Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tiết trời mùa xuân đang dần đến, cảnh vật đang căng tràn sức sống thì đâu đó đã có một người lặng lẽ, cô đơn nhìn cuộc đời, muôn vật với con mắt đầy lưu luyến trước trời chuyển xuân. Người đó chính là thầy Chu Văn An - người thầy giỏi nhưng nghiêm khắc, trọng tài năng của học trò và ghét những người cậy giàu ham chơi. Người đời tôn ông là "Vạn thế sư biểu", nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam. Trân trọng tài năng thi ca, đạo đức và công lao của Chu Văn An với đất nước, nhân dân ta đã lập đền thờ ông tại Chí Linh – Hải Dương.
Kết thúc học kì I, trường chúng tôi tổ chức chuyến đi trải nghiệm tại ngôi đền Chu Văn An. Chúng tôi vô cùng xúc động khi được đến với di tích lịch sử này. Từ 6h30’ ngày 18 – 12 – 2019, xe bắt đầu lăn bánh và không lâu sau, chúng tôi đã có mặt tại đền – nơi tưởng nhớ người thầy vĩ đại.
Đến với nơi này, ta cảm nhận được một tâm thế trang nghiêm, tôn kính đến lạ kì. Đền thờ tọa lạc trên núi Phượng Hoàng hay còn được gọi là “Phượng Sơn linh từ”. Đền được xây dựng trên một thế đất cao, rộng và linh thiêng. Đền được xây dựng theo thuyết phong thủy của người xưa, phía trước có núi Ngọc làm tiền án, phía sau có núi Phượng làm hậu trẩm, hai bên là núi Kì Lân và núi Phượng Hoàng như sải cánh của con chim phượng. Nơi đây đã được nhà nước ta xếp hạng là Khu di tích lịch sử quốc gia năm 1998 và được trùng tu, tôn tạo, khánh thành vào đầu năm 2008.
Bước vào khuôn viên khu di tích, ngay từ cổng lên đền chính nổi bật chữ “Học” được viết theo nét bút thư pháp, trông xa như một tấm thảm nhung trải lên các bậc đá để bước lên đền. Kế tiếp là hàng chữ “Vạn thế sư biểu” bằng Hán tự in trên nền đá thể hiện tấm lòng tôn kính của bao thế hệ người Việt dành cho nhà giáo Chu Văn An.
Ngôi đền chính được thiết kế theo kiểu “chồng diêm” tám mái thể hiện sự tôn vinh đẳng cấp và tầm vóc của danh nhân theo tập quán người Việt. Nhà gỗ lim lợp ngói liệt, nhà bia cũ, bậc thềm đá, đồ thờ sơn son thếp vàng... Hai bên đền là nhà giải vũ, sân thượng, sân trung, sân hạ, đôi rồng đá, hai nhà bia… Nguyên khởi của ngôi đền chính “Điện lưu quang”, nơi 600 năm trước thầy Chu Văn An sau khi từ bỏ mũ áo chốn quan trường, trở về mở trường dạy học, viết sách, làm thơ, nghiên cứu y dược, sống cuộc đời của một ‘‘tiều ẩn” (ông ví mình như một tiều phu ẩn dật chốn rừng sâu), an nhàn, thanh bạch, vui với cỏ cây, mây nước.
Nhìn bao quát thêm một lần nữa , ngôi đền không nguy nga hoành tráng, cầu kì, mà được thiết kế, xây dựng, bài trí độc đáo, đậm màu sắc. truyền thống vừa toát lên vẻ nghiêm cẩn, vừa ấm áp, trang trọng. Đền Chu Văn An kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, dựa theo kiến trúc thời Nguyễn, chồng diêm hai tầng tám mái. Nghệ thuật trang trí của đền theo đề tài tứ linh, tứ quý: long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai. Các bức y môn sơn son thiếp vàng trang trí theo hình tượng: rồng chầu hoa cúc mãn khai. Đền thờ Chu Văn An gồm năm gian tiền tế và một gian Hậu cung, có 5 ban thờ, phía trong Hậu cung đặt tượng thờ thầy giáo Chu Văn An, tượng bằng đồng, nặng 100kg trị giá 79 triệu đồng do ĐH Kiến trúc công đức, trên là bức đại tự với hàng chữ “ Vệ dực chính đạo”. Ban tiếp theo là thờ gia tiên họ Chu, bên trên có bức đại tự “ Chính học thuần hành”. Ban chính giữa là ban công đồng, có 3 bức đại tự: Bức ở giữa là “Chấn phấn Nho học”; bức bên trái là “Minh thánh đạo”; bức bên phải là “Nhân trí dũng” và toàn bộ hoành phi câu đối ca ngợi đức độ Chu Văn An. Ban phía bên tay phải từ trong ra là ban thờ học trò thầy Chu Văn An, ban bên trái thờ Sơn thần Phượng Hoàng.
Vào mỗi dịp lễ tết đến hay tuần rằm, mùng một, đặc biệt là vào mùa thi cử, nơi đây luôn có đông đảo người địa phương và du khách đến chiêm bái, thành lễ. Những lúc ấy, tại thư phòng phía trái đền thường có các cụ đồ Nho trong trang phục xưa, ngồi thảo những con chữ giàu ý nghĩa bằng màu mực đỏ đặc trưng, tương truyền là màu mực nhà giáo Chu Văn An thường sử dụng ngày trước, hàm ý về tấm lòng trung trinh, son sắt của mình với dân với nước. Trong những dịp này, các bậc phụ huynh, các bạn học sinh, hoặc các văn nhân, thi sĩ nặng nợ nghiệp bút nghiên thường đến đền xin chữ, cũng là cầu mong sự học, sự viết luôn được suôn sẻ, đỗ đạt, đơm hoa kết nụ. Đền rất linh thiêng nên khi đến đây cầu xin học hành đỗ đạt , đa phần các thí sinh, học sinh đều rất an nhàn, thoải mái và tự tin trước khi bước vào kì thi quan trọng.
Ở đây thường có lễ hội đền vào mùng 6 tháng giêng (âm lịch) với tên gọi ''Lễ khai bút đầu năm'' và ''Lễ hội về nguồn'' diễn ra vào dịp kỉ niệm ngày mất của thầy (26/11 âm lịch).
Rời khỏi đền, chúng tôi mang theo niềm ngưỡng mộ và tôn kính đối với một người thầy của dân tộc. Nói như Albert Schweitzer: ''Điều duy nhất có giá trị trong cuộc đời chính là những dấu ấn của tình yêu mà chúng ta đã để lại phía sau khi ra đi “Phải chăng, tình yêu của Chu Văn An chính là tình yêu nước, từ đó nhóm lên ngọn lửa của tình yêu giáo dục, sự trân trọng tài năng ở mỗi người? Thầy đã để lại biết bao điều tốt đẹp cho chúng ta học tập và tiếp tục phát huy. Sau chuyến đi, tôi hay chính chúng ta sẽ tự cảm nhận và tự nhắn nhủ với chính mình rằng: ''Là học sinh, chúng ta cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong học tập, ngày càng hoàn thiện hơn về nhân cách để không phụ công lao dưỡng dục của gia đình và thầy cô .''
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |