Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng được tập thể sáng tạo, nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho những sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng. Với người Việt Nam, văn học dân gian là nguồn sữa trong lành nuôi dưỡng bao thế hệ trẻ lớn lên trong chiếc nôi tre Việt Nam, trong tiếng ru ầu ơ dân tộc. Văn học dân gian không chỉ góp phần thể hiện đời sống lao động và tâm hồn người bình dân mà còn là mảnh đất màu mỡ chắp cánh cho vườn hoa tình yêu tỏa hương khoe sắc. Qua văn học dân gian, ta cảm nhận rõ hơn sự kỳ diệu của ngôn ngữ tình yêu, thấy thương hơn gốc lúa, vườn rau, thương hơn cuộc sống quanh ta.
Về chức năng nhận thức: Văn học dân gian được xem như "bộ bách khoa toàn thư về kiến thức, tôn giáo, triết học" của nhân dân. Văn học dân gian gìn giữ và lưu truyền hệ thống tri thức về tự nhiên, xã hội, tâm linh, kinh nghiệm sống, ứng xử… Văn học dân gian là người thầy lớn đem lại cho nhân loại những bài học sinh động, gần gũi và sâu sắc về mọi phương diện của đời sống.
Về chức năng giáo dục: Văn học dân gian có khả năng định hướng đạo đức, luân lí cho con người trong đời sống xã hội. Chức năng này gần gũi và có sự giao thoa với phương diện xã hội của chức năng nhận thức. Tuy nhiên, nếu chức năng nhận thức là sự phản ánh các hiện tượng xã hội một cách khách quan thì chức năng giáo dục lại là sự tác động, ảnh hưởng, chi phối cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến cộng đồng. Có những tác phẩm, nhiều nhất thuộc thể loại hát nói, mang ý nghĩa giáo dục trực tiếp, tức ý nghĩa giáo dục được thể hiện một cách tường minh. Song, phần lớn các sáng tác dân gian chứa đựng ý nghĩa giáo dục hàm ẩn, tức ý nghĩa giáo dục gián tiếp.
Về chức năng thẩm mĩ: Văn học dân gian là nghệ thuật, là quan niệm thẩm mĩ của cộng đồng, nó mang vẻ đẹp hồn hậu, giản mộc của nhân dân. Mang bản chất nguyên hợp, văn học dân gian chỉ thực sự phô diễn vẻ đẹp của mình khi sống trong môi trường nảy sinh và tồn tại, tức thành phần nghệ thuật ngôn từ phải được kết nối với thành phần nghệ thuật âm nhạc, vũ đạo trong môi trường diễn xướng.
Về chức năng sinh hoạt: Khác với văn học viết, văn học dân gian ra đời và trở thành một bộ phận hữu cơ trong môi trường sinh hoạt và lao động của nhân dân. Văn học dân gian gắn bó mật thiết với cuộc đời mỗi người xuyên suốt "từ chiếc nôi ra tới nấm mồ". Môi trường và thói quen sinh hoạt của nhân dân là điều kiện quan trọng cho văn học dân gian hình thành và phát triển.
Ra đời từ buổi sớm của xã hội loài người, lúc con người chưa phát minh ra chữ viết. Vì vậy, truyền miệng là phương thức duy nhất và tất yếu văn học dân gian. Khi nhân loại có chữ viết, đặc biệt là khi chữ viết trở nên phổ biến, một bộ phận văn học dân gian được văn bản hóa, tức phương thức truyền miệng không còn là duy nhất. Tuy vậy, đời sống thực sự của nó vẫn được duy trì bằng con đường mà nó đã nảy sinh. Đặc trưng truyền miệng phản ánh phương thức sinh thành, tồn tại và phát triển của văn học dân gian. Được sáng tác và lưu truyền thông qua con đường truyền miệng, văn học dân gian đòi hỏi ở người nghệ nhân không chỉ tài năng mà đặc biệt hơn là trí nhớ.
Bên cạnh tính truyền miệng, tính tập thể của văn học dân gian “biểu hiện mối quan hệ phụ thuộc của văn học dân gian vào môi trường sinh hoạt". Tính tập thể biểu hiện ở quan niệm thẩm mĩ, ở quá trình sáng tác và lưu truyền văn học dân gian. Về phương diện sáng tác, mỗi tác phẩm văn học dân gian là sự gia công của nhiều người, qua nhiều thế hệ khác nhau. Tuy nhiên, sáng tác tập thể ở đây không đối lập với vai trò cá nhân. Những bộ sử thi lớn của thế giới như: Iliát và Ôđixê, Ramayana, Mahabharata ... thường là kết quả của nhiều người sáng tác, nhiều thế hệ, nhiều vùng miền khác nhau.
Văn học dân gian có tính địa phương, tồn tại như là một chân lí, mà trước hết thể hiện ở những sản vật đặc biệt được sáng tác dân gian nhắc đến. Cũng từ đó, một số địa phương trở nên nổi tiếng nhờ ca dao, tục ngữ qua đặc sản quê mình. Chẳng hạn:
Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.
Chàng đi nhớ cháo làng Ghề
Nhớ cơm phố Mía, nhớ chè Đồng Viên.
Người Nam bộ cũng bộc lộ niềm tự hào về đặc sản xứ sở:
Cần chi cá lóc cá trê
Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều.
Tính cách con người cũng chi phối vào văn học dân gian rất rõ. Người miền Bắc ưa thanh lịch. Người miền Trung thẳng thắn, bộc trực. Người miền Nam phóng khoáng. Sự tương phản được thể hiện khá rõ qua ca dao mỗi vùng miền như:
Giữa đường gặp cánh hoa rơi
Hai tay nâng lấy cũ người mới ta.
và
Ra đường gặp cánh hoa rơi
Lấy chân mà đạp đừng chơi hoa tàn.
Ảnh hưởng to lớn của văn học dân gian đối với đời sống của con người chính là: “Văn học dân gian là cội nguồn, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc Việt Nam". Không ít nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh,.... đã tiếp thu văn học dân gian để sáng tạo nên những tác phẩm văn chương lớn. Chúng ta nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa văn học dân gian với văn nghệ, văn hoá dân gian và đời sống thực tiễn. Chính văn học dân gian đã giúp đưa các yếu tố văn hoá khác như: âm nhạc, nhảy múa, diễn xướng, tâm linh ... đến gần hơn với đời sống con người, góp phần làm phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc. Khả năng dễ nói, dễ hiểu, dễ nhớ đã giúp văn học dân gian đi vào đời sống của nhân dân một cách tự nhiên trong mọi hoàn cảnh. Qua văn học dân gian, những bài học về cuộc sống trở nên gần gũi hơn, lung linh hơn. Văn học dân gian phản ánh chân thực cuộc sống lao động; công cuộc dựng nước và giữ nước của người xưa; thể hiện truyền thống dân chủ và tinh thần nhân văn của dân tộc; bộc lộ đời sống tâm hồn phong phú, tinh tế và sâu sắc của nhân dân; tổng kết những tri thức, kinh nghiệm về mọi lĩnh vực trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình.
Văn học dân gian là nơi hình thành nên những thể loại văn học cơ bản và tiêu biểu của dân tộc, là kho lưu giữ những thành tựu ngôn từ nghệ thuật. Văn học dân gian nêu cao những bài học về phẩm chất đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần nhân đạo, lòng lạc quan,… góp phần quan trọng bồi dưỡng cho con người những tình cảm tốt đẹp, cách nghĩ, lối sống tích cực và lành mạnh. Nhiều tác phẩm văn học dân gian đã trở thành những mẫu mực về nghệ thuật của mọi thời đại mà các nhà văn cần học tập để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị.
Mang trong mình lý tưởng thẩm mỹ, triết lý sống cao đẹp mà tác giả gửi gắm một cách kín đáo, đến với văn học dân gian, ta không chỉ cảm thấy hồn mình thư thái, quên đi bao muộn phiền, mà còn học được nhiều điều tưởng như đơn giản nhưng hết sức cần thiết trong cuộc sống. Qua văn học dân gian, vốn tiếng Việt của ta phong phú hơn. Ta biết sống nhân ái, biết cư xử đúng mực hơn. Đặc biệt, bài học nhân sinh, bài học về lòng cao thượng mà văn học dân gian mang lại càng phát huy hiệu quả đối với thanh thiếu niên và học sinh ngày nay. Học và tiếp cận với văn học dân gian, các em biết trân trọng hơn những gì mình đang có, biết hành xử đúng mực trong mọi tình huống để người gần người hơn. Sao cho truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được lưu giữ và phát triển đến muôn đời sau.
Hoạt động ngoại khóa văn học dân gian góp phần làm rõ những đặc trưng cơ bản như: Tính tập thể, tính truyền miệng, tính dị bản, gắn với sinh hoạt xã hội ..., điều mà giáo viên và học sinh khó thực hiện trong giờ chính khóa do hạn chế về điều kiện và thời gian giảng dạy. Chương trình ngoại khóa giúp thỏa mãn nhu cầu làm sống lại tác phẩm văn học dân gian trong môi trường diễn xướng. Thông qua các hình thức trình diễn bằng lời làm sáng lên vẻ đẹp độc đáo của văn học dân gian. Hoạt động ngoại khóa văn học dân gian còn giúp cho học sinh hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa của quê hương, đất nước. Đó chính là lý do và cũng là mong ước của những người thực hiện chuyên đề.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |