Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba khắp năm châu và được tiếp xúc với rất nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Có lẽ đây là một trong những cơ duyên để Người nhìn thấy tính tất yếu khách quan và vai trò của việc giao lưu tiếp biến văn hoá. Người đã hết sức trân trọng và nỗ lực không mệt mỏi để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nhưng đồng thời cũng luôn đề cao việc tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Bác coi đây là một nhiệm vụ trọng yếu trong tiến trình phát triển văn hoá dân tộc.
Bác Hồ với các ông Mikhail Suslov và Leonid Brezhnev trong kỳ nghỉ hè tại Yalta, Crimea ngày 12/7/1959. (Nguồn: ĐSQ)
Chấp nhận khác biệt
Hồ Chí Minh tiếp cận văn hóa phương Tây khá sớm và trên hành trình tìm đường giải phóng dân tộc, đã tiếp thu những giá trị tích cực, tiến bộ của văn minh phương Tây. Người kể rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái... Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”[1]. Sau này, khi được tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới, Người luôn hồ hởi đón nhận, chấp nhận sự khác biệt, đồng thời tìm ra được những ưu điểm vượt trội của mỗi nền văn hóa để tiếp thu. Khi bàn về các tôn giáo lớn trên thế giới, Người đã khiêm tốn thừa nhận rằng: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Tôn Dật Tiên chẳng phải có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị”[2].
Và điều đáng nói hơn, từ ứng xử khiêm nhường của cá nhân, vị lãnh tụ vĩ đại đã đi tới tầm cao văn hoá khoan dung của dân tộc khi khẳng định rằng: “... văn hoá Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại...”[3]. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, khi đối thoại đang trở thành xu thế tất yếu khách quan cho các dân tộc trên thế giới tồn tại và phát triển, ta càng thấm thía những tư tưởng vượt thời đại của Người.
Chọn lọc tinh hoa
Cởi mở, khoan dung, nhưng Hồ Chí Minh không chủ trương tiếp thu ồ ạt, mà nhấn mạnh phải chọn lọc tinh hoa để kế thừa, học hỏi. Điều này thể hiện rõ khi Người bàn về Khổng giáo.
Sinh ra trong một “gia đình nhà Nho An Nam”, Hồ Chí Minh ảnh hưởng nhiều từ tư tưởng Khổng học và hiểu rất rõ về học thuyết này. Người đã thẳng thắn phê phán những yếu tố duy tâm, lạc hậu trong tư tưởng Khổng Tử. Nhưng đồng thời, Người đánh giá cao và đặc biệt chủ trương khai thác, học hỏi, kế thừa những điểm tiến bộ, tích cực của Nho giáo. Trên cái nhìn biện chứng, Bác luôn đặt các học thuyết vào bối cảnh lịch sử - cụ thể để học được những điều bổ ích. Người chỉ rõ: “Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học”[4].
Chủ tịch Hồ Chí Minh bên ao cá trong Khu Phủ Chủ tịch. Ảnh: T.L
Tiếp biến, sáng tạo
Theo Hồ Chí Minh, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại gắn liền với tiếp biến và sáng tạo. Người quan niệm, quá trình tiếp thu văn hoá nhân loại không diễn ra một cách thụ động, máy móc, giáo điều mà phải luôn có sự trao đổi, sàng lọc cần thiết, có sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo và phù hợp vào thực tiễn lịch sử và xã hội cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc.
Khi tiếp nhận chủ nghĩa Mác, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trương: “Những người cộng sản các nước phải cụ thể hoá chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi”[5]. Người đã góp phần bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng dân tộc học phương Đông, làm cho chủ nghĩa Mác từ học thuyết đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản, đồng thời được xem là học thuyết đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX. Hồ Chí Minh đã tiếp biến chủ nghĩa Mác-Lênin từ kinh nghiệm thực tiễn của cách mạng Việt Nam trên nền tảng của truyền thống văn hoá Việt Nam, văn hoá phương Đông.
Có lần, khi bàn về công tác văn hóa văn nghệ, Người đã nhắc nhở các nhà văn hoá Việt Nam: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam có tinh thần thuần tuý Việt Nam, để hợp với tinh thần dân chủ”[6]. Với quan niệm này, Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm minh triết trong nhận thức tư duy khi đã nắm được bản chất của quy luật giao lưu, tiếp biến văn hoá. Các nền văn hoá, văn minh trên thế giới không tĩnh tại, thuần phác cổ xưa mà luôn vận động, va chạm, tiếp xúc với các nền văn hoá, văn minh khác. Sự phát triển một nền văn hoá gắn liền với sự tiếp xúc, thích ứng và phù hợp, sự linh hoạt, sáng tạo nghiêm túc để biến cái ngoại sinh (của người) thành cái nội sinh (của mình).
Biết “vay” biết “trả”
Trong quá trình tiếp xúc, tiếp biến văn hoá đó, tất yếu dẫn đến sự thay đổi ít nhiều trong bản thân mỗi nền văn hoá. Sự thay đổi đó có thể làm mai một bản sắc văn hoá dân tộc, nhưng cũng có thể sẽ góp phần bồi đắp những thiếu hụt cho mỗi bên và tạo nên sự đa dạng văn hoá. Ý thức được hệ quả này để có ứng xử linh hoạt, phù hợp là thái độ của những dân tộc văn minh. Khi bàn về giao lưu tiếp biến văn hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức vấn đề này một cách sâu sắc và ứng xử với nó một cách đầy trí tuệ, bản lĩnh và trách nhiệm. Theo Bác, tiếp thu tiếp biến tinh hoa văn hoá là một quá trình song phương, nên không thể và không nên tiếp nhận một chiều thụ động và vị kỷ. Bản lĩnh văn hoá của một dân tộc trong giao lưu tiếp biến chính là ở tinh thần bình đẳng, biết “vay” biết “trả”. Người căn dặn: “Mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay cho người ta hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả” (Báo Cứu Quốc, ngày 9-10-1945). Hàm ý của Người là chúng ta không chỉ tiếp thu, tiếp biến những giá trị bên ngoài để làm giàu có cho chính mình mà còn phải biết đem những giá trị, bản sắc của mình vốn có để đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hoá của nhân loại, làm cho kho tàng ấy giàu có hơn, phong phú hơn, cũng là một cách để khẳng định mình trong thế giới rộng lớn. Đây quả là tư tưởng thể hiện tầm nhìn quán thông thời thế của vị lãnh tụ vĩ đại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, khi mà nhân loại đang lo âu về sự đánh mất chính mình trong “thế giới phẳng” và nguy cơ đồng phục văn hóa, ta càng thấy rõ hơn về giá trị trong lời dạy quý báu ấy của Người.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |