Vũ Nương phải chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Trước hết, nàng phải chịu cảnh "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó". Cuộc hôn nhân giữa nàng và Trương Sinh không xuất phát từ tình yêu, nên Vũ Nương không mấy khi hạnh phúc trước sự vũ phu của chồng. Trong những ngày Trương Sinh đi lính, Vũ Nương một thân sinh ra và nuôi nấng đứa con thơ của mình. Nàng vừa là con dâu, vừa là người mẹ, một thân gánh vác tất cả mọi thứ. Nàng ngày ngày trông ngóng đợi chờ Trương Sinh nhưng chẳng nhận được hồi đáp xứng đáng. Sau ba năm, Trương Sinh trở về, cứ ngỡ sẽ nối lại mối duyên nhưng chỉ vì Trương Sinh hiểu lầm câu nói về cái bóng của đứa con thơ mà sẵn sàng vũ phu với vợ mình, dồn vợ mình đến đường cùng. Cuối cùng Vũ Nương phải gieo mình xuống sông tự vẫn. Mãi cho đến khi Trương Sinh nhận ra rằng đây chỉ là hiểu lầm, thì Vũ Nương mãi chẳng thể quay trở về trần gian nữa. Số phận của nàng tràn đầy bi thương, đây cũng là số phận của những người phụ nữ sống trong chế độ cũ của xã hội. Họ không được lên tiếng để bảo vệ quyền sống, quyền tự do của bản thân. Ngay cả khi bị dồn đến đường cùng, họ chẳng thể kêu cứu. Vũ Nương là một minh chứng cho câu nói "hồng nhan bạc mệnh", dẫu có sắc, có tài, có tâm vẫn không thể thoát được số phận bi thảm.