Tục ngữ “Đất có lề, quê có thói” được phân chia thành hai vế rõ ràng, không quá khó để ta hiểu. Theo đó, từ “lề” tương đồng với “lệ” thường đi kèm với các cụm từ như: luật lệ, thông lệ, tục lệ, …
Cụm “đất có lề” mang ý nghĩa là mỗi đất nước, vùng đất đều có những quy định, phép tắc riêng đòi hỏi ta phải tuân thủ theo, nếu muốn di chuyển đến đó. cụm từ “quê có thói”, chữ "thói" trong câu tục ngữ bạn hiểu là thói quen, phong tục, tập quán của từng lãnh thổ, địa phương. “Nhập gia tùy tục” là việc bạn không thể tránh khỏi khi đến chơi hay sinh sống ở một nơi khác.
Như vậy, cả câu tục ngữ “Đất có lề, quê có thói” mang ý nghĩa là bất cứ nơi nào cũng đều có lề lối, phong tục tập quán của nơi đó, cần tìm hiểu kỹ lưỡng để có những cách ứng xử hợp, tránh trường hợp bị cho là kém duyên. Thậm chí tệ hơn là bị xử phạt, hay ngồi tù!.
Qua đó, dạy ta biết tôn trọng các quy tắc ứng xử, phong tục tập quán của mỗi vùng miền, địa phương. Mở rộng là tuân thủ luật pháp, quy tắc tại Việt Nam nói riêng cũng như quốc gia khác trên thế giới nói chung.
“Đất có lề, quê có thói” cũng như lời nhắc nhớ về quê hương cho những đứa con xa nhà. Dẫu có đi đến đâu, cách xa bao nhiêu năm tháng chăng nữa, vẫn không bao giờ quên thói quen, tập quán nơi chôn rau cắt rốn.