Nếu những dòng tiêu đề này mà viết ra cách đây năm mươi năm thì có lẽ tôi đã có vinh hạnh đuợc làm quen với Trần Dần, Lê Đạt trong nhà tù rồi. Cũng thật may và thật tiếc cho tôi là hồi ấy tôi còn quá nhỏ nên đã không có đuợc cái vinh hạnh ấy. Thời kì mông muội của tư duy và tri thức đã qua rồi. Dân trí đã đuợc nâng lên đến cái mức mà những điều ngày xưa chúng ta tin thì bây giờ chẳng còn ai tin nữa. Có những điều ngày xưa chúng ta tôn thờ thì ngày nay ai cũng cho đó là một điều ngớ ngẩn. Một trong những điều đó là quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh? Một cuộc tranh cãi suốt cả một thời kì dài và nó chỉ kết thúc khi ông Truờng Chinh đưa ra bản cương lĩnh về văn hóa và Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước. Không còn tranh cãi nữa, tất nhiên rồi, nhưng không phải vì thế mà nó mất đi. Câu hỏi đó vẫn âm ỉ trong những người làm nghệ thuật và rồi ở đâu đó, vào một lúc nào đó nó lại bật ra và nó lại làm khổ những người cầm bút.
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Đã làm cho tác giả của nó ******** đến cuối đời. Cho đến bây giờ thì bài thơ Tây tiến của Quang Dũng chẳng ai dám bảo là không hay mà cái hay của nó chính lại nằm trong cái chất trí thức tạch tạch sè, cái mà người ta dùng nó để ấn Quang Dũng xuống bùn. Thật là lạ, cái người phê phán bài thơ lại chính là Tố Hữu, một người từng được những tên “Đĩ văn” tung hô là Nguyễn Du của thời đại. Tôi chẳng dám tin. Tôi! Một thằng cha căng chú kiết chưa bao giờ có nổi một bài thơ đăng báo, lại có một trình độ cảm thụ thơ hơn Tố Hữu, một đại thi hào đất Việt. Tôi cũng biết, một bài thơ có thể là hay với người này nhưng vẫn là không hay với người khác. Nghệ thuật, bản thân nó đã là một cái gì đó hữu hình mà vô hình khó nắm bắt và càng không thể có một thước đo thống nhất cho tất cả mọi người. Nếu nói như vậy chẳng lẽ lại có thể nói rằng: Ông Nguyễn Thế Duyên, người viết bài này, một thằng cha vô danh tiểu tốt chưa hề có một bài đăng báo, cũng tài như ông Tố Hữu một Nguyễn Du của thời đại được ư? Không thể đúng đuợc bởi còn có một thước đo khác, thuốc đo này rất hữu hình đó là số lượng độc giả yêu thích văn thơ của bạn. Nếu dùng thước đo này thì chắc chắn tôi là một con số không to đùng còn Tố Hữu hơn tôi đến vô cùng lần . Tôi thấy hay chẳng lẽ Tố Hữu không thấy hay? Không ! Tôi chắc rằng Tố Hữu cũng thấy hay lắm. Nhưng khi ông dùng cái thước đo “ Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” để đo bài thơ này thì bài thơ này đáng bị vứt vào sọt rác và tác giả của nó đáng bị dìm xuống bùn đen. Vậy đấy! Khi dùng cái thước “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”, cái thước này đã giết chết cả một thế hệ vàng của thi ca việt nam, đó chính là thế hệ những nhà thơ mới. Khi người ta bắt các thi nhân phải viết theo thước đo này thì hầu hết các thi nhân đều chết, Chỉ còn mỗi Chế Lan Viên còn sống, Xuân Diệu, Huy Cận, Anh Thơ, Nguyễn Bính, Thâm Tâm chẳng một ai viết đuợc một bài thơ nào nên hồn. Họ đã chết bởi một thứ gọi là thước đo cũng được mà gọi là chiếc roi cũng đúng “Nghệ thuật vị nhân sinh”.
Đấy là về thơ. Còn về văn xuôi cũng chẳng hơn gì. Hoài Thanh! Chết. Nguyễn Tuân! Chết. Kim Lân! Chết…. Cả một thế hệ nhà văn thời thơ mới chẳng ai viết đuợc cái gì cho ra hồn. Tôi có một lần ngồi nói chuyện với giáo sư Hoàng Như Mai, Giáo sư văn học, ông có kể cho tôi nghe một giai thoại có thật nghe mà cười ra nước mắt. Ông Hoàng Như Mai kể khi cụ Nguyễn Tuân còn sống cụ bảo với mọi người là khi cụ chết đi nhớ đốt cho cụ (Đốt hình nhân vàng mã) một thằng phê bình văn học.Cụ bảo:
-Xuống dưới ấy mới có thể nói thật với nhau đuợc
Cả một thế hệ tài năng của nền thơ mới chết trong lúc tài năng của họ đang chín nó là một thiệt thòi cho nền văn học nuớc nhà nhưng tổn thất còn hơn thế nữa là cả một cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp của chúng ta gần như vắng bóng trong văn học. Cuộc kháng chiến chin năm ấy có lễ chỉ còn mỗi ông Tố Hữu nhưng một nhà thơ dù có tài đến bao nhiêu thì cũng không thể khắc họa lại đuợc đầy đủ một cuộc kháng chiến của cả một dân tộc. Mà ông Tố Hữu có thực tài không thì còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Hậu quả của cái nghệ thuật vị nhân sinh ấy nó còn kéo dài suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nền văn học trong thời kì chống Mỹ cứu nuớc có khá hơn thời kì chống Pháp. Đất nuớc đã có đủ thời gian để tạo nên một thế hệ nhà văn, nhà thơ mới để khắc họa lại những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc như Anh Đức, Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật v.v... Nhưng! Vâng, lại có một chữ nhưng nữa. Cái “Nghệ thuật vị nhân sinh” đã trở thành một cái khuôn đúc, đúc ra những người lính giống hệt nhau trong tất cả các tác phẩm văn học thời kì này. Người lính của Nguyễn Trung Thành cũng giống người lính của Anh Đức, cũng giống người lính của Nguyễn Minh Châu, tất cả đều căm thù giặc, bỏ tình riêng, lao lên họng đại liên cứ như đang lao vào một bữa tiệc. Họ chỉ là những hình nhân biết cử động vì họ được đúc bằng cùng một cai khuôn “Nghệ thuật vị nhân sinh”.
Hãy nhìn lại thời kì hiện thực phê phán, cái anh nông dân Chí Phèo của Nam Cao khác hẳn với anh nông dân Pha của Ngô Tất Tố. Cô thôn nữ Mịch của Vũ Trọng Phụng khác hẳn với cô thôn nữ Dậu trong Tắt đèn. Họ không đuợc tạo ra từ cùng một cái khuôn nên khuôn mặt của họ lung linh sống động hằn sâu vào tâm trí người đọc và tên của họ làm người đọc nhớ. Còn văn học xã hội chủ nghĩa của chúng ta các khuôn mặt đều từa tựa giống nhau nên tên của họ chẳng để lại trong tâm trí người đọc. Không hiểu có ai nhớ nổi tên nhân vật trong “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi hay tên một ai trong tác phẩm đồ sộ “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu? Tôi thì tôi chả nhớ.
Nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng cái bản sắc cá nhân của người cầm bút là vô cùng quan trọng. Nó làm cho văn học phong phú, đa chiều mà bản sắc cá nhân ấy thì phải nói rằng nó chỉ có thể có được khi nó “Vị nghệ thuật” Mà thôi. Khi bắt Quang Dũng phải viết về người lính tri thức cũng giống như Hoàng Trung Thông viết về người lính nông dân thì Quang Dũng sẽ chết và thực sự Quang Dũng đã chết.
Không có gì ngớ ngẩn hơn khi đặt ra câu hỏi “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay là nghệ thuật vị nhân sinh” bởi vì bản thân nghệ thuật sinh ra là do nhu cầu của cuộc sống con người. Tức là nó đã “Vị nhân sinh” rồi đấy. Hội họa bắt đầu từ những hình vẽ trên những vách đá mà người tiền sử muốn nói lại với những người khác điều họ đã bắt gặp. Văn chuơng bắt đầu từ những thủ tục cúng tế của người thời xưa, một nhu cầu về mặt tâm linh của con người. Nghệ thuật bắt nguồn từ “Vị nhân sinh” và khi nó thông qua cái “Vị nghệ thuât” tức là nó đã vì con người ở mức độ cao hơn.
Khi nghệ thuật “Vị nhân sinh” mà không thông qua con đuờng “Vị nghệ thuật” thì nó không còn là nghệ thuật nữa mà nó trở thành một sản phẩm tuyên truyền. Ta hãy đọc lại một bài thơ của cụ Hồ chí minh
Hòn đá to,
hòn đã nặng
Một người nhấc
nhấc không đặng
Hòn đá nặng,
hòn đã bền
Một người nhấc,
Nhấc không nên
Tôi không cho rằng đây là bài thơ dù người viết là Cụ Hồ Chí Minh. Và tôi nghĩ chính Cụ Hồ cũng ý thức đuợc điều đó và chắc là Cụ cũng khổ tâm lắm khi phải viết như vậy cho những người nông dân thất học. Một người viết nên những áng thơ như Nhật kí trong tù mà phải viết những vần như vậy thì còn gì khổ hơn. Nhưng Cụ đã hy sinh. Lúc này Cụ không còn là thi nhân nữa mà Cụ là một nhà cách mạng. Những bài thơ chúc tết sau này của Cụ cũng như vậy.
Văn học có chức năng tuyên truyền nhưng dứt khoát nó phải thông qua con đuờng “Vị nghệ thuật” Thì nó mới trở thành một tác phẩm nghệ thuật nếu không nó chỉ là một sản phẩm tuyên truyền. Hình như Ban tư tưởng văn hóa trung ương không biết đuợc điều này .
Nghệ thuật vị nghệ thuật chính là nghệ thuật vị nhân sinh đuợc đưa lên một đỉnh cao mới. Ở đỉnh cao này, nghệ thuật không những thỏa mãn đuợc nhu cầu thưởng thức văn hóa của con người mà hơn thế nữa nó còn có tác dụng bồi bổ và thanh lọc tâm hồn của con người và đấy chính là cái “Vị nhân sinh” của cái “Vị nghệ thuật”. Khi dân trí đuợc nâng lên thì người đọc chẳng thể nuốt trôi những tác phẩm chỉ “Vị nhân sinh” Một cách thô thiển.
Đáng lẽ phải hòa cái “Vị nhân sinh” vào trong cái “Vị nghệ thuât” thì người ta lại tách riêng hai cái ra khỏi nhau và đặt một câu hỏi hết sức ngu ngốc “Vị nghệ thuật hay là vị nhân sinh?” và chính cái câu hỏi ngu ngốc này đã đã làm nền văn học nước nhà chìm đắm.
Tiếc thay cho xương máu của hàng triệu con người đất Việt đổ xuống trong hai cuộc kháng chiến đã không lưu lại đuợc cho vài trăm năm sau một áng thơ văn nào như “Bạch đằng giang phú” hay “Đại cáo bình Ngô” trong khi hai cuộc kháng chiến ấy còn hào hùng gấp mấy trăm lần cuộc kháng chiến chống quân Minh hay quân Nguyên của cha ông chúng ta ngày trước
Ờ mà lạ nhỉ! Trong lúc người ta cứ hỏi “Vị nghệ thuật hay vị nhân sinh” thì tôi lại muốn hỏi “Vị cái gì?” vì hiện nay có rất nhiều tác phẩm như “Sợi xích” hay “Gào” hay một số tập thơ mà đọc đi đọc lại tôi vẫn không thấy nó vị cái gì có chăng thì nó chỉ vị những bản năng thấp hèn của con người đang đuợc in và bày bán tràn lan trong hiệu sách.
Khổ thân cho những người thích đọc và thích viết như tôi quá.