Việt Nam có tiềm năng rất to lớn về làng nghề, sản xuất làng nghề và du lịch làng nghề. Đặc biệt, có những làng nghề, phố nghề tồn tại đến cả nghìn năm tuổi. Truyền thống lịch sử về phát triển làng nghề lâu đời, làng nghề truyền thống của là nguồn “tài sản” quý giá của dân tộc ta, đất nước ta. “Tài sản” đó không chỉ mang ý nghĩa kinh tế - xã hội mà còn thể hiện nền văn minh độc đáo của dân tộc Việt Nam. Sự phát triển của các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống hiện nay là một xu hướng tất yếu khách quan. Dưới góc độ của du lịch, làng nghề truyền thống chính là tài nguyên du lịch nhân văn, nó đã góp phần tạo ra sự phong phú, đa dạng, có giá trị cho sản phẩm du lịch trên hai phương diện. Đó là, những điểm tham quan du lịch và các sản phẩm của làng nghề cũng chính là sản phẩm phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, phát triển du lịch làng nghề trong thời gian qua còn mang tính tự phát. Số làng nghề được chọn làm điểm du lịch còn hạn chế so với số lượng các làng nghề truyền thống hiện nay. Phần lớn các làng nghề được đầu tư về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, khả năng tổ chức, quản lý, vốn kiến thức thị trường và kỹ năng marketing, truyền thông ở địa phương còn thiếu và yếu. Bản thân các làng nghề thủ công truyền thống chưa thể tự điều tra, khảo sát nhu cầu khách du lịch, trong khi các tổ chức, hiệp hội làng nghề chưa khẳng định được vai trò của mình trong việc định hướng bảo tồn, phát triển du lịch làng nghề. Do vậy, để duy trì làng nghề, sản phẩm mang bản sắc văn hóa đích thực thì phải tạo môi trường tốt cho thợ thủ công, nghệ nhân sáng tạo và tôn vinh giá trị văn hóa nghề của họ... Để phát triển du lịch làng nghề, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành để thực hiện khâu tổ chức tiếp thị, hướng dẫn, phát triển du lịch làng nghề.