Trong suốt chiều dài lịch sử văn học Việt Nam, thời kì trung đại là giai đoạn có vai trò quan trọng bậc nhất hình thành nên nền văn hóa, chữ nghĩa, là bước đệm thúc đẩy thi ca dân tộc lên một tầm cao mới. Ta rỏ từng giọt máu lên thơ Kiều, khóc thương cho số phận người ca nữ đất Long Thành. Ta nghiêng mình trước sự đồ sộ của cuốn tiểu thuyết Hoàng Lê Nhất Thống Chí lừng lẫy bao đời. Và rồi, trải bước trên con đường hoa lệ ấy, ta bắt gặp Nguyễn Trãi - kiếp người tài hoa mà bạc mệnh lừng lẫy giữa trang văn lịch sử của đất nước. Yêu lấy tác phẩm Ba Tiêu của ông như ôm lấy cảm hứng tươi mát của một khách đa tình tao nhã, như sống giữa sự trẻ trung, tinh tế của đôi tình nhân hay nét thanh tao mộc mạc của cây chuối
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.
Người ta bắt gặp thiên nhiên rất nhiều trong thi ca trung đại. Nó chính là hồn cốt, là điểm sáng, là viên kim cương rực rỡ nhất trên ca từ người nghệ sĩ thời bấy giờ. Lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho con người với tùng, trúc, cúc, mai kiêu sa, diễm lệ. Nhưng đâu đó, chính tài hoa của thi nhân đã làm bừng sáng nên giá trị những loại cây tưởng chừng bình dị mà vào thơ bỗng trở nên tao nhã lạ thường. Da Vinci đã từng nói “ Thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm” quả không sai. Phong cảnh thiên nhiên mà Nguyễn Trãi đưa vào thi phẩm mình đâu chỉ cái khoảnh khắc cây chuối đang đợi xuân thì, là sự hiện diện của loài chuối như một bậc quân tử mà còn làm nổi bật một nỗi niềm trước thời cuộc, một hồn thơ trữ tình sâu sắc. Trích từ tập thơ “ Quốc âm thi tập” , người ta khó lòng nào bỏ qua bài thơ vỏn vẹn 4 câu ấy. Tiêu đề bài thơ là “ Cây chuối “ nhưng nó không đơn thuần chỉ giản đơn như vậy. Chính Xuân Diệu chẳng phải đã mất hàng chục năm mà tìm cách lý giải nó để minh chứng cho sự bất tử, tài hoa của cả một nghệ thuật mang tên Nguyễn Trãi
Tình yêu thiên nhiên của Ức trai thiết tha, sâu lắng mà không kém phần mãnh liệt. Nó chọn hướng đi vào tâm hồn con người theo cách nhẹ nhàng, đằm thắm nhất. Nó chọn sự mở đầu với sức sống đang muốn trực trào trên trang giấy
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Dẫu rằng Nguyễn Trãi đã có những cách tân độc đáo trong ca từ, giá trị thi phẩm của mình nhưng ông vẫn chưa thể thoát ra khỏi khuôn khổ của thi pháp trung đại. Để hiểu một cách sâu sắc nhất, sát nghĩa nhất với lời tình ý thơ của thi sĩ cõ lẽ chúng ta không nên quy hình ảnh cây chuối là một hình thể thực nào, đang ở một vị trí xác định nào trong năm. Tại sao không phải là “ lại tốt thêm” như cái cách ta vẫn thường sử dụng. Cốt cách thơ chính ở chỗ đó. Ức Trai cho rằng “ tốt lại thêm” chính là thuộc về bản chất, về cái đã có sẵn từ trước chứ chẳng phải phụ thuộc vào yếu tố nào mà thêm bớt tính chất ấy. Chỉ là “ bén “ thôi - túc là mới nhận thấy, mới ngửi được đâu đó thoang thoảng cái hơi thở nồng nàn của xuân mà đã trở nên tốt hơn, có giá trị hơn. Nguyễn Trãi đã từng nhấn mạnh “ hơi xuân” chỉ nằm ở nét tiêu biểu , đặc thù của nó chứ không hẳn thuộc về phạm trù thời gian nhất định. Phải tinh tế, sâu sắc biết bao nhiêu thì hồn thơ ông mới nhận ra sự biến đổi bên trong lẫn bên ngoài của cây chuối. Nó đang hấp thụ tinh túy của đất trời và trở mình với sự hiện diện giàu sức sống, nhiệt huyết hơn cả như thế tình xuân đã tiềm tàng bên trong chỉ chờ lúc bộc phát ra ngoài, gặp đúng hơi thở nó mang ắt sẽ hòa quyện lấy nhau.
Với những vần thơ tiếp theo, thi sĩ Ức Trai đã trao gửi đến người thưởng thức hương thơm ngào ngạt của ‘’buồng’’ trong đêm khuya:
‘’Ðầy buồng lạ, màu thâu đêm’’
Cách ngắt nhịp 3/3, khiến cho dòng thơ khi vang lên thật nhẹ nhàng, uyển chuyển. Nếu như mở đầu thi phẩm, Nguyễn Trãi cho ta hình dung được sức xuân tiềm tàng bên trong cây chuối thì đến với câu thơ thứ hai, ông đã cho ta hiểu rõ hơn về đặc trưng của loài cây này. Tả cảnh thiên nhiên, vậy mà thi nhân lại không miêu tả một cách cụ thể chi tiết, ông đã sử dụng bút pháp chấm phá để gợi lên cho ta những xúc cảm khác nhau, chung quy là để tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong tâm trí người đọc.Cứ ngẫm nghĩ một hồi, ta lại thấy đâu đây phảng phất mùi thơm của chuối chín, cuốn theo hương mà tìm đến chốn để thư thái. ‘’ Buồng’’ ư ta có thể suy rằng đây ý là chỉ buồng chuối với sự ắp đầy tươi tốt, đã cho ta cảm nhận được sức sống, vụ trái có khi đã phủ đầy hết sân vườn khiến cho mỗi khi mặt trời lặn là lúc trỗi dậy mạnh mẽ nhất, sự quyến rũ, diệu kỳ,lôi cuốn của mùi hương ấy làm cho nhà thơ đâu thể cưỡng lại. Phải chăng cái’’ màu’’ ấy đã lan tỏa để rồi để lại sự vương vấn cho Nguyễn Trãi. Dẫu nhà thơ đã sử dụng chữ Nôm để sáng tác tác phẩm thế nhưng mỗi câu chữ lại khiến chúng ta có thể hiểu theo nhiều cách. Thực sự, thi sĩ Ức Trai quả tài tình và sáng tạo khi thông qua hình ảnh ‘’buồng’’chuối để gián tiếp nói về buồng của người con gái hay chính là buồng của thi nhân. Nguyễn Trãi đã gửi gắm điều gì vào câu thơ, bạn đọc có lẽ chắc thể hiểu thấu hết thế nhưng ta thấy cách hiểu của Xuân Diệu’’ buồng’’ chính là buồng của người con gái là hợp lý nhất bởi xét chủ thể của toàn thi phẩm chủ đề chính của bài là tình yêu trai gái, một cuộc tình e ấp, dịu dàng. Bởi có lẽ chính thi sĩ đã mượn hình tượng cây chuối để gửi vào đó một cảm xúc mầu nhiệm làm cho cô gái mơ màng suốt cả những đêm xuân. Ôi! Thật tuyệt diệu làm sao, khi một người luôn mang trên mình những tư tưởng nhân nghĩa lại có một tâm hồn thật trữ tình, lãng mạn! Ta lại thấy được một con người khác bên trong thi sĩ, và nhân cách này lại làm cho chúng ta như được cùng nhà thơ đồng điều, xao xuyến. Qua đây, lại càng làm nổi bật hơn về phong cách nghệ thuật cũng như tư chất nghệ sĩ của thi nhân Ức Trai.
Và phải chẳng tất thảy sự tinh tế mới mẻ trên vần thơ Nguyễn Trãi đều kết đọng lại trong hai dòng thơ cuối
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem
Bằng cái nhìn vô cùng độc đáo mà chỉ từ một cây chuối rất đỗi quen thuộc như một bức thư tình còn phong kín. Chính trong tàu lá chuối tưởng chừng đơn giản ấy lại là bao cảm giác e ấp, cũng thật ân ái của tình yêu buổi ban đầu. Với thi ca trung đại xưa, ông đã tạo ra một hình tượng hết sức mới mẻ nhưng cũng rất chân thực. Đó vừa là tình yêu tự do đang căng tràn cảm xúc, vừa khẽ khàng, còn lắm thẹn thùng, bẽn lẽn. Kết hợp cùng thủ pháp ví ngầm ở đây, tác giả đã miêu tả hình ảnh cây chuối quen thuộc với đời sống người dân, từ đó để hướng tới ca ngợi vẻ đẹp viên mãn, căng tràn sức sống của người trẻ khi xuân về. Ấy phải chăng chính là vẻ đẹp xuân sắc, xuân tình, là vẻ đẹp của cây cỏ, và cũng chính của lòng người nữa! Phải tài tình thế nào mới có thể nhìn thấu cái đẹp vừa quen vừa lạ trong chính sự vật vốn gần gũi. Có lẽ, ta không thực sự cần phải hiểu có một cây chuối tả thực hay một mùa xác định nào trong năm. Ẩn trong bức phong thư kia cũng có thể là tình của cây, của gió, của thiên nhiên đất trời, mà hơn hết chính là anh và em. Nhưng cái “tình” ấy còn kín đáo, cuộn lại trong lá, để cho anh phải mong mỏi đợi chờ. “Phong còn kín” cất lên như muốn nói lên toàn vẹn sự trong trắng, e lệ, giữ mình của người thiếu nữ xưa.
“Thư lai tiêu diệp văn do lục” (Thư viết trên lá chuối gửi đến lời văn còn xanh). Phải chăng chính tác giả cũng thế ấy, cũng muốn nhờ làn gió xuân nhẹ nhàng thổi tới, “gượng mở” tàu lá chuối hay cũng chính bức thư tình ấy để được cảm nhận tình lứa đôi ngọt ngào. Bởi có lẽ, trong bốn mùa, sắc xuân chính là hơi thở toàn vẹn nhất. Vậy nên khi xuân đến mà trăm hoa đều đua sắc, vạn vật cũng sinh sôi. Thế nhưng “Gió nơi đâu?” - câu hỏi tu từ vang lên như muốn mời gọi nhẹ nhàng đến để mở ra xem. Là gió xuân và cũng chỉ có thể là gió xuân thôi bởi nó hệt như đôi bàn tay hồi hộp, xúc động, chỉ dám khe khẽ lật mở và trân trọng bức thư tình kia hết mức. Dẫu cảm xúc có đạt đến độ chín đỏ, dẫu đã say mê người thiếu nữ hết mức nhưng chàng vẫn luôn ý nhị, tinh tế. Qua từng tầng lá chuối non đang dần vươn lên, nảy nớ căng tràn nhựa sống nơi hơi xuân, ta thấy được hương thơm thoảng bay trong gió, thấy được vẻ đẹp thanh tao tươi mới sức trẻ mà hồn thơ nhạy cảm đa tình của chíng Nguyễn Trãi đã viết lên. Có lẽ tình yêu ngày xưa vốn thuần khiết, giản dị. Dẫu chỉ là “dóng thư tay viết vội” hay “những lời ngây ngô đầu môi” cũng hết sức chân thành và nâng niu lắm. Chỉ vậy thôi nhưng cũng đủ bồi hồi, sâu sắc. Vì lẽ ấy mà hai nhân vật trữ tình cũng chỉ dám xử sự cẩn trọng, e dè để được tình đôi bên. Ôi tình thuở ấy thật thiêng liêng và cao đẹp biết bao!
Vốn cây chuối chỉ là một hình ảnh giản đơn, quen thuộc với cuộc sống làng quê dân giã thế nhưng khi bước vào trang thơ của Nguyễn Trãi, nó lại được hiện lên một cách thật sinh động và độc đáo bởi chính thi nhân đã thổi hồn vào nó những xúc cảm sâu sắc để làm cho bài thơ được nâng tầm giá trị. Vậy ngỡ sao tình cảm đôi nam nữ ấy trong thơ ông không phải là một tình yêu dồi dào, mãnh liệt bởi Ức Trai từng làm quan và ít nhiều ông cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng từ Nho giáo và Phật giáo cho nên cảm xúc ông mang vào vần thơ chỉ có thể là những xúc cảm e ngại của yêu đôi lứa. Nhưng chúng ta phải công nhận rằng Nguyễn Trãi quả thật đã có cho mình những nét mới so với các nhà thơ đương thời. Bởi rất ít các văn, thi nhân viết về chủ đề mà có sự độc đáo, mới lạ như ông. Quả thực, ta có thể hiểu tại sao mà bài thơ’’ Ba Tiêu’’ lại có thể sống mãi với thời gian bởi vẫn còn nhiều câu hỏi, thắc mắc mà bạn đọc chúng ta vẫn chưa có lời giải đáp.
Thi phẩm ‘’ Ba tiêu’’ được trích trong ‘’Quốc âm thi tập’’ là tập thơ bằng chữ Nôm của Nguyễn Trãi . Chỉ với vỏn vẹn 4 câu thơ thôi nhưng giá trị của nó mang đến cho bạn đọc lại vô cùng sâu sắc. Qua đó, cho ta hiểu rõ hơn về tâm hồn thi sĩ cùng tình yêu thiên nhiên của ông ,đặc biệt làm nổi bật được sự tài tình, đặc sắc trong lối viết của Ức Trai thi sĩ.