Kể từ khi có chế độ dân chủ cộng hòa, Nhà nước Việt Nam vẫn được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền, tức là quyền lực nhà nước là thống nhất, trong khi phủ định hoàn toàn những biểu hiện của phân quyền[3]. Với công cuộc đổi mới, nhất là với quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền, những hạt nhân hợp lý trong học thuyết phân quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) của Việt Nam: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Thế nhưng, một điều đáng tiếc là trong Hiến pháp năm 1992, thậm chí đến lần sửa đổi, bổ sung năm 2001 cũng không quy định cơ quan nhà nước nào thực hiện quyền hành pháp, cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp, quyền lập pháp thì được gói gọn là một trong những chức năng của Quốc hội nhưng nội hàm pháp lý cũng không rõ ràng. Tóm lại, quyền lập pháp, hành pháp, tư pháptuy được nhắc đến trong Hiến pháp - văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất - nhưng lại không rõ ràng và không cụ thể những cơ quan nhà nước thực hiện chức năng này.