Tố Hữu là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm vô giá nhưng nổi bật nhất có lẽ là "Lượm". Thi phẩm mà đặc biệt là khổ thơ "Cháu đi liên lạc...xa dần" đã thể hiện thành công chân dung cùng đức tính cao đẹp của chú bé Lượm. Nếu như ở những đoạn thơ trên, tác giả đi vào đặc tả Lượm qua những vần thơ giản dị, chân thành thì ở khổ thơ này, tác giả kể về chú qua màn đối thoại. Ở câu thơ đầu tiên, Lượm đã nói về công việc của mình "Cháu đi liên lạc". Vâng, thật đáng tự hào biết bao. Khi tuổi còn nhỏ, chú đã đi làm một công việc cao cả phục vụ cho kháng chiến. Thực hiện như lời Bác Hồ căn dặn "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/Để tham gia kháng chiến/Để gìn giữ hòa bình". Hơn hết, cậu bé Lượm còn khẳng định, cất giọng nói tràn đầy nhiệt huyết rằng "Vui lắm chú à". Đáng trân quý biết bao khi Lượm cảm thấy đây là công việc hữu ích và vui tươi, nhộn nhịp, thậm chí còn "Thích hơn ở nhà". Những câu thơ tiếp theo, Tố Hữu đã sử dụng ngòi bút tài hoa của mình miêu tả ngoại hình của chú bé liên lạc. Nào là "cười híp mí" cùng "má đỏ" và một chiếc "bồ quân". Nhưng đến câu thơ cuối cùng, nhịp thơ như lắng đọng lại "Cháu đi xa dần". Nó đã nói lên thời điểm tác giả phải từ biệt cậu bé Lượm ở phố Hàng Bè. Đồng thời đó cũng là giây phút cuối cùng Tố Hữu được gặp chú bé tinh nghịch, đáng yêu và dũng cảm ấy. Qua đây, chúng ta thầm cảm ơn những người đã hi sinh cả xương máu để cho ta cuộc sống yên bình như ngày hôm nay. Bởi lẽ đó, mỗi người dân phải không ngừng nỗ lực, cố gắng nhằm giữ gìn và bảo vệ đất nước.