Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Triết học Mác – Lênin khẳng định vật chất quyết định ý thức, nhưng ý thức lại tác động trở lại đối với vật chất, đó là mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức. Vận dụng điều này vào xã hội thì tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, nhưng ý thức xã hội lại tác động trở lại đối với tồn tại xã hội. Khẳng định vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội – đó là quan điểm duy vật về lịch sử – đây là công lao to lớn của C.Mác và Ph.Ăngghen, các ông đã phát triển chủ nghĩa duy vật đến đỉnh cao, xây dựng quan điểm duy vật về lịch sử và lần đầu tiên trong lịch sử triết học, các ông đã giải quyết một cách khoa học vấn đề hình thành và phát triển của ý thức xã hội.
Vì tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, cho nên không được tìm nguyên nhân những biến đổi của đời sống tinh thần của xã hội ngay trong bản thân đời sống tinh thần mà phải tìm nó trong đời sống vật chất của xã hội, trước hết là trong quan hệ kinh tế giữa con người với con người. Khi quan hệ kinh tế biến đổi thì tất cả những tư tưởng xã hội như: chính trị, triết học, pháp luật, đạo đức v.v. sớm muộn sẽ biến đổi theo. Cứ tồn tại xã hội như thế nào thì ý thức xã hội như thế ấy. Cho nên ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, nếu chúng ta thấy có những quan điểm, lý luận, tư tưởng xã hội khác nhau thì chính là do những điều kiện khác nhau của đời sống vật chất của xã hội quyết định.
Tồn tại xã hội không quyết định ý thức xã hội một cách giản đơn, trực tiếp mà thường thông qua các khâu trung gian. Trong thực tế, không phải bất kỳ quan điểm, tư tưởng hay lý luận nào cũng phản ánh một cách trực tiếp và rõ ràng các quan hệ kinh tế của thời đại. Chỉ khi nào chúng ta xét cho đến cùng thì các mối quan hệ kinh tế của thời đại mới được phản ánh bằng cách này hay cách khác trong các tư tưởng, quan điểm ấy. Do vậy, khi xem xét sự phản ánh của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội, đòi hỏi chúng ta phải có thái độ biện chứng chứ không nên cứng nhắc.
Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội
Mặc dù ý thức xã hội là sự phản ánh của tồn tại xã hội, do tồn tại xã hội quyết định, nhưng ý thức xã hội không phải là yếu tố thụ động, hoàn toàn phụ thuộc vào tồn tại xã hội; trái lại, ý thức xã hội có tính độc lập tương đối, nó tác động tích cực trở lại đối với tồn tại xã hội. Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội được biểu hiện ở những điểm sau đây:
a) Ý thức xã hội thường lạc hậu so với tồn tại xã hội
Tính lạc hậu của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội thể hiện ở chỗ khi xã hội cũ đã mất đi, thậm chí đã mất rất lâu, nhưng ý thức xã hội do xã hội đó sinh ra vẫn tồn tại dai dẳng. Sở dĩ như vậy bởi vì các nguyên nhân sau đây:
Một là, do sự biến đổi của xã hội diễn ra quá nhanh, ý thức xã hội không phản ánh kịp và trở nên lạc hậu. Mặt khác, ý thức xã hội là sự phản ánh của tồn tại xã hội nên chỉ khi nào tồn tại xã hội đã biến đổi thì ý thức xã hội mới biến đổi theo.
Hai là, trong lĩnh vực tâm lý xã hội, những thói quen, tập quán, truyền thống v.v… đã được tạo ra qua nhiều thế kỷ nó có ỳ ghê gớm không thể ngay một lúc có thể thay đổi được.
Ba là, xuất phát từ lợi ích giai cấp, các giai cấp, nhóm hay tập đoàn người phản tiến bộ tìm cách lưu giữ, truyền bá những tư tưởng cũ, lạc hậu, nhằm bảo vệ lợi ích giai cấp và chống lại các lực lượng xã hội tiến bộ.
Vì những ý thức lạc hậu, tiêu cực không mất đi một cách dễ dàng, cho nên trong quá trình xây dựng xã hội mới, giai cấp cách mạng phải tăng cường công tác tư tưởng, kiên quyết đấu tranh xoá bỏ những tàn dư tư tưởng cũ, lạc hậu, đồng thời ra sức xây dựng và phát huy những truyền thống tư tưởng tốt đẹp, tiến bộ.
b) Ý thức xã hội có thể phản ánh vượt trước tồn tại xã hội
Trong khi khẳng định ý thức xã hội thường lạc hậu so với tồn tại xã hội triết học Mác – Lênin đồng thời khẳng định rằng, trong những điều kiện nhất định, một bộ phận của ý thức xã hội là những tư tưởng khoa học, tiên tiến có thể vượt trước sự phát triển của tồn tại xã hội, hướng dẫn, chỉ đạo cho hoạt động thực tiễn của con người, dự báo các khả năng xảy ra trong tương lai, để từ đó đề ra những nhiệm vụ mới phải giải quyết do sự phát triển chín muồi của đời sống vật chất của xã hội đặt ra.
c) Ý thức xã hội có tính kế thừa trong sự phát triển của nó
Ý thức xã hội là cái chung nó được thể hiện ra thông qua những cái riêng là các hình thái ý thức xã hội cụ thể như: chính trị, pháp quyền, đạo đức, văn hóa, khoa học, nghệ thuật v.v.. Tất cả các hình thái ý thức xã hội một mặt phản ánh tồn tại xã hội trực tiếp, nhưng mặt khác, nó có tính kế thừa lịch sử trong sự phát triển của mình. Ví dụ: Chủ nghĩa Mác đã kế thừa và phát triển những tinh hoa tư tưởng của loài người mà trực tiếp là nền triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp.
Trong xã hội có giai cấp, các giai cấp khác nhau thường kế thừa những nội dung ý thức khác nhau của các thời đại trước. Các giai cấp tiên tiến thì tiếp nhận những di sản tư tưởng tiến bộ, những truyền thống tốt đẹp của xã hội cũ, còn các giai cấp lỗi thời và các nhà tư tưởng của nó thì tiếp thu, khôi phục những lý thuyết, những tư tưởng phản tiến bộ của xã hội cũ để phục vụ cho lợi ích của giai cấp mình.
d) Các hình thái ý thức xã hội tác động qua lại trong sự phát triển của chúng
Các hình thái ý thức xã hội đều có quy luật phát triển riêng nội tại và đều phản ánh tồn tại xã hội. Nhưng trong quá trình phát triển, giữa chúng luôn có sự tác động qua lại, ảnh hưởng, thúc đẩy lẫn nhau. Ở mỗi thời đại, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể có những hình thái ý thức nào đó nổi lên hàng đầu và tác động mạnh đến các hình thái ý thức khác. Trong sự tác động lẫn nhau giữa các hình thái ý thức thì ý thức chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng. Thông thường ý thức chính trị của giai cấp cách mạng, tiến bộ sẽ đóng vai trò định hướng cho sự phát triển theo chiều hướng tiến bộ của các hình thái ý thức khác.
e) Ý thức xã hội tác động trở lại tồn tại xã hội
Ý thức xã hội là sự phản ánh của tồn tại xã hội, do tồn tại xã hội quyết định, nhưng ý thức xã hội lại tác động tích cực trở lại tồn tại xã hội. Nếu ý thức xã hội là khoa học, đúng đắn, tiến bộ phù hợp với tồn tại xã hội thì nó sẽ thúc đẩy tồn tại xã hội phát triển. Ngược lại, nếu ý thức xã hội không đúng đắn, không phù hợp nó sẽ kìm hãm sự phát triển của tồn tại xã hội.
Như vậy, nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử về tính độc lập tương đối của ý thức xã hội đã cho chúng ta thấy bức tranh phức tạp của lịch sử phát triển ý thức xã hội và của đời sống tinh thần của xã hội nói chung, nó bác bỏ các quan điểm siêu hình, máy móc, tầm thường về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |