắn đang mơ hồ tỉnh dậy.

Và khi Chí đang nhìn về tương lai đen tối kia với tâm trạng cô độc, sợ hãi, cũng may là Thị Nở đến nếu không thì Chí khóc mất. Thị Nở bước vào cùng với bát cháo hành, một hình tượng đẹp nhất, một chi tiết nghệ thuật đem đến nhiều mĩ cảm. Chí Phèo ngạc nhiên, hết ngạc nhiên thì mắt Chí ươn ướt. Có lẽ vì đây là lần đầu tiên Chí được một người đàn bà cho ăn, bởi vì xưa nay Chí vẫn phải “dọa nạt hay giật cướp” của người khác thì mới có được. Bát cháo hành ấy là đại diện cho tình cảm mộc mạc của Thị Nở dành cho Chí, đánh thức trọn vẹn trong Chí lương tri và lương tâm của một con người. Bát cháo hành chan chứa tình người, thứ tình cảm rất thật, hồn nhiên, không vụ lợi. Nó chỉ đơn giản là bởi Thị thấy Chí bị “thổ một trận nhọc” mà không có người chăm sóc, bởi Thị nghỉ ốm như thế thì chỉ có ăn cháo hành. Và rất hồn nhiên Thị nấu cháo hành mang sang.

Bát cháo hành ấy là vị thuốc giải độc cho cuộc đời Chí. Không chỉ giải cảm, bát cháo hành là tình người duy nhất đã gợi thức phần lương tri ngủ quên trong lốt “con quỷ dữ Chí Phèo”. Từ ăn năn, hối hận, Chí bỗng thấy thèm lương thiện, thèm trở về cuộc sống ngày trước. Bát cháo hành đã dẫn đường cho hi vọng hoàn lương: Thị Nở có thể làm hòa với hắn thì mọi người cũng có thể làm hòa với hắn. Khát khao lương thiện bùng dậy mãnh liệt đã khiến Chí dồn hết hi vọng vào Thị Nở – về cây cầu đưa hắn về với cuộc đời lương thiện. Bát cháo hành đã hoàn thành thiên chức gọi chất người, khơi hòn than đỏ vùi trong lớp tro tàn đang âm ỉ, nó đưa Chí qua một cuộc lột xác để về với sự lương thiện.

Lúc này, Chí Phèo đã hoàn toàn thức tỉnh, hắn từ "con quỷ dữ" trở lại là người: "Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người". Mà đã là người, ai chẳng mưu cầu hạnh phúc? Hắn làm nũng với Thị Nở như đứa trẻ con làm nũng mẹ. Hắn ao ước một mái ấm gia đình, hắn thực sự mong muốn xây dựng gia đình với Thị Nở: "Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?" Chí Phèo và Thị Nở, hai mảnh đời bất hạnh gặp nhau rồi yêu nhau. Họ mở ra con đường giải thoát cho nhau, "làm ơn" và "chịu ơn" lẫn nhau. Họ sống với nhau như vợ chồng. Nhưng chỉ được năm ngày. Năm ngày ấy có lẽ là năm ngày hạnh phúc nhất cuộc đời Chí. Sau năm ngày ấy, Thị Nở nhớ ra mình còn một người cô ở đời. Thị phải "đừng yêu để hỏi cô thị đã".

Nghiệt ngã thay! Chí đã thức tỉnh lương tri, đã trở lại là người, khao khát sống cuộc đời lương thiện, nhưng điều ấy không ai biết. Bà cô Thị Nở lại càng không biết. Bà nghe cháu gái nhắc đến Chí Phèo thì xỉa xói ngay vào mặt cháu gái rằng lấy ai không lấy lại đi lấy thằng Chí Phèo, một thằng "không cha, suốt ngày chỉ có một việc là rạch mặt ăn vạ". Thị Nở uất lắm. Bao nhiêu uất giận ấy Thị trút cả vào Chí, từ chối sự níu kéo của Chí, rồi vùng vằng bỏ về. Những lời nói và hành động của Thị Nở như cái tát vào mặt Chí Phèo, khiến hắn nhận ra bi kịch đời mình. Hắn không còn cái cơ hội được trở lại làm con người nữa. Người ta xem hắn là "con quỷ", hắn mãi mãi là thằng Chí Phèo gieo rắc bất hạnh lên cuộc sống của bao nhiêu con người ở làng Vũ Đại. Người duy nhất xem hắn là người, gần gũi với hắn, cũng quyết tuyệt từ chối hắn. Tuyệt vọng, hắn uống rượu nhưng càng uống càng tỉnh và thoang thoảng cứ thấy “hơi cháo hành”. Lương tri và lương tâm đã thức tỉnh không cho phép hắn trở lại làm một con quỷ. Hắn tìm say để lại sống cuộc đời khi trước, nhưng "hơi cháo hành", hay tiếng gọi của tình người, của lương tri cứ ám ảnh lấy hắn, không cho phép hắn bỏ quên con người đã thức tỉnh. Hắn đi đòi lương thiện. Nhưng chao ôi, còn ai trả lại cho hắn được sự lương thiện ngày xưa nữa? Nhân dạng hắn đã đánh mất từ lâu rồi: những vết sẹo trên mặt đã khiến gương mặt hắn không rõ hình hài là mặt người hay mặt thú. Người ta ghê sợ hắn. Câu hỏi "Ai cho tao lương thiện?" vang lên trong tức tưởi, phản ánh bước đường cùng của cuộc đời một người nông dân bị tha hóa. Sự bế tắc và bi kịch tột cùng ấy đưa hắn đến nhà Bá Kiến, và sau cùng, đưa hắn đến cái chết đầy đau đớn.

Truyện ngắn khép lại bằng hình ảnh Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng và trong đầu thấp thoáng hiện ra cái lò gạch cũ. Hình ảnh ấy tạo cho tác phẩm kết cấu vòng tròn, đầu cuối tương ứng đổng thời cũng gọi ra cái vòng luẩn quẩn tối tăm của người nông dân nghèo. Hiện thực xã hội đã được phơi bày trọn vẹn trong tác phẩm.

Thông qua diễn biến tâm lý của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở, ta thấy được khả năng xây dựng tâm lý nhân vật tài tình của Nam Cao. Nhà văn thể hiện lòng nhân ái, lòng tin vào trái tim lương thiện của con người trước hiện thực éo le.

Qua Chí Phèo, Nam Cao đã đóng góp cho dòng văn học hiện thực phê phán nói riêng và văn học Việt Nam nói chung một tiếng nói nhân đạo, một nhân vật mang tính điển hình cho người nông dân trước Cách mạng bị bần cùng hóa, lưu manh hóa đến tha hóa nhưng luôn dám đấu tranh để chống lại bất công. Nỗ lực không ngừng, cái tâm - cái tài của Nam Cao đã được chi nhận xứng đáng: “Trong văn hóa Việt Nam, với ngòi bút Nam Cao ta bắt đầu thấy thật có sự sống, thật có con người trong truyện ngắn” (Nguyên Hồng).

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
Gửi câu hỏi
×