Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ, nội dung thể loại truyên ngắn bao gồm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự, sử thi… nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ.
Tác phẩm bao giờ cũng tồn tại trong những hình thức thể loại nhất định. Lý luận văn học đã mặc định “không có tác phẩm nào tồn tại ngoài hình thức quen thuộc của thể loại”. Truyện ngắn cũng là một thể loại tác phẩm phổ biến, nên có những đặc trưng riêng của nó.
Truyện ngắn thiên về lối kể kết hợp giữa sự thật đời sống với khả năng hư cấu, tưởng tượng. Khác với tiểu thuyết về dung lượng, truyện ngắn “tập trung mô tả một mảnh đất của cuộc sống, một biến cố hay một vài biến cố xảy ra trong một giai đoạn nào đó của đời sống nhân vật, biểu hiện nào đó của tính cách nhân vật, thể hiện một khía cạnh nào đó của xã hội”
Một thiên truyện ngắn có thể trở thành một “tòa lâu đài” chứa đựng cả tinh thần thời đại nếu như thực sự nằm dưới ngòi bút có tài. Nhà văn chỉ cần “Vẽ một con báo qua mảng lông mà vẫn biết là con báo, qua một con mắt mà truyền được cả tinh thần” (Lỗ Tấn). Trên thế giới, đạt được điều đó, số nhà văn chỉ đếm được trên đầu ngón tay: G.Maupassant, A.Daudet, A.Chekhov, E.Hemingway, J.London, Lỗ Tấn, Nam Cao… Sức mạnh trong sáng tác của các bậc thầy này phần nhiều ở tính chất điển hình và minh xác một hình tượng, trong đó con người và cuộc sống được bọc lộ. Với điển hình đó, người đọc liên tưởng đến một giai đoạn lịch sử, một thời đại dân tộc. Lúc này, truyện ngắn trở thành “tấm bia kỷ niệm vĩ đại”, trở thành “tòa đại lầu chứa đựng cả tinh thần thời đại” như Lỗ Tấn đã nói.
Nếu như kịch “được xây dựng trên cơ sở những mâu thuẫn lịch sử, xã hội, hoặc những xung đột muôn thuở mang tính toàn nhân loại” (Từ điển Thuật ngữ văn học, Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi, NXB GD, 1992, tr.114); thơ chủ yếu phản chiếu cuộc sống bằng thế giới cảm xúc, nội tâm, tình cảm của chủ thể nhân vật trữ tình – nhà thơ; tiểu thuyết là loại hình “chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn của nó”; thì truyện ngắn thường “hướng tới việc khắc họa một hình tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống con người” (từ điển thuật ngữ văn học, sách đã dẫn), là sự hội tụ đa chiều trong khoảng khắc như “mặt xén ngang của cuộc sống”. *Những đặc trưng cơ bản của truyện ngắn. Về cốt truyện.
Cùng một thể loại văn xuôi tự sự như tiểu thuyết, truyện ngắn vừa có những nét chung lại có những nét riêng của mình. Đặc trưng chung của thể hiện đầu tiên ở cốt truyện. Cốt truyện là một hệ thống cụ thể những sự kiện, biến cố, hành động trong tác phẩm tự sự và tác phẩm kịch thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các tính cách trong một hoàn cảnh xã hội nhất định nhằm thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Truyện ngắn là thể loại có cốt truyện nhưng nhìn chung biến hóa hơn tiểu thuyết. Truyện ngắn có nhân vật, được thể hiện qua lời kể, trần thuật. Cả hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết đều chú trọng vai trò của người kể chuyện. Song điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa truyện ngắn và tiểu thuyết là truyện ngắn có hình thức kể chuyện nhỏ – tức là “truyện ngắn”. Nó chỉ đề cập đến một vài biến cố riêng của cuộc sống con người. Số lượng nhân vật cũng không nhiều, vì hầu hết các truyện ngắn xây dựng rất ít các sự kiện, ít biến cố. Tình tiết trong truyện ngắn vì thế thường được lựa chọn rất kỹ, chỉ ghi lại những tình huống nào tiêu biểu nhất, đủ sức cho người đọc hình dung cả quá trình sống của nhân vật. Cũng vì vậy mà “dung lượng hiện thực trong cuộc sống phản ánh có mức độ” (Lê Tư Chỉ, Để phân tích truyện ngắn, NXB Trẻ, 1996, tr.19).
Dựa vào cốt truyện, có thể chia làm hai loại truyện. Truyện không có cốt truyện (hoặc cốt truyện rất mờ nhạt): do chủ ý nghệ thuật của nhà văn chỉ nhằm thể hiện diễn biến tâm trạng nhân vật trong mối liên hệ với hoàn cảnh. Truyện chỉ có những ý tưởng, không có sự kiện gay cấn, thời gian cụ thể, thậm chí không có đầu đuôi (truyện ngắn Thạch Lam). Truyện ngắn có cốt truyện rất chú ý xây dựng những tình tiết, sự kiện bộc lộ tính cách của nhân vật và thúc đẩy hướng phát triển, vận động của mạch truyện. Bản thân cốt truyện là hệ thống các sự kiện, được chia theo lớp lang từ đầu đến cuối truyện. Các sự kiện càng gay cấn, nổi bật càng tạo kịch tính, sức hấp dẫn cho truyện (CHÍ PHÈO – Nam Cao).
*Về dung lượng.Truyện ngắn có dung lượng nhỏ, ngắn gọn mà cô đúc nên có sức ám ảnh lớn. Nó tập trung vào một hoặc một vài biến cố trong một không gian, thời gian nhất định, tạo ra ấn tượng mạnh mẽ và sự liên tưởng cho người đọc. Ví dụ : Truyện ngắn Vi hành của Nguyễn Ái Quốc dịch ra tiếng Việt chỉ hai trang sách, được viết dưới hình thức một bức thư kể về một sự kiện là tác giả bị nhận nhầm là Khải Định. Cốt truyện không có gì, sự kiện đơn giản, dung lượng rất ngắn nhưng truyện lại có sức công phá lớn, tác động mạnh mẽ vào ý thức, khêu gợi trí tưởng tượng của người đọc để đặt ra vấn đề chính trị – xã hội, vấn đề dân tộc, vấn đề đấu tranh….
Đề tài, nội dung truyện ngắn có thể lấy ở nhiều mặt của cuộc sống, nhiều vấn đề có tính chất thời sự xã hội. Phần lớn là vấn đề đời tư cá nhân, có khi chỉ là khoảnh khắc trong đời tư đó. Việc lựa chọn đề tài, phản ánh nội dung trong tác phẩm chịu sự chi phối bởi “nhãn quan” nhà văn, trong đó xác lập “điểm nhìn” riêng cho mình là quan trọng hơn cả. Nhà văn tiến bộ luôn đứng trên mọi quan hệ giai cấp, mọi sự ràng buộc của hệ tư tưởng, nói lên tiếng nói lẽ phải của chân lý, cuộc đời. Cảm hứng thế sự chi phối âm vang, độ lắng đọng của truyện ngắn trong dòng thời gian, trong lòng người đọc. Những truyện ngắn trường tồn mãi mãi khi nó âm ỉ bên trong những tiếng nói thầm kín của con người, những khát vọng của mọi thời đại.
Về kết cấu, tuy dung lượng nhỏ nhưng truyện ngắn có thể có những kết cấu linh hoạt. Kết cấu truyện ngắn không gồm không gian, thời gian nhiều tầng bậc, nhiều tuyến, mà được tổ chức theo kiểu tương phản, liên tưởng. Truyện ngắn có thể có các kiểu kết cấu sau đây:
Truyện ngắn đề cập đến mọi đề tài phong phú, đa dạng, chạm đến mọi ngóc ngách đời sống con người. Trên cùng một đề tài, mỗi nhà văn lại có cách khai thác khác nhau, đem lại sắc thái riêng cho tác phẩm của mình. Cùng viết về đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám, Ngô Tất Tố đề cập đến sự bần cùng hóa, phá sản về vật chất của họ; còn ngòi bút Nam Cao lại xoáy vào sự tha hóa về nhân cách, phá sản về tinh thần ở những con người ấy.
Nhân vật truyện ngắn ít hơn tiểu thuyết và thường bắt buộc phải được xây dựng theo nguyên tắc điển hình hóa. Nhân vật phải được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể, vừa mang tính chung phổ quát vừa mang tính riêng độc đáo. Trong truyện ngắn, nhân vật là một mảnh nhỏ của thế giới, là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người, phát ngôn trực tiếp hoặc gián tiếp cho tư tưởng nhà văn.
Nhân vật trong truyện ngắn đa phần được khắc họa bằng nội tâm chứ ít khi thông qua sự đối thoại như văn bản kịch. Nội tâm của nhân vật trong truyện ngắn là mạch chỉ xuyên suốt, quyết định cấu chốt của cốt truyện. Cốt truyện được xây dựng liền mạch với sự phát triển tâm trạng, nó “chủ yếu là nhận ra cái gì, vì vậy nó thường kết thúc theo lối chấm phá”. Kết cấu truyện ngắn cũng không chia thành nhiều thành tố phức tạp. Nó không có kết cấu chương hồi, mà chủ yếu là sự đan bệnh các chi tiết. Chi tiết là nơi gởi gắm nhiều nhất tư tưởng của nhà văn trong bất kỳ truyện ngắn nào. Nội dung của truyện ngắn thể hiện qua hệ thống chi tiết. Các chi tiết có thể xuất hiện nhiều lần, lặp lại có tác dụng nhấn mạnh chủ ý nhà văn. Có những tác phẩm rất nhiều chi tiết, các chi tiết chính được các chi tiết phụ tô bật ý nghĩa. Đối với mỗi nhà văn, việc lựa chi tiết trong truyện ngắn là hết sức cần thiết. “Ý thức về chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn là sức sống cảm quan thẩm mỹ đối với người cầm bút. Do dung lượng truyện ngắn hạn chế, nên sự tuyển dụng chi tiết đưa vào tác phẩm phục vụ cho chủ đề, cho tư tưởng chung, cho việc khắc họa tính cách, tâm lý nhân vật .v.v.. là trách nhiệm, tài năng của nhà văn” (Phùng Quý Nhâm, Thẩm định văn học, NXB Văn nghệ, 1991, tr.83).
Về điểm nhìn và phương thức kể chuyện.Điểm nhìn là vị trí, chỗ đứng để xem xét, miêu tả, bình giá sự vật, hiện tượng trong tác phẩm. Trong tác phẩm tự sự, tương quan giữa nhà văn và chủ đề trần thuật hay giữa điểm nhìn của người trần thuật với những gì anh ta kể là điều đặc biệt quan trọng. Điểm nhìn nghệ thuật được xem như một camera dẫn dắt người đọc vào mê cung văn bản ngôn từ. Khi nghiên cứu điểm nhìn nghệ thuật, người ta chia điểm nhìn thành các loại như điểm nhìn tác giả, điểm nhìn nhân vật, điểm nhìn không gian, điểm nhìn thời gian, điểm nhìn tâm lý, điểm nhìn tư tưởng, điểm nhìn tu từ… Trong nghệ thuật trần thuật, sáng tạo của nhà văn trước hết thể hiện ở cách “ứng xử” với câu chuyện để tạo ra sự đa dạng của các điểm nhìn nghệ thuật.
Phương thức kể chuyện, trong truyện ngắn, người ta thường dùng nhiều cách kể chuyện. Các nhà văn thường thay đổi cách kể và có thể có các hình thức kể hỗn hợp.
Có hai hình thức phổ biến là:
+ Tường thuật lại quá trình, diễn biến sự việc: Vợ nhặt (Kim Lân)
+ Miêu tả lại diễn biến sự kiện: Vi hành (Nguyễn Ái Quốc)
Để nhận thức phương thức kể chuyện, người ta căn cứ vào các tình huống kể chuyện:
+ Tình huống khách quan: Tác giả đứng bên ngoài kể lại điều xảy ra: Chiếc lá cuối cùng (Ohenry)
+ Tình huống chủ quan: Tác giả hoặc người kể chuyện tự đóng vai trò là nhân vật chính của tác phẩm; kể lại những sự kiện, hành động, việc làm, ý nghĩa hoặc mối quan hệ người – người, hoặc phân tích, bình luận chung.
Cũng cần chú ý đến quan điểm của người trần thuật trong truyện ngắn. Quan điểm đó thể hiện trong cách kể, nhưng cũng có khi thái độ bề mặt qua ngôn ngữ lại đánh lừa ta (CHÍ PHÈO – Nam Cao). Truyện ngắn cũng thường có viễn cảnh – khung cảnh được mở ra trong tương lai mà qua tác phẩm người đọc phát hiện hoặc cảm nhận được.
Về cách xây dựng tình huống.Tình huống truyện là “cái tình thế của câu chuyện”, là cảnh huống chứa đựng trong nó những mâu thuẫn, xung đột hoặc những khả năng tiềm tàng để cốt truyện diễn tiến, phát triển, nhân vật bộc lộ tính cách.
Tình huống truyện có vai trò hết sức quan trọng, được ví như “cái chìa khóa vận hành cốt truyện”. Từ tình huống truyện, các sự kiện, biến cố của cốt truyện được phát triển, tính cách nhân vật được bộc lộ. Việc giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong tình huống truyện sẽ bộc lộ rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm và dụng ý nghệ thuật của tác giả. Việc sáng tạo nên các tình huống độc đáo biểu hiện khả năng quan sát, khám phá bản chất cuộc sống, bản chất con người của nhà văn.
Tình huống là thời điểm, khoảnh khắc nhất định trong tác phẩm, ở đó tập trung điểm nút chủ đạo trong tác phẩm của nhà văn. Tạo tình huống là một đặc điểm thi pháp truyện ngắn. Do dung lượng nhỏ, truyện ngắn buộc phải tìm đến một tình huống – tức là một khoảnh khắc đặc biệt trong đời sống – để thể hiện tập trung mối quan hệ con người, bật sáng tư tưởng của bản thân tác giả. Truyện ngắn có thể có một hay nhiều tình huống, tạo thành một hệ thống.
Các kiểu tình huống truyện tiêu biểu là: tình huống nhận thức, tình huống tâm trạng, tình huống hành động. Tình huống TN thường rất độc đáo, ấn tượng, tạo hiệu quả thẩm mĩ cao.
Chi tiết trong truyện ngắn hay tiểu thuyết đều nhằm bộc lộ tính cách, tâm tư truyện ngắn, đan dệt nên các tình huống truyện, đều cùng có hai loại chi tiết: Chi tiết trung tâm và chi tiết phụ trợ. Nhưng chi tiết ở truyện ngắn thường ẩn chứa dung lượng phản ánh rất lớn. Cũng có nghĩa là tính cô đọng, hàm súc và tượng trưng của chi tiết cao. Một chi tiết nổi bật có thể gợi cho người đọc liên tưởng đến cả một trạng thái nhân sinh xã hội, suy rộng ra bề sâu, bề xa của nội dung phản ánh.
Ngôn ngữ truyện ngắn thường cô đọng, súc tích. Văn phong trong truyện ngắn đóng vai trò quan trọng, tạo nên phong cách riêng của nhà văn. Giọng văn quyết định hình thức tổ chức kết cấu truyện và nội dung tư tưởng. Thể tài truyện ngắn cũng chịu sự quy định của văn phong. Lời văn bộc lộ, giải bày, suy ngẫm về thế thái nhân tình thì hình thành truyện ngắn trầm tư, thế sự; lời văn trần thuật, hoạt kê tạo nên thể tài châm biến, đả kích; lời văn phân tích, mổ xẻ về những vấn đề thời sự xã hội thì tính hiện thực cao. Vì vậy, “lời văn là yếu tố quan trọng cho nghệ thuật viết truyện ngắn. Lời kể và cách kể chuyện là những điều người viết truyện ngắn đặc biệt chú ý khai thác và xử lý, nhằm đạt hiệu quả mong muốn”
Với những đặc trưng trên, truyện ngắn là một thể loại có sức sống bền lâu, được nhiều độc giả yêu chuộng. Nó luôn không ngừng phát triển để càng ngày càng khẳng định giá trị riêng biệt mà không một thể loại nào có được.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |