Trạng nguyên Vũ Duệ (1468 -1522) người làng Trình Xá, xã Sơn Vi, trấn Sơn Tây (nay thuộc xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao) nổi danh là là tấm gương về lòng hiếu học, trung trinh một lòng vì nước vì dân.
Tương truyền thuở nhỏ, Trạng nguyên Vũ Duệ có tên là Vũ Nghĩa Chi. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cha mẹ không có tiền cho đi học nên hàng ngày cậu bé Vĩnh Chi vừa trông em, vừa phải lo bếp núc trong nhà. Gần nhà lúc đó có một lớp học, Vĩnh Chi thường bế theo em tới đứng ngoài cửa sổ để nghe thầy đồ giảng bài. Thấy có một cậu bé ngày nào cũng tới đứng “học lỏm” ngoài sân, thầy bèn gọi cậu vào và hỏi cậu một câu đố hóc búa mà cả lớp không ai giải được. Cậu bé Vĩnh Chi khi đó vừa bế em, vừa dõng dạc trả lời câu hỏi của thầy. Thầy đồ và cả lớp khi đó đều thán phục, kinh ngạc nhìn cậu. Sau một hồi trò chuyện, thầy mới biết Vĩnh Chi nhà nghèo nhưng có tấm lòng hiếu học. Cảm động, thầy nói với Vĩnh Chi:
- Cái tên Vũ Nghĩa Chi của con tuy là hay, nhưng chưa xứng với tài năng của con, nay thầy đổi tên cho con thành Vũ Duệ ( có nghĩa là thông minh, sâu sắc) con có đồng ý không?
Nghĩa Chi mừng rỡ cảm ơn bái lạy thầy rồi bế em ra về.
Sau này, càng lớn Vũ Duệ càng thông minh hơn người, nhiều giai thoại về ông còn được lưu truyền:
Năm 22 tuổi, Vũ Duệ thi đỗ Trạng nguyên dưới đời Lê Thánh Tông (1490). Nhờ tính cương trực, Vũ Duệ được vua phong làm Đô Ngự Sử. Sau này khi nhà Mạc cướp ngôi vua, Vũ Duệ trung thành với nhà Lê, đến lạy lăng mộ các vua Lê ở Lam Sơn rồi đeo ấn ngự sử nhảy xuống cửa bể Thần Phù (Thanh Hóa) tự trẫm ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (1522). Sáu mươi năm sau, nhà Lê dựng lại được cơ nghiệp, vua Lê Huyền Tông cho lập đền thờ Vũ Duệ, xếp ông đứng đầu trong số 13 công thần tử tiết, phong Thượng Đẳng Phúc Thần. Các đời nhà Lê, nhà Nguyễn sau này đều xét công trạng và ban sắc phong biểu dương uy linh tử tiết của Trạng nguyên Vũ Duệ, tạc bia đá đặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.
Đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ được xây dựng giữa làng Trình Xá, cổng đền có ghi 3 chữ hán "Tiết Nghĩa Từ", trong đền có tấm biển khắc 4 chữ "Vương Thất Huân Lao" đều do vua ban. Hàng năm, vào ngày 16 – 8 (âm lịch) Ban quan lý đền cùng anh em con cháu dòng họ Vũ và dân làng Trình Xá, nhân dân các xã Vĩnh Lại, Cao Xá mở Hội tế lễ, tổ chức các trò chơi dân gian như: Rước kiệu, đấu vật, cờ tướng…
Phát huy truyền thống hiếu học của trạng nguyên Vũ Duệ, con cháu làng Trình Xá nói riêng và xã Vĩnh Lại nói chung đều chuyên tâm học hành, nhiều người đỗ đạt thành tài, đóng góp công sức để xây dựng xóm làng ngày thêm giàu đẹp. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại các gia đình, dòng họ… và trên toàn xã ngày càng phát triển, góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh; trở thành tấm gương cho các địa phương khác học tập, làm theo.