Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trăng là người bạn tri âm tri kỉ đồng hành cùng con người trong mọi hoàn cảnh. Từ bao lâu nay, hình ảnh đó đã đi vào thơ ca một cách rất tự nhiên. Có rất nhiều nhà thơ mượn ánh trăng để giãi bày lòng mình. Tiêu biểu phải kể đến nhà thơ Chính Hữu với bài thơ "Đồng chí". Kết thúc bài thơ, tác giả gợi nhắc đến hình ảnh "Đầu súng trăng treo" mang nhiều ý nghĩa.
Bài thơ "Đồng chí" được sáng tác vào năm 1948, sau khi nhà thơ và những người đồng đội của mình tham gia chiến dịch Việt Bắc. Qua bài thơ, tác giả đã làm nổi bật hình ảnh những người lính có chung hoàn cảnh xuất thân, cùng chung lí tưởng cách mạng mong muốn mang lại hòa bình cho Tổ quốc. Hình ảnh "Đầu súng trăng treo" nằm ở cuối bài thơ để nhấn mạnh vẻ đẹp tâm hồn của những người đồng chí trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Hình ảnh "Đầu súng trăng treo" mang hai nét nghĩa đó là tả thực và lãng mạn. Những đêm lạnh giá canh gác nơi rừng sâu, người lính vẫn trông thấy ánh trăng trên bầu trời đang chiếu sáng cho muôn loài. Vầng trăng quen thuộc như một người bạn đồng hành cùng họ trong mọi hoàn cảnh. Chính nhà thơ Chính Hữu đã từng chia sẻ rằng: "Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng đối với chúng tôi như một người bạn; rừng hoang sương muối là một khung cảnh thật". Vậy rõ ràng, với người lính, ánh trăng chính như tiếp thêm sức mạnh để họ có thể vững vàng tay súng chiến đấu. Nhưng không dừng lại ở nét nghĩa đó, nhà thơ Chính Hữu còn muốn mang đến cho ta một cảm nhận khác về ý nghĩa hình ảnh "Đầu súng trăng treo". "Súng" là biểu tượng của chiến tranh. Còn "trăng" tượng trưng cho hòa bình. Việc nhà thơ để hình ảnh "súng, trăng" cạnh nhau đã thể ước mong về một ngày không xa hòa bình sẽ đến với dân tộc.
Việc tác giả đan cài giữa chất hiện thực và lãng mạn trong câu thơ đã cho ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của những người lính. Giữa cái khốc liệt của chiến tranh, họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời, mở rộng lòng mình cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên. Và ước mong một ngày không xa đánh thắng được quân thù luôn thường trực trong trái tim của người lính.
"Súng" tượng trưng cho người lính, còn "trăng" thường gắn liền với thi nhân. Hình ảnh thơ "Đầu súng trăng treo" như sự hòa hợp đầy ngọt ngào giữa chất trữ tình lãng mạn của một nhà thơ và sự kiên cường, mạnh mẽ chảy trong máu người lính. Qua đó, ta thấy được bức chân dung, tính cách của tác giả Chính Hữu - một nhà thơ chiến sĩ nổi tiếng trong nền văn chương Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp.
Hình ảnh "Đầu súng trăng treo" khép lại bài thơ gợi nhiều liên tưởng độc đáo. Nhà thơ đã nhấn mạnh vẻ đẹp của người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Qua đây, ta cũng phần nào thấy được tâm hồn bay bổng, lạc quan cùng ngòi bút tài hoa của Chính Hữu.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |