Đền thờ nữ tướng đầu tiền của Quân đội Nhân dân Việt Nam là một quần thể kiến trúc gồm cổng tam quan, nhà bia, đền thờ, nhà trưng bày, được nối với nhau bằng các trục đường chạy qua thảm cỏ xanh và những hàng cây xanh được trồng toả bóng mát.
Trước đền thờ là bia đá tóm tắt tiểu sử của nữ tướng Nguyễn Thị Định, có ghi rõ Cô Ba Định tham gia cách mạng năm 16 tuổi, tên tuổi của vị nữ tướng này gắn với huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và phong trào Đồng Khởi ở Bến tre năm 1960. Nữ tướng cũng chính là lãnh đạo của “Đội quân tóc dài” đã lập nên nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định được xây trên một mô đất cao, thoáng mát, theo kiểu tứ trụ, côt tròn, mái hai tầng chồng diềm uốn cong 4 góc vút cao lên trời, đầu hồi có trang trí nhiều họa tiết. Đền thờ có 3 cửa ra vào, xung quanh đều được xây dựng các hành lang rất rộng.
Bên trong được đặt một số nội thất giản dị, trang nghiêm. Đáng chú ý nhất là tượng đồng chân dung Cô Ba Định với trang phục áo bà ba khằn rằn quấn cố. Tượng có chiều cao 1,75m, nặng hơn một tấn, được đặt uy nghi trên bệ thờ bằng đá hoa cương cao 1,5m do Bộ Quốc Phòng trao tặng. Kề đó là bức hoành phi ghi lại lời khen của chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho nữ tướng.
Gian bên cạnh là phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Cô Ba Định. Nổi bật là chiếc áo gió mà nữ tướng đã sử dụng trong thời gian công tác tại khu 2, tỉnh Đồng Tháp từ năm 1962-1963 vẫn được lưu giữ.
Ghé thăm Đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định để thêm lòng biết ơn với những thế hệ trước, đã hy sinh rất nhiều cho đất nước. Bằng sự kiên trung, tình yêu mộc mạc với mảnh đất quê hương, những vị anh hùng áo vải trở thành tấm gương thật sáng, để thế hệ trẻ biết yêu hơn đất nước quê hương mình.