Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Này vừa là danh lam vừa là di tích lịch sử luôn nhe.
Nói đến du lịch tâm linh tại thành phố Cần Thơ, một địa điểm không thể bỏ qua khi đặt chân đến với thủ phủ miền Tây Nam Bộ đó chính là Nam Nhã Phật Đường hay còn gọi là chùa Nam Nhã.
Nằm cách trung tâm thành phố 5km về phía Bắc, Nam Nhã Phật Đường toạ lạc tại số 612, đường CMT8, P. Bùi Hữu Nghĩa, Q. Bình Thuỷ, TP. Cần Thơ.
Chùa do cụ Nguyễn Giác Nguyên xây năm 1895, tiền thân nơi đây là một tiệm thuốc bắc có tên Nam Nhã Đường, sau được xây dựng lại và đổi tên thành Chùa Nam Nhã.
Chùa Nam Nhã có khuôn viên cực kỳ rộng lớn được bao bọc bởi khu vườn xanh mát. Cổng được lợp bằng gạch ngói trông đơn sơ nhưng toát vẻ cổ kính, uy nghiêm. Bao quanh chùa là tường rào kiên cố được quét vôi màu vàng sáng. Sân chùa Nam Nhã được lát bằng dòng gạch tàu. Giữa sân được trang trí thêm hòn non bộ cao khoảng 2m, đặt trong một hồ nước trong veo xây bằng gạch đỏ sẫm tuyệt đẹp. Giữa sân chùa Nam Nhã còn đặt thêm nhiều cây kiểng quý hiếm. Mỗi loại cây đều được chăm chút cẩn thận, tỉ mỉ tạo nên quang cảnh tươi mát, thoáng đãng.
Từ cổng bước vào, du khách sẽ rất bất ngờ với kiến trúc của ngôi chính điện - một tòa nhà lớn uy nghi nằm ở giữa, gọi là Diêu Trì Bửu Điện. Gồm 5 gian, mái lợp ngói âm dương, trên có tượng lưỡng long tranh châu. Đặc biệt, mặt tiền chánh điện được xây theo kiểu kiến trúc Á – Âu kết hợp hồi đầu thế kỷ 20, có nhiều nét khác với kiểu chùa truyền thống ở Nam Bộ lúc bấy giờ. Nơi đây cũng là nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm, đặc biệt là các bức hoành phi câu đối, nó đánh dấu sự kết hợp của thơ và hoạ trong nghệ thuật chạm trổ và khảm ốc, là những minh chứng hùng hồn cho Mỹ Thuật đồ cỗ Nam Bộ xưa.
Bên trong chánh điện chùa Nam Nhã, gian trung tâm được bày trí rất trang trọng là nơi đặt bàn thờ tam giáo: Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Bàn đối diện là nơi thờ Trấn đàn Hộ pháp Bùi Hữu Sanh và nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa. Bàn bên phải thờ Quan Thánh Đế Quân, Lịch Đại tổ sư và người lập chùa là cụ Nguyễn Giác Nguyên. Hai bên tiền điện có hai bàn hương án đặt bài vị của các sư trụ trì.
Sau chánh điện là một hành lang dài, có 2 căn phòng tiếp khách. Bên phải và bên trái chùa là 2 dãy nhà lợp ngói: Càn Đạo Đường dùng cho nam giới và Khôn Đạo Đường dùng cho nữ giới, nối thông với nhà bếp.
Nam Nhã Phật Đường vừa là nơi thờ phụng tín ngưỡng, vừa là trụ sở chính của phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi tập trung, nuôi dưỡng phong trào yêu nước. Trong những năm khó khăn gian khổ của cách mạng, Đặc ủy Hậu Giang, Xứ ủy Nam Kỳ đã chọn nơi đây làm địa điểm liên lạc với các tổ chức cách mạng trong toàn miền. Ngày 25 tháng 1 năm 1991, chùa Nam Nhã đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Ngày nay ngôi chùa này là một trong số ít công trình, kiến trúc cổ có giá trị lịch sử văn hoá nghệ thuật còn được lưu giữ khá nguyên vẹn tại thành phố Cần Thơ, là điểm hội tụ văn hoá tâm linh của dân tộc VN, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng, cầu nguyện. Đồng thời, là nơi giúp giải toả, an ủi những khó khăn đời sống tinh thần của con người.
Vì vậy, đến với Nam Nhã Phật Đường mỗi chúng ta cần có cách ứng xử văn hoá, văn minh; có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, cho không gian chùa luôn trang nghiêm, sạch đẹp.
Được công nhận là một di tích lịch sử của Tổ Quốc, là địa điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều du khách ghé thăm bởi lối kiến trúc độc đáo và lâu đời. Nếu có dịp du lịch thủ phủ miền Tây thì Nam Nhã Phật Đường là một địa điểm không thể bỏ qua
Còn đây là thắng cảnh:
"Cần Thơ có bến Ninh Kiều.
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân.”
Bến Ninh Kiều từ lâu đã là một thắng cảnh nổi tiếng và là nơi dừng chân lý tưởng của du khách tại mảnh đất thủ phủ miền Tây thơ mộng, hữu tình.
Tọa lạc ở bờ phải sông Hậu, nằm giữa ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, tiếp giáp với đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, thuộc quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Ngược dòng thời gian, Bến Ninh Kiều xưa là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ được người Pháp gọi là “Bến thương mại”.Riêng người dân địa phương thường gọi bằng cái tên dân dã là “Bến Hàng Dương” hay “ Bến Lê Lợi”. Năm 1958, Bến được chỉnh trang, nâng cấp và khánh thành vào ngày 14/8/1958, chính thức có tên gọi là “Bến Ninh Kiều”. Tên gọi ấy được giữ nguyên cho đến ngày nay.
Bến được đầu tư khá quy mô, là một công viên du lịch với diện tích hơn 7.000m², thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nơi đây đẹp nhất là về đêm, khi khoác lên mình chiếc áo mới với những ánh đèn rực rỡ tráng lệ, người người qua lại đông vui nhộn nhịp.
Trong công viên, bên cạnh nhiều loại cây kiểng quý được cắt tỉa cẩn thận còn có bố trí nhiều băng đá để khách tản bộ có thể ngồi nghỉ chân và ngắm cảnh. Đặc biệt, nhìn từ xa ta có thể thấy tượng Bác Hồ bằng đồng, uy nghiêm đứng trên bệ cao giơ tay chào. Ngồi ở công viên, du khách có thể cảm nhận những cơn gió mát, trong lành mang lại cảm giác sảng khoái và thư giãn.
Nói đến sự lỗng lẫy của bến Ninh Kiều về đêm thì không thể không nhắc đến vẻ đẹp của cầu đi bộ, được lắp hệ thống đèn lung linh, tạo nên sắc thái sinh động hiện đại. Hai bên cầu thiết kế hai đài sen lớn tạo điểm nhấn đặc sắc. Vừa tản bộ trên cầu, vừa thưởng thức cảnh đẹp sông nước, đón nhận từng làn gió mát lành từ sông thổi vào, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách cảm giác yên bình, thư thái.
Sát bến sông là hàng liễu rũ đong đua trước gió tựa người thiếu nữ đất Tây Đô duyên dáng dịu dàng. Hai bên đường là những cửa hiệu, hàng quán với đầy đủ các món ăn ngon, muốn ăn những món đơn giản bình dân thì đã có phố ẩm thực, du khách nào thích những bữa tiệc sang trọng thì có những nhà hàng cao cấp kế bên; Du khách nào thích mua sắm những quà lưu niệm đồ thủ công hay quần áo thì có thể đến Chợ Cổ chỉ cách vài phút đi bộ. Du khách muốn thưởng ngoạn và cảm nhận rõ hơn dòng sông Hậu về đêm thì có thể đến nhà hàng du thuyền, sẽ thật may mắn nếu đến đúng dịp trăng tròn. Khi đó, đứng trên du thuyền có thể nhìn ngắm hết được những vẻ đẹp sông nước miền Tây. Trăng tròn vành vạnh soi bóng xuống dòng sông Hậu hiền hòa, lấp lánh khung cảnh mới nên thơ làm sao. Trên du thuyền, du khách có thể cảm nhận những phút giây thư giãn, thưởng ngoạn trên sông, xem những tiết mục đờn ca tài tử đặc sắc, thưởng thức các món ăn đặc sản miền Nam Bộ. Giữa đất trời bao la, xung quanh là cảnh đẹp hữu tình, nghe lời ca vọng cổ mượt mà ngân dài trên sông nước, quả là những phút giây quá đỗi ngọt ngào thi vị làm say lòng biết bao du khách.
Từ lâu Bến Ninh Kiều đã là một thắng cảnh nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ là niềm tự hào của quê hương Cần Thơ, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Vì vậy, đến với bến Ninh Kiều mỗi chúng ta cần có cách ứng xử văn hoá, văn minh; có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, cho phong cảnh thiên nhiên luôn được tươi mát, sạch đẹp.
Nằm bên con sông thơ thâm trầm sâu lắng, Bến Ninh Kiều bao đời nay đã gắn liền với những con người miền sông nước Cần Thơ. Hành trình khám phá vẻ đẹp của Bến Ninh Kiều về đêm chắc chắn sẽ đưa bạn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có thể nói, ai đã từng đến du lịch Cần Thơ mà chưa ghé bến Ninh Kiều quả là một điều hối tiếc.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |