1. Hiểu mục đích công việc mình phải thực hiện
Để trách trì hoãn, bạn cần hiểu rõ lý do tại sao bạn cần hoàn thành công việc này. Điều đó ảnh hưởng thế nào tới mục tiêu của bạn? Công việc này sẽ mang lại thay đổi gì trong cuộc sống? Viết ra ba điều bạn yêu thích ở nó và dùng chúng làm động lực cho bản thân mình.
2. Cải thiện khả năng tập trung
Không gian làm việc ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng tập trung và hiệu suất công việc. Bạn nên tìm một nơi đủ rộng rãi, đó có thể là một căn phòng riêng hoặc đơn giản hơn, một chiếc bàn nhỏ trong góc phòng. Hãy cố gắng tạo một nơi làm việc thoáng đãng nhất có thể, chỉ để lại những thứ cần thiết nhất như máy tính, bút và sổ. Bạn có thể trang trí bằng những hình ảnh, câu nói yêu thích để thêm cảm hứng làm việc.
Một cách khác giúp bạn tập trung hơn là viết lại to-do list. Thay vì những câu mang nghĩa chung chung như “làm bài tập”, bạn hãy liệt kê cụ thể những bước cần làm, ví dụ như “tìm kiếm thông tin trong giáo trình”, “lập dàn ý”,…Điều này sẽ giúp bạn luôn biết được mình cần làm gì tiếp theo và duy trì được trạng thái tập trung xuyên suốt.
Sau khi đã có danh sách công việc hoàn chỉnh, bạn hãy bấm giờ trong 20-30 phút và tập trung hết sức trong khoảng thời gian này. Thay vì cố gắng làm việc nhiều giờ liên tiếp, bạn hãy chia quỹ thời gian thành từng mốc nhỏ, kéo dài từ 20-30 phút, và cho phép bản thân nghỉ ngơi 5 phút giữa những mốc đó. Nếu bạn không có khả năng tập trung tốt, hãy thử áp dụng phương pháp này nhé.
Để nhanh chóng rút gọn danh sách việc cần làm, hãy áp dụng “quy tắc 2 phút”. Nếu bạn có thể hoàn thành việc đó trong vòng 2 phút, hãy bắt tay vào làm luôn. Quy tắc này thường áp dụng cho những công việc như trả lời email, gọi điện thoại,…Bạn sẽ dành được nhiều thời gian hơn cho những đầu việc quan trọng, cần lên kế hoạch chi tiết.