Napoléon Bonaparte[chú thích 1] (tên khai sinh Napoleone di Buonaparte; 15 tháng 8 năm 1769 – 5 tháng 5 năm 1821), sau này được biết đến với đế hiệu Napoléon I, là một chính khách và nhà lãnh đạo quân sự người Pháp đã nổi danh trong cuộc Cách mạng Pháp và lãnh đạo một số chiến dịch thắng lợi trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Pháp. Ông là nhà lãnh đạo thực tế của nền Đệ Nhất Cộng hòa Pháp với tư cách Tổng tài thứ nhất từ năm 1799 đến năm 1804. Với hiệu Napoléon I, ông là Hoàng đế Pháp từ năm 1804 đến năm 1814 và phục vị vào năm 1815. Di sản chính trị và văn hóa của Napoléon đã trường tồn, và ông được coi là một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng và gây tranh cãi nhất trong lịch sử thế giới.[2][3]
Napoléon sinh ra trên đảo Corse không lâu sau khi được sáp nhập vào Vương quốc Pháp.[4] Ông ủng hộ Cách mạng Pháp 1789 khi còn đang phục vụ trong quân đội Pháp, và đã cố gắng truyền bá lý tưởng của cuộc cách mạng đến quê nhà Corse của mình. Ông thăng tiến nhanh chóng trong Quân đội sau khi cứu được Hội đồng Đốc chính Pháp bằng việc dẹp tan quân nổi dậy bảo hoàng. Năm 1796, ông bắt đầu một chiến dịch quân sự chống lại người Áo và đồng minh Ý của họ, lập được nhiều chiến công và trở thành một vị anh hùng dân tộc. Hai năm sau, ông dẫn đầu một cuộc viễn chinh tới Ai Cập, nơi đóng vai trò là bàn đạp cho quyền lực chính trị. Ông thực hiện một cuộc đảo chính vào tháng 11 năm 1799 và trở thành Tổng tài thứ nhất của nền Cộng hòa. Sự bất đồng với người Anh buộc người Pháp phải tham gia vào Chiến tranh Liên minh thứ Ba vào năm 1805. Napoléon đã đánh tan liên quân này bằng những thắng lợi trong Chiến dịch Ulm và Trận Austerlitz, dẫn đến sự tan rã của Đế quốc La Mã Thần thánh. Năm 1806, Liên minh thứ Tư đã vũ trang chống lại ông do Phổ trở nên lo sợ về sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Pháp trên lục địa. Napoléon hạ gục Phổ trong trận Jena và Auerstedt, đưa lực lượng Grande Armée vào Đông Âu, tiêu diệt quân Nga tại Friedland vào tháng 6 năm 1807, buộc các quốc gia bại trận trong Liên minh thứ Tư phải chấp nhận Hiệp ước Tilsit. Hai năm sau, người Áo thách thức người Pháp một lần nữa trong Chiến tranh Liên minh thứ Năm, nhưng Napoléon đã củng cố vị thế của mình trên toàn cõi châu Âu sau khi chiến thắng trong trận Wagram.