Số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên toàn cầu đã cao hơn mức trung bình vào năm 2020, với 96 xoáy thuận tính đến ngày 17/11 ở Bắc bán cầu 2020 và Nam bán cầu giai đoạn 2019-2020.
Khu vực Bắc Đại Tây Dương đã có một mùa hoạt động đặc biệt, với 30 xoáy thuận nhiệt đới tính đến ngày 17/11, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình dài hạn (1981-2010) và phá kỷ lục trong cả mùa được thiết lập vào năm 2005. Vào thời điểm mà mùa bão thường giảm đi thì hai cơn bão cấp 4 đã đổ bộ vào Trung Mỹ trong vòng chưa đầy hai tuần vào tháng 11 đã dẫn đến lũ lụt kinh hoàng và nhiều người thương vong.
Bão Amphan đổ bộ vào ngày 20/5 gần biên giới Ấn Độ-Bangladesh là xoáy thuận nhiệt đới mạnh nhất được ghi nhận ở Bắc Ấn Độ Dương, với thiệt hại kinh tế được báo cáo ở Ấn Độ khoảng 14 tỷ USD. Việc sơ tán quy mô lớn các khu vực ven biển ở Ấn Độ và Bangladesh đã giúp giảm thương vong so với các trận lốc xoáy trước đó trong khu vực.
Rủi ro và tác động
Khoảng 10 triệu lượt người phải sơ tán, phần lớn do các thảm họa và các hiện tượng khí tượng thủy văn, đã được ghi nhận trong nửa đầu năm 2020, chủ yếu tập trung ở Nam và Đông Nam Á cũng như vùng Sừng châu Phi. Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tạo thêm gánh năng cho việc đi lại của xã hội.
Đại dịch COVID-19 cũng đã thêm một lớp rủi ro khác cho các hoạt động sơ tán, phục hồi và cứu trợ liên quan đến các sự kiện có tác động mạnh. Ví dụ ở Philippines, mặc dù hơn 180.000 người đã được sơ tán trước bão nhiệt đới Vongfong (Ambo) vào giữa tháng 5, nhu cầu về các biện pháp ngăn cách xã hội có nghĩa là người dân không thể được vận chuyển với số lượng lớn và các trung tâm sơ tán có thể chỉ được sử dụng ở một nửa công suất.
Sau nhiều thập kỷ suy giảm, tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng gần đây kể từ năm 2014 là do xung đột và suy thoái kinh tế cũng như sự biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Theo số liệu mới nhất của FAO, gần 690 triệu người, tương đương 9% dân số thế giới, bị suy dinh dưỡng và khoảng 750 triệu người đã trải qua mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào năm 2019. Số người được xếp vào tình trạng khủng hoảng, khẩn cấp và đói kém đã tăng lên gần 135 triệu người trên 55 quốc gia.
Theo tổ chức FAO và WFP, hơn 50 triệu người đã bị ảnh hưởng kép bởi các thảm họa liên quan đến khí hậu (lũ lụt, hạn hán và bão) và đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Các quốc gia ở Trung Mỹ đang phải hứng chịu tác động gấp ba của bão Eta và Iota, COVID-19 và các cuộc khủng hoảng nhân đạo từ trước. Chính phủ Honduras ước tính rằng 53.000 ha đất trồng trọt đã bị cuốn trôi, chủ yếu là lúa, đậu và mía.
Các tác động tiêu cực đến môi trường bao gồm các tác động đến đất đai như hạn hán, cháy rừng ở các khu vực rừng và đất than bùn, suy thoái đất, bão cát và bụi, sa mạc hóa và ô nhiễm không khí, có ảnh hưởng sâu rộng đến thiên nhiên và động vật hoang dã. Các tác động đối với hệ thống biển bao gồm mực nước biển dâng, axit hóa đại dương, giảm nồng độ ôxy đại dương, phân rã rừng ngập mặn và tẩy trắng san hô.