Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tố Hữu được biết đến là lá cờ đầu trong thơ ca cách mạng Việt Nam. Hồn thơ Tố Hữu là sự kết hợp hài hòa giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ. Chính vì vậy mà đọc các tác phẩm thơ của Tố Hữu người đọc có thể thấy được những dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Nói về các tác phẩm thơ Tố Hữu có người đã ví nó như một thước phim quay chậm những trang sử vẻ vang của dân tộc. “Việt Bắc” là một trong những bài thơ như thế.
“Việt Bắc” được sáng tác vào năm 1954 khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc thắng lợi. Đây là lúc mà các cơ quan trung ương Đảng và chính phủ từ Việt Bắc trở về Hà Nội. Tố Hữu đã tái hiện lại cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa những người cán bộ với nhân dân Việt Bắc sau thời gian dài sống, chiến đấu và gắn bó cùng nhau trải qua mọi gian khổ. Trong bài thơ tác giả sử dụng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc kết hợp lối hát đối đáp như ca dao dân ca để tái hiện cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa những người chiến sĩ cách mạng và nhân dân Việt Bắc.
Người ở lại bao giờ cũng dành nhiều tình cảm, nhiều nhớ thương cho người ra đi vì thế mà ngay mở đầu Việt Bắc nhà thơ đã để người ở lại mở đầu rất tinh tế:
“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”
Câu mở lời đầu tiên giống lời chia tay của những cặp tình nhân đầy ý nhị mà sâu sắc. Nhà thơ đã khéo léo mượn sắc màu tình yêu để thể hiện tình cách mạng. Cách sắp xếp câu chữ, “mình” mở đầu câu thơ, “ta” kết thúc câu thơ cũng gián tiếp thể hiện được sự xa cách, nhớ nhung. Chữ “nhớ” được nhắc lại ba lần đã mở ra dòng cảm xúc lưu luyến, nhớ nhung, tình nghĩa của toàn bài thơ.
Bài văn Phân tích bài Việt Bắc của Tố Hữu siêu hay
Đáp lại tấm lòng của người ở lại, người đi cũng đã thể hiện tình cảm của mình:
“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
Tiếng lòng của người ở lại khiến người ra đi không khỏi bồn chồn, xúc động. Tất cả điều đó đã khơi dậy rất nhiều kỉ niệm khó quên trong tâm trí của người chiến sĩ. Nỗi niềm ấy khiến cho cuộc chia ly trở nên bịn rịn, lưu luyến. Nó như một sợi dây níu kéo người ở và người đi. Mười lăm năm dài đằng đẵng đã gắn kết người với người lại với nhau. Họ đã cùng nhau chung sống, cùng nhau trải qua biết bao khó khăn, chia sẻ cho nhau từng miếng cơm, manh áo để đến giờ phút chia ly cảm xúc trào ra thành câu chữ:
“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh”
Lúc này, “ta với mình” – “mình với ta” như hòa quyện làm một, cộng hưởng cùng nhau thành một khối thống nhất, không tách rời. Hai chữ “đinh ninh” như một sự khẳng định chắc chắn về tình cảm mà người ra đi dành cho những người ở lại. Đó là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý không gì có thể thay thế được.
Trở về cuộc sống thành thị, rời xa Việt Bắc, những người cán bộ chiến sĩ mang theo một nỗi nhớ núi rừng, nhớ những ngày gian khổ, nhớ những kỷ niệm kháng chiến gian khó mà nghĩa tình. Một bức tranh tứ bình nhiều màu đã làm hiện lên một bức tranh sinh vùng cao sinh động với những hình ảnh gần gũi, quen thuộc. Trong bức tranh ấy có màu xanh của núi rừng, màu đỏ của hoa chuối, sắc trắng tinh khôi của hoa mơ. Không chỉ là màu sắc, bức tranh còn rộn rã âm thanh tiếng ve, còn là ánh sáng lấp lánh của ánh trăng hiền hòa. Trong bức tranh sinh động đó, hình ảnh con người được hiện lên trong hình ảnh lao động khỏe khoắn: “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”, “Nhớ cô em gái hái măng một mình”. Hình ảnh con người hiện lên thật giản dị, mộc mạc giữa núi rừng. Thiên nhiên nhiều màu sắc cùng hình ảnh lao động đã làm nên một đoạn thơ trữ tình nhất trong Việt Bắc.
Trong nỗi nhớ của mình, tác giả không chỉ nhớ đến thiên nhiên, con người mà còn nhớ cả những năm tháng chiến đấu oanh liệt:
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”
Giọng điệu tha thiết đã chuyển sang giọng hào hùng, khí thế. Tố Hữu đã nhân hóa núi rừng Việt Bắc trở thành một sinh thể có linh hồn, thành bức tường bảo vệ vững chắc cho nhân dân Việt Bắc cùng những người cán bộ kháng chiến khỏi vòng vây của quân thù. Rồi Việt Bắc còn hiện lên với những cuộc hành quân sôi động. Ở cuối bài thơ, người đi đã trả lời câu hỏi của người ở:
“Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”
Qua lời đáp này người đi muốn nhắn ngủ với người ở lại rằng dù cuộc sống thành thị có sung túc, đủ đầy thì tình cảm với những người dân nơi đây vẫn luôn còn mãi. Như vậy tác giả đã khép lại bài thơ bằng tấm chân tình của người ở lại. Kết cấu đầu cuối tương ứng này một lần nữa khẳng định tấm lòng thủy chung son sắc của người đi và người ở.
Người ta gọi “Việt Bắc” là một điển hình của thơ ca cách mạng bởi nó là sự kết hợp của chất trữ tình và chính trị. Không chỉ vậy, bài thơ còn thể hiện rất rõ tính dân tộc qua việc sử dụng thể thơ truyền thống cùng lối hát đối đáp quen thuộc, giản dị, gần gũi. Chính bởi những điều đó mà bài thơ đã khơi gợi được những tình cảm cao đẹp nhất của truyền thống dân tộc là tấm lòng thủy chung son sắc.
“Việt Bắc” không chỉ là câu chuyện nhỏ chứa đựng câu chuyện lớn. Nó không chỉ kể về cuộc chia tay giữa người cán bộ kháng và đồng bào Việt Bắc mà nó còn cho người đọc thấy được mười lăm năm chiến đấu khó khăn, gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Bởi lẽ đó mà đã bao năm nay Việt Bắc vẫn luôn có một vị trí nhất định trong tâm chí độc giả.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |