BIỂN VÀ ĐẠI DƯƠNG ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG VÀ SẢN XUẤT CỦA CON NGƯỜI
I. Vai trò của biển và đại dương
Biển có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của các nước có biển nói riêng và của thế giới nói chung. Một số nước và vùng lãnh thổ đã lợi dụng thế mạnh về biển đạt trình độ phát triển kinh tế rất cao.
Thế kỷ XXI được các nhà chiến lược xem là ‘‘Thế kỷ của đại dương‘‘, bởi cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số hiện nay, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo được trên đất liền, sẽ bị cạn kiệt sau vài ba thập kỷ tới. Trong bối cảnh đó, các nước có biển, nhất là các nước lớn đều vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển, tăng cường tiềm lực mọi mặt để khai thác và khống chế biển.
Biển và đại dương là những kho nước vô tận, cung cấp cho các lục địa một lượng hơi nước rất lớn, sinh ra mây mưa để duy trì cuộc sống của con người, sinh vật trên Trái Đất và có tác dụng điều hoà khí hậu.
Biển và đại dương còn là những kho tài nguyên, thực phẩm vô cùng quý giá.
1. Tài nguyên sinh vật biển
Sinh vật biển là nguồn lợi quan trọng nhất của con người, gồm hàng trăm ngàn loài động vật, thực vật và vi sinh vật. Đây là kho thực phẩm vô cùng quý giá, đặc biệt là ở các vùng thềm lục địa. Bên cạnh các loài hải sản quen thuộc dùng làm thực phẩm như cá, tôm, cua, mực...; ở các biển và đại dương vùng cực, còn có các loài động vật lớn như cá voi, cá mập, báo biển, gấu biển.... là nguồn cung cấp thịt, mỡ, da và lông quý cho công nghiệp. Thực vật ở biển và đại dương có các loài rong và tảo đủ màu sắc, là nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm và công nghiệp hoá chất.
Sản lượng khai thác thủy sản từ biển và đại dương toàn thế giới liên tục gia tăng trong thời gian qua. Theo đánh giá của FAO, lượng thủy sản đánh bắt tối đa từ biển là 100 triệu tấn.
2. Tài nguyên khoáng sản
Biển và đại dương là nguồn vô tận muối ăn và muối dùng trong công nghiệp hoá chất. Tổng lượng muối tan chứa trong biển khoảng 48 triệu km3, trong đó có muối ăn, I ốt và 60 nguyên tố hóa học khác. Dưới đáy các biển và đại dương có nhiều khoáng sản và mỏ quặng lớn như dầu khí, quặng sắt, mangan, quặng sa khoáng....Nguồn năng lượng sạch từ biển và đại dương như năng lượng thuỷ triều (than xanh), năng lượng sóng...hiện đang được khai thác phục vụ vận tải biển, chạy máy phát điện và nhiều lợi ích khác của con người.
3. Mặt biển và đại dương là những đường giao thông thủy
Vận tải đường biển ra đời khá sớm so với các phương thức vận tải khác. Ngay từ thế kỷ thứ V trước công nguyên, con người đã biết lợi dụng biển và đại dương làm các tuyến đường giao thông để giao lưu các vùng các miền, các quốc gia với nhau trên thế giới. Cho đến nay vận tải biển được phát triển mạnh và trở thành ngành vận tải hiện đại trong hệ thống vận tải quốc tế.
Các tuyến đường vận tải trên biển hầu hết là những tuyến đường giao thông tự nhiên.Vận tải đường biển có thể phục vụ chuyên chở tất cả các loại hàng hoá trong buôn bán quốc tế, do đó vận tải đường biển đã thúc đẩy buôn bán quốc tế phát triển.
Trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, nếu thương mại được cho là nhựa sống của kinh tế thế giới thì vận tải biển được coi là mạch máu lưu thông những dòng nhựa đó.
Các tuyến đường biển là các tuyến đường nối hai hay nhiều cảng với nhau trên đó tàu biển hoạt động chở khách hoặc hàng hoá. Cảng biển là nơi ra vào neo đậu của tàu biển và là đầu mối giao thông quan trọng của một quốc gia có biển.
Đường biển là nhịp cầu nối liền giữa các lục địa; biển và đại dương cũng sẽ là địa bàn mới cho con người mở rộng phạm vi sinh sống của mình. Ngoài ra, đây còn là điều kiện cho phát triển nhiều ngành sản xuất mới như công nghiệp biển, nông nghiệp biển.
4. Biển và đại dương là nơi chứa đựng tiềm năng cho phát triển du lịch, tham quan, nghỉ ngơi, giải trí...
Các bãi cát rộng, dài; các phong cảnh đẹp tạo thuận lợi cho việc xây dựng các khu du lịch và nghỉ dưỡng.
II. Biển Việt Nam
Theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 thì nước Việt Nam ngày nay không chỉ có phần lục địa "hình chữ S" mà còn có cả vùng biển rộng trên 1 triệu km2, chiếm khoảng 30% diện tích Biển Đông, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền.
Việt Nam nằm bên bờ Biển Đông, Biển Đông được coi là con đường chiến lược về giao lưu và thương mại quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ở cả bốn phía đều có đường thông ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua các eo biển. Hầu hết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều có các hoạt động thương mại hàng hải rất mạnh trên Biển Đông. Trong tổng số 10 tuyến đường biển lớn nhất trên thế giới hiện nay, có 5 tuyến đi qua Biển Đông hoặc có liên quan đến Biển Đông.
Biển Đông đóng vai trò là chiếc ‘‘cầu nối‘‘ cực kỳ quan trọng, là điều kiện rất thuận lợi để giao lưu kinh tế, hội nhập và hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Biển Việt Nam nằm ở vị trí có nhiều tuyến đường biển quan trọng của khu vực cũng như của thế giới. Từ các hải cảng ven biển của Việt Nam thông qua eo biển Malắcca để đi đến Ấn Độ Dương, Trung Đông, châu Âu, châu Phi; qua eo biển Ba-si có thể đi vào Thái Bình Dương đến các cảng của Nhật Bản, Nga, Nam Mỹ và Bắc Mỹ; qua các eo biển giữa Philippin, Inđônêxia, Singapo đến Ôxtrâylia và Niu Di Lân... Đây là điều kiện rất thuận lợi để ngành giao thông vận tải biển nước ta phát triển, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hoá giữa nước ta với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Dọc bờ biển có trên l00 địa điểm có thể xây dựng cảng, trong đó, một số nơi có khả năng xây dựng cảng quy mô tương đối lớn , kể cả cấp trung chuyển quốc tế.
Tiềm năng tài nguyên biển của nước ta tuy không được coi là vào loại giàu có của thế giới, nhưng cũng rất đáng kể và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Vùng biển Việt Nam có tới 11.000 loài sinh vật cư trú và được công nhận là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và là một trong 20 vùng biển giàu hải sản trên thế giới. Tổng trữ lượng hải sản khoảng 3,9 - 4,0 triệu tấn/năm, cho phép hàng năm khai thác 1,9 triệu tấn, trong đó vùng biển gần bờ chỉ khoảng 500 nghìn tấn, còn lại là vùng xa bờ; cá biển chiếm 95,5%, còn lại là mực, tôm... Ngoài ra, vùng biển nước ta còn có các loại động vật quý khác như đồi mồi, rắn biển, chim biển, thú biển. Hải sản ở vùng biển nước ta là nguồn lợi hết sức quan trọng, không chỉ cung cấp thực phẩm, nguồn dinh dưỡng hàng ngày cho nhân dân (chiếm 50% lượng đạm động vật trong thành phần dinh dưỡng), mà còn tạo nguồn xuất khẩu lớn.
Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và các nguyên liệu chiến lược khác, đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia, thềm lục địa Việt Nam có nhiều bể trầm tích chứa dầu khí và có nhiều triển vọng khai thác nguồn khoáng sản này. Ngoài ra, ven bờ biển có nhiều khoáng sản quan trọng phục vụ phát triển công nghiệp như than, sắt, titan, cát thuỷ tinh, các loại vật liệu xây dựng khác và khoảng 5 - 6 vạn ha ruộng muối biển.
Vùng biển nước ta có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch. Dọc bờ biển hình chữ S của chúng ta, có nhiều bãi biển lớn và nhỏ, cảnh quan đẹp, trong đó, có những bãi biển đủ tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các loại hình du lịch biển, với nhiều trung tâm du lịch biển quan trọng có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên tuyến du lịch quốc tế Đông Nam Á như Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh... có đủ các điều kiện và khả năng để trở thành những tụ điểm về du lịch biển.
III. Vấn đề ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên biển và đại dương
Biển và đại dương có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống và của con người và với môi trường tự nhiên. Song biển và đại dương đang chịu nhiều sức ép về môi trường do đã và đang được xem là “bãi rác khổng lồ” của con người. Công ước Luật biển năm 1982 đã chỉ ra 5 nguồn gây ô nhiễm biển:
- Các hoạt động trên đất liền: chất thải do hoạt động sinh hoạt và sản xuất (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ,..) của con người theo các dòng chảy sông suối ra biển.
- Do hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên (dầu khí, thủy sản,..) trên thềm lục địa và đáy đại dương.
- Thải các chất độc hại ra biển một cách có hoặc không có ý thức: Trong nhiều năm, biển sâu là nơi đổ các chất thải độc hại như chất thải phóng xạ, đạn, dược, bom mìn… của nhiều quốc gia trên thế giới.
- Hoạt động giao thông vận tải biển: rò rỉ dầu, sự cố tràn dầu của các tàu thuyền trên biển thường chiếm 50% nguồn ô nhiễm dầu trên biển. Bên cạnh đó, các tàu thuyền thường xuyên thải dầu cặn trực tiếp xuống biển.
- Ô nhiễm không khí: Nồng độ CO2 cao trong không khí sẽ làm lượng CO2 hòa tan trong nước biển tăng. Nhiều chất độc hại và bụi kim loại nặng được không khí mang ra biển.
Các biểu hiện của sự ô nhiễm biển khá đa dạng, có thể chia ra thành một số dạng như sau:
- Gia tăng nồng độ của các chất ô nhiễm trong nước biển như dầu, kim loại nặng, các hoá chất độc hại.
- Gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm tích tụ trong trầm tích biển vùng ven bờ.
- Suy thoái các hệ sinh thái biển như hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển...
- Xuất hiện các hiện tượng như thuỷ triều đỏ, tích tụ các chất ô nhiễm trong các thực phẩm lấy từ biển.
2. Vấn đề suy giảm trữ lượng các loài sinh vật biển và giảm tính đa dạng sinh học biển
Cùng với việc ô nhiễm biển và đại dương gia tăng thì nguồn hải sản dưới lòng tất cả các đại dương trên thế giới đang suy giảm một cách đáng lo ngại. Tại Châu Á, nguồn hải sản trong 25 năm qua đã giảm đến 30%. Ngư dân phải đi ra biển xa hơn so với lúc trước, và khi trở về, số cá họ bắt được lại ít hơn. Một trong những nguyên nhân cơ bản đưa đến nạn khai thác quá mức là có quá nhiều tàu đánh cá, và có quá nhiều người đang kiếm sống nhờ vào các nguồn hải sản.
Một nghiên cứu khoa học công bố ngày 3-11-2006 cho biết phần lớn các loài có thể sẽ biến mất vào năm 2048 và nước biển ngày càng bị ô nhiễm nặng đến mức không còn loài thủy tộc nào sống nổi.