Khổ thơ đầu bài thơ “Viếng lăng Bác” là những cảm xúc của nhà thơ khi lần đầu được đến thăm lăng Bác. Bài thơ được bắt đầu bằng lời kể giản dị những chứa đựng biết bao điều sâu xa: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Nhà thơ xưng “con" và gọi chủ tịch Hồ Chí Minh là “Bác”. Đây là cách xưng hô quen thuộc của những người con vùng đất Nam Bộ, đồng thời cũng gửi gắm biết bao tình cảm và nỗi niềm xúc động của nhà thơ. Cách xưng hộ của Viễn Phương gợi nhớ đến những vần thơ Tố Hữu: “Người là cha, là Bác, là anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”. Nhà thơ đã sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng” làm vơi đi những đau buồn, mất mát cho người đọc khi Bác đã không còn. Điều đầu tiên gây ấn tượng cho tác giả khi tới thăm lăng Bác là “hàng tre”: “Đã thấy trong sương hàng trẻ bát ngát/ Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam/ Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”. Hàng tre trong những câu thơ trên là hình ảnh giàu ý nghĩa. Đó là hình ảnh thực - rặng tre được trồng trước lăng Bác. Song, hình ảnh cây tre còn là biểu tượng cho con người và dân tộc Việt Nam bền bỉ, dẻo dai, bất khuất, kiên cường. Hàng tre ấy cũng như những con người Việt Nam ta dù phải trải qua bao “bão táp mưa sa” vẫn “đứng thẳng hàng”. Câu thơ như một lời khẳng định: dân tộc ta dù có gian khổ, khó khăn thì vẫn hiên ngang, kiên cường, bất khuất. Ý thơ có sự đồng điệu với những câu thơ trong bài “Tre Việt Nam” (Nguyễn Duy): “Ở đâu tre cũng xanh tươi - Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu”. Như vậy, có thể thấy khổ thơ đầu đã để lại rất nhiều ấn tượng cho độc giả tiếp nhận. Nhà thơ đã thể hiện nỗi niềm xúc động khi được ra viếng lắng Bác, đồng thời người đọc cũng cảm nhận được lòng thành kính và biết ơn vô hạn của Viễn Phương dành cho Bác Hồ kính yêu.