Thuật ngữ văn hóa đã xuất hiện từ thời cổ đại và không ngừng được hoàn thiện cả nội hàm cùng ngoại diện của nó. Văn hóa ngày càng phát triển và tồn tại ở trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống. Tương ứng như thế, số lượng định nghĩa, quan niệm của văn hóa cũng rất đa dạng và phong phú. Trong bài viết Văn hóa – Tổng quan phê phán về các khái niệm và định nghĩa, A.L Krober và Clyde Kluckhohn cho rằng tiếp cận khái niệm văn hóa theo các giai đoạn lịch sử, có thể thấy ba giai đoạn trong quá trình sử dụng thuật ngữ văn hóa:
– Đầu tiên, thuật ngữ này xuất hiện vào cuối thế kỷ XVIII ở một nhóm các nhà nghiên cứu lịch sử mà Herder là người nổi tiếng nhất. Ở đây, văn hóa vẫn mang ý nghĩa là sự tiến triển trong sự tu dưỡng, hướng tới sự khai sáng nhưng phạm vi chỉ là một bước để tới xu hướng quan điểm mà Klemm đã viết và từ văn hóa bắt đầu mang ý nghĩa hiện đại của nó.
– Giai đoạn thứ hai, bắt đầu gần như đồng thời với giai đoạn trên nhưng có phần kéo dài hơn, là một xu hướng triết học chính thức, từ Kant tới Hegel mà ở đó, văn hóa là mối quan tâm bị giảm sút. Nó là thời kỳ nở rộ cuối cũng của khái niệm về tinh thần.
– Giai đoạn thứ ba từ khoảng 1859 trở đi, ở đây văn hóa ngày càng được hiểu theo nghĩa hiện đại của nó. Nói chung là trong giới trí thức cũng như ký thuật. Trong số những người khởi xướng là Klemm, nhà dân tộc học và Burkhardt, một nhà lịch sử văn hóa. Và trong sự phát triển của nó có sự đóng góp đáng kể của những nhân vật như Katian Rickert và Spengler” [103, tr.21].
Trong số nhiều định nghĩa về văn hóa, để phù hợp với đối tượng nghiên cứu luận án, chúng tôi chọn cách tiếp cận văn hóa từ góc độ biểu tượng.
GS Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Hình thái văn hóa, là biểu tượng. Tiếng nói, một thành tựu văn hóa lớn của loài người, là hệ thống biểu tượng. Nghệ thuật tạo hình là một hệ thống biểu tượng khác. Chữ viết ra đời ở nhiều nơi trong thời đại đồ đồng, sắt cũng là hệ thống biểu tượng mới. Đồ vật dụng cụ cũng có thể có ý nghĩa biểu tượng. Tôn giáo cũng bao hàm một hệ thống biểu tượng…” [107, tr.51].