Nhà văn Kim Lân là một người được sinh ra và lớn lên ở vùng quê nên ông có sự am hiểu sâu rộng về nông thôn Việt Nam và cảm thông cho những cảnh ngộ của người nông dân. Bởi vậy, khi viết về mảng đề tài cuộc sống của con người ở nông thôn Việt Nam thì ông vô cùng thành công. Truyện ngắn "Làng" của ông là một truyện ngắn đặc sắc tiêu biểu cho chủ đề này. Truyện xoay quanh nhân vật ông Hai - một người nông dân hiền lành, chất phác và mang trong mình một tình yêu làng quê, yêu đất nước thật to lớn.
Truyện ngắn Làng của ông được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi mà những người dân miền Bắc được lệnh tản cư. Ông Hai trong tác phẩm là một người con của ngôi làng Chợ Dầu, ông cùng gia đình phải tản cư để phục vụ cho kháng chiến. Thế nhưng, rời xa nơi quê hương yêu dấu ấy, trong lòng ông vẫn luôn trăn trở, khôn nguôi nỗi nhớ thương về ngôi làng của mình.
Đầu tiên, tình yêu của ông với làng được thể hiện qua sự tự hào của ông về ngôi làng thân yêu ấy. Ông đi đến đâu cũng khoe về làng, thể hiện sự hãnh diện về ngôi làng của ông. Mỗi lần kể, ông luôn vô cùng say mê, khuôn mặt biến chuyển theo từng câu từ, đôi mắt hiện lên sự háo hức, ông có thể nói với bất kỳ ai về đề tài ấy mà chẳng biết mệt mỏi. Khi kể, ông cũng chẳng để ý người nghe có nghe không, có chú ý không, ông vẫn say sưa kể bất chấp tất cả. Thế nhưng giờ đây ông đã rời xa ngôi làng thân yêu ấy để đưa gia đình đi tản cư và rồi bao nỗi nhớ nhung từ đáy lòng ấy khiến ông phải thốt lên: "Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá!" Càng yêu bao nhiêu, càng thương nhớ bao nhiêu thì ông lại càng mong chờ tình hình từ làng mình. Ngày nào cũng vậy, ông đều đến phòng thông tin mà nghe ngóng những thông tin về làng, về kháng chiến. Khi nghe được những tin tốt được truyền tới, ruột gan ông như nhảy múa, ông vui sướng đến tột cùng. Tâm lý đó chính là những gì thường thấy ở những người nông dân với làng quê, với đất nước, họ luôn mong ngóng từng ngày đất nước sạch bóng quân thù để được trở về làng, về nơi quê hương máu thịt của mình.
Thế nhưng một sự kiện bất ngờ đã xảy đến khiến ông Hai như sụp đổ: ông hay tin cả làng chợ Dầu theo giặc. Nghe tin dữ ây mà ông Hai như chết lặng đi: "Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như không thở được". Từ những sự vui tươi, tự hào thì ông Hai đã rơi vào sự xót xa, tuyệt vọng. Ông cố che giấu tâm trạng của mình, kiếm cớ lảng tránh, "cúi gằm mặt mà đi". Bên tai ông vẫn văng vẳng lên những tiếng chửi "giống Việt gian bán nước" sao đầy đau đớn, xót xa.
Về nhà, ông nằm vật ra giường, rồi lại đầy xót xa nhìn đàn con thơ mà nước mắt ông cứ dàn ra. Những suy nghĩ trong đầu cứ dằn vặt ông đầy day dứt, đau đớn: "Chúng nó là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta hắt hủi đấy ư?..." Càng ngẫm, ông lại càng căm thù cái lũ phản bội làng nước, để rồi ông phải nắm chặt hai tay mà rít lên: "Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này". Nhưng sau đó, chút niềm tin trong ông lại khiến ông ngờ ngợ, ông kiểm điểm lại từng người trong óc và ông đều khẳng định họ đều là những người có tinh thần kháng chiến, chẳng nhẽ nào họ lại đi làm cái điều bán nước cầu vinh đầy nhục nhã ấy. Cái tin làng ông theo giặc đã thành một sự ám ảnh, day dứt trong tâm trí khiến ông chẳng dám bước chân ra đến ngoài. Ông thu mình lại, cảm thấy đầy tuyệt vọng như thể chính bản thân ông cũng là người gây nên tội.
Sự tuyệt vọng được đẩy lên tới đỉnh điểm khi mà bà chủ nhà đánh tiếng muốn đuổi gia đình ông đi bởi "nghe nói bảo có lệnh đuổi hết những người làng chợ Dầu ra khỏi vùng này, không cho ở nữa". Lúc này ông Hai thật rối bời, ông chẳng biết đi đâu nữa. Cái suy nghĩ trở về làng cũng thoáng xuất hiện trong đầu nhưng ông đã gạt ngay đi bởi "về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây", là bỏ kháng chiến, phản bội lại cụ Hồ. Trong ông diễn ra một cuộc chiến đầy giằng xé nhưng cuối cùng ông vẫn phải đưa ra một quyết định đầy đau đớn "Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Tình yêu đất nước của ông đã bao trùm lên tinh yêu làng, thể hiện tấm lòng của ông với cách mạng, với Tổ quốc.
Bước ngoặt của câu chuyện lại đến khi mà tin cải chính đến, làng của ông không đi theo Tây. Lúc này ông hạnh phúc đến tột độ, cuộc đời ông như được hồi sinh lại lần nữa: "Cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên". Ông đi khắp làng trên xóm dưới để khoe nhà của ông đã bị Tây đốt hết, đốt nhẵn. Đáng nhẽ ra tâm lý bình thường của một người khi bị mất đi thứ tài sản lớn như ngôi nhà thì sẽ buồn bã, đau lòng, thế nhưng ông Hai lại tràn ngập niềm vui khi nhận được tin này. Bởi thông tin này đến khiến ông thoát khỏi cái tên"người làng Việt gian", nó khẳng định rằng làng ông vẫn một lòng đứng về kháng chiến, ủng hộ cách mạng... Và giờ đây, ông lại tiếp tục được khoe với mọi người về ngôi làng mà ông rất đỗi tự hào. Sự bất hợp lý ấy lại trở nên vô cùng hợp lý, thể hiện sự tài tình của nhà văn Kim Lân.
Truyện ngắn "Làng" được nhà văn Kim Lân vận dụng đầy sáng tạo với những tình huống kịch tính, ngôn ngữ bình dị, khả năng miêu tả tâm lý nhân vật để đẩy ông Hai vào sự bế tắc và rồi làm nổi bật lên được tâm hồn và tình yêu làng quê, đất nước của nhân vật này. Qua hình tượng ông Hai, người ta đã thấy một hình ảnh tiêu biểu cho những người nông dân Việt Nam trong cuộc chiến giành độc lập của dân tộc.
Hy vọng bài viết trên của Luật Minh Khuê đã cung cấp cho quý bạn đọc những kiến thức hữu ích, trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi!