Các lĩnh vực phát triển của trẻ khuyết tật cần đánh giá
Các lĩnh vực phát triển là những mặt quan trọng mà một đánh giá toàn diện cho trẻ nhỏ bị khuyết tật hoặc nghi ngờ là bị khuyết tật tìm hiểu. Hầu hết các công cụ đánh giá được sử dụng cho trẻ nhỏ nhằm tìm hiểu chính xác mức độ phát triển của một hay hơn một mặt phát triển sau: kĩ năng nhận thức, kĩ năng vận động, kĩ năng ngôn ngữ và giao tiếp, kĩ năng xã hội và tình cảm, kĩ năng tự phục vụ và thích ứng. Tuy nhiên, sự phát triển trong suốt giai đoạn tiền học đường không thể tách riêng thành từng mặt phát triển riêng biệt được. Sở dĩ như vậy là bởi vì các mặt phát triển có liên quan chặt chẽ với nhau và tác động với nhau rất phức tạp ở trẻ nhỏ. Trên thực tế, mối quan hệ chức năng trực tiếp tồn tại giữa những thay đổi ở một mặt phát triển này và những thay đổi đó xuất hiện ở một mặt phát triển khác. Khi một đứa trẻ tập đi, nó tiếp cận với những trải nghiệm mới và chính những trải nghiệm này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kĩ năng (chẳng hạn như nhận thức, xã hội và ngôn ngữ). Hiểu được từng mặt phát triển như đã mô tả ở dưới đây sẽ giúp ta hiểu trẻ đầy đủ hơn. Sự phát triển điển hình có thể có tác dụng như là một lời hướng dẫn chung cho người làm can thiệp và là một mốc tham chiếu để biết khi nào nên xem xét từng ưu điểm và nhu cầu cũng như tiến bộ của trẻ.
Kĩ năng nhận thức
Kĩ năng nhận thức đề cập đến khả năng về tinh thần và trí tuệ của đứa trẻ. Chỉ một hành vi nhận thức cũng đủ phản ánh những tiến bộ lớn lao diễn ra trong hai năm đầu đời. Khi đánh giá kĩ năng nhận thức của trẻ sơ sinh, người ta phải tìm hiểu khái niệm về tính bền vững của đồ vật, mối quan hệ không gian, bắt trước, cách thức kết thúc, quan hệ nhân quả, và việc sử dụng đồ vật. Sự phát triển nhận thức xuất hiện và thể hiện khi trẻ có ý định kích thích, chỉnh hợp thông tin mới với những kiến thức và kĩ năng đã có từ trước; biểu hiện những kĩ năng tiền học đường chẳng hạn như đếm, phân loại và nhận mặt chữ; và khả năng giải quyết vấn đề ngày càng phức tạp hơn. Hơn nữa, kĩ năng nhận thức trong đó có cả khả năng dự đoán những sự kiện xảy ra của đứa trẻ, việc sử dụng trí nhớ ngắn hạn và dài hạn, khả năng sắp xếp có trình tự các hoạt động, khả năng phát hiện sự khác biệt giữa đồ vật và sự kiện, và khả năng lập kế hoạch sẽ làm trong tương lai. Khi đang ở tuổi tiền học đường, việc đánh giá kĩ năng nhận thức cho ta biết kĩ năng tiền học đường, gồm có tiền đọc, tiền viết và hình thành biểu tượng về toán. Đánh giá sự phát triển nhận thức trong suốt những năm tháng tiểu học cho ta biết rõ hơn những kĩ năng tiền học đường và học đường. Vào lúc này, khả năng nhận thức của trẻ trở nên tinh vi và sắc xảo hơn, nó thể hiện ở sự hiểu biết của chúng về khái niệm, khả năng kể chuyện ngắn theo trật tự và khả năng làm toán.
Kĩ năng vận động
Đánh giá kĩ năng vận động được chia thành hai phần: đánh giá kĩ năng vận động tinh và đánh giá kĩ năng vận động thô. Kĩ năng vận động thô là khả năng di chuyển và đi lại ở xung quanh môi trường. Kĩ năng vận động thô tham gia vào vận động và kiểm soát các nhóm cơ lớn dùng để lẫy, ngồi, bò, đứng, đi lại, ném và nhảy. Kĩ năng vận động tinh là khả năng dùng các nhóm cơ nhỏ chẳng hạn như tay, chân và mặt. Kĩ năng vận động tinh dùng để với lấy, nắm và thả một đồ vật chẳng hạn; xây tháp, buộc giầy; cắt và viết.
Kĩ năng vận động của trẻ sơ sinh chủ yếu mang tính phản xạ. Tuy nhiên, khi não dần trưởng thành và cơ bắp được kiện toàn thì trẻ càng ngày càng có thể kiểm soát sự vận động của mình và đi lại ở xung quanh môi trường. Trẻ nhỏ không chỉ phát triển khả năng kiểm soát vận động mà khả năng điều phối vận động của chúng cũng tăng lên cùng với sự phát triển của kĩ năng vận động. Nói chung, sự linh hoạt, dẻo dai, điều phối tay mắt của trẻ đều phát triển. Giữa lúc 2-6 tuổi, trẻ học và làm được nhiều việc một cách khéo léo hơn chẳng hạn như đi lại và chạy nhanh nhẹn hơn, giữ thăng bằng và làm được nhiều hoạt động đòi hỏi kĩ năng vận động tinh phải chính xác hơn (ví dụ như vẽ nguệch ngoạc, cắt bằng kéo, cài khuy, viết). Một đứa trẻ 8 tuổi có được kĩ năng vận động thô rất thành thạo như nhào lộn, đi xe đạp hai bánh và chơi bóng (rê bóng, ném bóng chính xác,....). Hầu hết trẻ 8 tuổi đã có thể viết khéo léo, chúng viết được gần hết các từ, vẽ được tranh có chi tiết nhỏ, chơi xâu hạt, xếp hình, khối hoặc với những đồ vật nhỏ khác. Đánh giá vận động tập trung tìm hiểu sự phát triển kĩ năng vận động tinh và vận động thô, trong đó lưu ý đến chất lượng kĩ năng vận động của trẻ và cách chúng dùng những kĩ năng này như thế nào.