Vào năm Gia Tĩnh triều Minh, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, Vương viên ngoại có hai cô con gái xinh đẹp tuyệt vời vừa đến tuổi cài trâm. Cô chị tên là Thúy Kiều, cô em tên là Thúy Vân. Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười. Thúy Vân da trắng như tuyết, tóc đen như mây, gương mặt đầy đặn như trăng rằm. Nụ cười tươi tựa hoa mới nở. Giọng nói trong như tiếng ngọc rơi. Sắc đẹp ấy báo trước cho nàng một cuộc sống đầy đủ, bình an. Khác với Thúy Vân, Thúy Kiều đẹp một vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà hiếm có. Mắt nàng trong như nước hồ mùa thu; lông mày thanh tú như dáng núi mùa xuân. Hoa phải ghen, liễu phải hờn trước vẻ thắm, vẻ tươi của nhan sắc Thúy Kiều. Quả là trong đời ít có người con gái nào tài sắc vẹn toàn như Thúy Kiều. Thi hào Nguyễn Du say mê ca ngợi: Một hai nghiêng nước nghiêng thành, Sắc đành đòi một tài đành họa hai. Thông minh vốn sẵn tính trời, Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm. Cung thương làu bậc ngũ âm, Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương…Thúy Kiều không chỉ đẹp mà còn thông minh, đa cảm, đa tài vẻ đẹp của nàng ẩn chứa sự thông tuệ, tài năng, đức hạnh cùng với một tâm hồn mẫn cảm, tinh tế và tấm lòng đầy thành tâm, thiện ý. Nhưng ngần ấy tinh hoa tụ lại trong một con người liệu có thái quá chăng? Người xưa thường nói: Thái quá bất cập và Nguyễn Du dường như cũng tiên đoán được số kiếp truân chuyên của Thúy Kiều nên đã viết: Anh hoa phát tiết ra ngoài, Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa! Đó có phải là định mệnh khắt khe không gì thay đổi được, nhất là trong xã hội phong kiến đầy bất công, ngáng trái thuở xưa?!