Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tiếp nhận văn học và lý luận về tiếp nhận văn học, so với lý luận văn học còn quá mới mẻ không chỉ đối với chúng ta mà cả đối với khoa nghiên cứu văn học của thế giới.
Tiếp nhận văn học là một khâu không thể thiếu được nằm trong chỉnh thể quá trình tồn tại của tác phẩm nghệ thuật. Nó cần phải được nghiên cứu một cách khách quan, khoa học. Vận dụng lý luận tiếp nhận vào nghiên cứu tác phẩm sẽ giải mã được nhiều hiện tượng văn học và phát hiện ra nhiều vẻ đẹp với các màu sắc khác nhau của tác phẩm văn học.
Trong phạm vi bài viết nhỏ này, tôi chỉ nêu một vài suy nghĩ về tiếp nhận văn học và việc giảng dạy nó ở các trường đại học và phổ thông trung học.
* * *
1. Trong một thời gian dài, hàng thế kỷ, khi nghiên cứu tác phẩm văn học, người ta thường chú ý đến quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ và bản thân cấu trúc văn bản của tác phẩm nghệ thuật mà chưa hoặc đề cập quá sơ sài về vai trò của công chúng tiếp nhận tác phẩm. Bản thân văn học sáng tạo ra khi chưa được tiếp nhận (bao gồm đọc, thưởng thức…) thì chưa gọi là tác phẩm văn học, và tự nó sẽ không trở thành thực thể thẩm mĩ và sống được. Những sáng tạo nghệ thuật đó thực sự là tác phẩm văn học khi thông qua sự tiếp nhận của công chúng độc giả. Bởi vì theo chúng ta biết, tác phẩm văn học được hiểu như là một quá trình tồn tại thông qua nhiều khâu khác nhau: ý đồ, tưởng tượng của nhà văn - văn bản phẩm - ký hiệu cấu trúc tác phẩm và cuối cùng là khâu thưởng thức.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, tiếp nhận văn học là một mảng của lý luận văn học.
Cùng với sự tồn tại của tác phẩm văn học là sự xuất hiện tiếp nhận văn học. Nhưng lý luận của tiếp nhận văn học mới được quan tâm và xuất hiện vào những thập niên 70 và 80 của thế kỷ này. Sáng tác văn học bao giờ cũng hướng vào việc phục vụ một đối tượng nào đó. Và giá trị tác phẩm chỉ có thể phát hiện ra khi thông qua việc tiếp nhận của công chúng (bao hàm cả người phê bình, nghiên cứu và độc giả bình thường).
Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, cá tính sáng tạo của nhà văn, dấu ấn của chủ thể thể hiện trong khách thể thẩm mỹ (tác phẩm văn học) được nhấn mạnh hơn cả. Ở phương diện tiếp nhận văn học, lý luận tiếp nhận đề cao vai trò và cá tính sáng tạo của người đọc và xem nó như là một chủ thể năng động trong việc chiếm lĩnh giá trị nghệ thuật của người nghệ sĩ gửi gắm thông điệp nghệ thuật.
Nhiều nhà lý luận, phê bình và nghiên cứu văn học đều đồng ý cho rằng, người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật như là một thông điệp thẩm mỹ gửi cho độc giả, trong đó có nhiều “mã” và “kênh” khác nhau, đòi hỏi người đọc phải tìm ra chìa khóa “mã” điều chỉnh đúng “kênh” để lĩnh hội được thông điệp đó. Và dù cho người nghệ sĩ tài giỏi đến đâu cũng mới chỉ phản ánh được một phần cái có thực, cái khách quan của đời sống xã hội, còn những phần khác là do người đọc phát hiện ra. Chính sự tưởng tượng, đồng sáng tạo của độc giả phát hiện thêm những vấn đề, những ý mà người nghệ sĩ chưa nói hết hoặc bỏ lửng. Hemingway (Mỹ) đưa ra quan niệm “tảng băng trôi” trong sáng tạo nghệ thuật càng làm sáng tỏ cho ý vừa đề cập ở trên.
Ở nước ta, trong những năm gần đây tiếp nhận văn học được nhiều nhà nghiên cứu và lý luận quan tâm và đã có nhiều bài xuất hiện trên các báo và tạp chí của các tác giả GS. Hoàng Trinh, GS. Nguyễn Lai, Trần Đình Sử, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Thanh Hùng, Từ Sơn… Trong lúc đó, trường phái tiếp nhận văn học ở Đức là: Konstanz mà đứng đầu là Hans Ro Bert Jauss được nhiều người biết đến từ những thập niên 70 của thế kỷ này.
Như vậy tiếp nhận văn học và lý luận về tiếp nhận đang là vấn đề được quan tâm, nghiên cứu. Việc đưa tiếp nhận văn học vào chương trình đại học và phổ thông trung học, thiết nghĩ là điều đúng, cần làm song còn phải tính đến nhiều điều kiện khác nữa.
2. Cho tới nay, ở Khoa Ngữ văn các trường đại học trong chương trình lý luận văn học, tiếp nhận văn học với tư cách là một mảng của lý luận văn học hầu như chưa đưa vào giảng dạy có hệ thống, hoặc nếu có cũng chỉ là những ý kiến nêu ra có tính chất gợi ý, đặt vấn đề.
Để trang bị kiến thức cơ bản về tiếp nhận văn học cho sinh viên khoa Ngữ văn các trường đại học trong việc nghiên cứu văn học và giúp cho một số khá lớn sau này trở thành giáo viên dạy văn ở các trường phổ thông trung học thì chương trình lý luận văn học nhất thiết phải có phần về tiếp nhận văn học với tư cách là giáo trình cơ bản. Yêu cầu này là phù hợp với sự vận động của đời sống xã hội, văn học và việc đổi mới của khoa nghiên cứu văn học, là cách tiếp cận mới đối với tác phẩm văn học. Công việc đó càng đặt ra cấp thiết đối với các Khoa văn ở các trường Sư phạm.
Nếu trong trường đại học, sinh viên Khoa văn không được trang bị kiến thức về tiếp nhận văn học, thì một số lớn sau này dạy văn các trường trung học sẽ lúng túng khi giảng về phần này. Mặc dù, để giúp cho giáo viên phổ thông dạy văn tốt. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biên soạn sách dành cho giáo viên hướng dẫn cách trình bày, nhưng nếu chỉ đó sách hướng dẫn thì chưa thể truyền đạt hết yêu cầu bài giảng mà giáo viên chỉ lặp lại như cái máy những khái niệm mới lạ cho cả thầy và trò.
Một điều nữa cần trao đổi, chẳng lẽ ở bậc phổ thông trung học tiếp nhận văn học đưa vào chương trình lý luận mà ở bậc đại học lại không đưa vào giảng dạy?
Rõ ràng, trong hoàn cảnh lịch sử mới trong thời đại bùng nổ thông tin, nhu cầu thẩm mỹ về văn học của mọi đối tượng ngày càng nâng cao thì không thể xem nhẹ hoặc bỏ qua một khâu nào trong quá trình nghiên cứu văn học (trong đó tiếp nhận văn học là một mắt khâu). Tiếp nhận văn học cần phải đưa vào chương trình chính thức trong bộ môn lý luận văn học ở Khoa Văn các trường đại học.
3. Trong chương trình văn học của bậc phổ thông trung học, bên cạnh văn học Việt Nam, văn học Thế giới, lý luận văn học cũng được trình bày cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12. Việc để phần lý luận sau cùng khi đã học xong văn học trong nước và ngoài nước, đồng thời cung cấp kiến thức lý luận từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ cụ thể đến trừu tượng và hợp lý, xác đáng và mang tính khoa học.
Tiếp nhận văn họcvà giá trị văn học đưa vào kết thúc chương trình Văn 12 và lý luận văn học với những khái niệm nhập môn và những nội dung cơ bản. Như chúng tôi đã nói, đó là điều đúng, cần thiết, song vấn đề ở chỗ nên trình bày, lý giải thế nào cho phù hợp với tư duy của học sinh. Trong vòng hơn bốn trang in, người biên soạn đưa vào nhiều khái niệm và các nội dung khác nhau của tiếp nhận văn học. Trình bày một vấn đề mới là khó, người biên soạn viết như thế là quá cô đọng, tới mức đâm ra khó tiếp thu, khó hiểu. Chúng tôi nghĩ nên trình bày vấn đề rõ ràng, cụ thể hơn và có nhiều dẫn chứng minh họa cho những nhận xét, đánh giá của mình.
Cuối cùng, để thỏa mãn với chương trình trước mắt và lâu dài về việc giảng dạy tiếp nhận văn học cho các trường phổ thông trung học thì một mặt, chương trình này phải đưa vào học ở các trường đại học, mặt khác cần bồi thường, tập huấn thêm cho các giáo viên văn học ngắn hạn hoặc dài hạn trong các dịp hè hoặc xen kẽ trong năm.
Bên cạnh đó, cần tiến hành giới thiệu, dịch thuật và biên soạn các bài và các công trình nói về tiếp nhận văn học rộng rãi hơn nữa cho các giáo viên văn trong các trường phổ thông trung học để tham khảo, cung cấp và bổ sung thêm kiến thức.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |