Bức tranh sơn mài “Mẹ kháng chiến” thoạt nhìn giống như hình ảnh cắt ngang một căn hầm bí mật. Trung tâm bức tranh là hình ảnh bà má miền Nam cùng người con gái đang chăm sóc chiến sĩ bị thương, xung quanh là các đồ sinh hoạt quen thuộc như chiếc làn đỏ, chai nước, cặp lồng cơm… Bức tranh không nhiều chi tiết, nhưng tác giả khéo léo sắp xếp các nhân vật để khỏa lấp gần hết không gian tranh, tạo cảm giác chật chội, ngột ngạt, thể hiện sự khó khăn, gian khổ của những chiến sĩ chiến đấu trong thành phố thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Bức tranh “Mẹ kháng chiến”.
“Đây là hình ảnh quen thuộc trong những năm chống Mỹ. Các chiến sĩ hoạt động trong vùng tạm chiếm cần sự che chở của nhân dân, của các bà mẹ, các bà má. Người mẹ ngẩng cao đầu vững vàng, bàn tay mẹ cùng bàn tay người em gái đặt nhẹ vào chỗ bị thương nơi bắp chân của anh chiến sĩ được quấn băng trắng. Những ánh mắt giao nhau đầy cảm thông cùng sự khuyến khích, an ủi. Bức tranh với bút pháp mộc mạc, nội dung giản dị nhưng gây xúc động, gợi không khí kháng chiến thời kỳ trước”, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến nhận xét.
Nhà giáo Nhân dân, họa sĩ Hoàng Trầm sinh năm 1928 tại Sài Gòn. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 1964. Ông hoàn thành bức tranh sơn mài “Mẹ kháng chiến” năm 1980 và đã giành giải A tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc tổ chức cùng năm. Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông đã thể nghiệm nhiều thể loại như sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ về hình tượng người lính, tình quân dân… Trong đó, những bức tranh sơn mài “Mẹ kháng chiến” của ông được đồng nghiệp và giới chuyên môn đánh giá là thành công nhất. Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật đợt I năm 2001.