I. Tìm hiểu chung về tác giả và tác phẩm1. Tác giả
- Tô Hoài: Tên thật là Nguyễn Sen, ông sinh ra tại quê nội ở thôn Cát Động, Kim Bài, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Đông; lớn lên tại quê ngoại Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hoài Đức (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội), trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công.
+ Bút danh: Ngoài bút danh Tô Hoài được ghép từ tên của hai địa danh Tô Lịch và Hoài Đức, ông có nhiều bút danh khác như Duy Phượng, Phượng Vũ, Hồng Hoa, Vũ Đột Kích...
- Đời tư: Thuở nhỏ, ông đã trải qua nhiều công việc vất vả để kiếm sống như bán hàng, gia sư, kế toán,... trước khi chuyển qua việc sáng tác văn chương. Nhà văn có mối tình sâu nặng với một cô gái Sài thành tên Phượng nhưng do điều kiện ngặt nghèo lúc bấy giờ mà mối tình không thành, đành kéo dài suốt hai thế kỉ trong nỗi nhớ nhung xa cách. Để gợi nhớ những kỉ niệm hết sức đẹp đẽ, trong sáng về mối tình đầu với người con gái đó, trước cửa sổ phòng làm việc của mình, Tô Hoài luôn treo một giỏ bìm biển.
- Vài nét về tính cách tác giả: Tô Hoài là nhà văn lúc nào cũng dí dỏm, phóng khoáng, có lối nói chuyện rất riêng, rất lôi cuốn. Mọi người rất thích nghe ông kể chuyện/ nói chuyện bởi cái sự gần gũi, mộc mạc, bình dị mà hóm hỉnh của ông. Tuy nhiên trong công việc, ông luôn nghiêm túc và tận tâm, có khi rất nghiêm khắc với bản thân.
- Phong cách sáng tác của Tô Hoài:
+ Trước Cách mạng tháng Tám: Ông chủ yếu viết truyện về loài vật và truyện về nông thôn trong hoàn cảnh nghèo đói. Với những quan sát tinh tế, thông minh, những tìm tòi phát hiện mới mẻ, Tô Hoài lôi cuốn người đọc vào thế giới loài vật rất đỗi gần gũi, sinh động, thông qua tính cách và đời sống của thế giới loài vật tưởng chừng nhỏ bé ấy, nhà văn luôn thể hiện quan niệm nhân sinh sâu sắc. Khi viết về con người trước Cách mạng, ông đã miêu tả một cách chân thực về cuộc sống cùng quẫn, bế tắc, đói nghèo đến cùng cực của họ, từ đó bày tỏ niềm khát khao cuộc sống bình yên, tốt đẹp đến với những con người trong thời kì xã hội đen tối lúc bấy giờ.
+ Sau Cách mạng: Tô Hoài có sự chuyển mình mạnh mẽ cả về tư tưởng lẫn phong cách sáng tác, đề tài và chủ đề sáng tác được mở rộng. Ông không chỉ viết về cuộc sống của người dân nghèo ven ngoại thành Hà Nội mà hướng ngòi bút đến với nhiều vùng đất mới, đặc biệt là vùng Tây Bắc với lối viết mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc. Dù sáng tác ở thể loại nào và viết về đối tượng nào, nhà văn Tô Hoài cũng đều rất thành công.
- Các tác phẩm tiêu biểu: Dế Mèn phiêu lưu kí, Vợ chồng A Phủ,...
2. Tác phẩm: Bài học đường đời đầu tiên
- Xuất xứ: Đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên có tên do người biên soạn sách đặt, trích ở chương I của tiểu thuyết Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài - tác phẩm xuất sắc nhất của ông viết cho thiếu nhi, đã được dịch sang hơn 30 thứ tiếng trên thế giới.
- Tóm tắt: Dế Mèn có ngoại hình của một chàng thanh niên cường tráng, khỏe mạnh nhưng tính tình xốc nổi, kiêu căng, tự phụ. Chàng ta luôn khinh thường và không chịu giúp đỡ người bạn hàng xóm là chú Dế Choắt gầy gò, ốm yếu đào hang. Đã thế, Dế Mèn còn bày trò trêu chị Cốc khiến chú Dế Choắt chết oan. Qua cái chết và lời tha thứ của Choắt khuyên Mèn bỏ tính hung hăng, bậy bạ, Mèn ta vô cùng hối hận. Đây cũng chính là bài học đường đời đầu tiên của chú.
II. Khái quát nội dung và đặc sắc nghệ thuật truyện Bài học đường đời đầu tiên1. Giá trị nội dung
- Bằng những quan sát tinh tế, sự am hiểu về thế giới loài vật, thông qua đoạn trích, Tô Hoài đã miêu tả chú Dế Mèn có vẻ đẹp khỏe khoắn, cường tráng, tràn đầy sức sống của một chú dế mới trưởng thành. Tuy nhiên chú ta lại có tính cách kiêu căng, tự phụ, luôn coi thường khinh khỉnh những người yếu ớt như chú Dế Choắt. Chỉ vì bày trò nghịch dại trêu chị Cốc mà khiến Choắt chết thảm. Qua cái chết và lời khuyên của Dế Choắt, Mèn ta đã vô cùng ân hận và tự rút ra cho mình bài học đường đời đầu tiên.
- Bài học qua câu chuyện của Dế Mèn: Tính kiêu căng, tự phụ, xốc nổi không chỉ tự gây hại cho mình mà còn làm hại những người khác, bởi vậy trong cuộc sống, chúng ta cần khiêm tốn, suy nghĩ thật kĩ càng trước khi làm việc gì đó và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, nhất là những người yếu thế, gặp khó khăn hơn mình.
2. Giá trị nghệ thuật
- Ngôi kể: Thứ nhất xưng "tôi", chú Dế Mèn tự kể về câu chuyện của mình khiến lời kể trở nên tự nhiên, chân thực.
- Nghệ thuật miêu tả ngoại hình, tính cách nhân vật đặc sắc, sinh động.
- Hệ thống ngôn ngữ tự nhiên, giàu chất gợi hình gợi cảm.