Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong quá trình phát triển, con người luôn có xu hướng thiết lập và duy trì các mối quan hệ. Chính sự tương tác với người khác giúp cá nhân phát triển tư duy về nhiều mặt. Chất lượng cuộc sống cũng nhờ đó mà dần được cải thiện. Mặc dù vậy, không phải ai cũng hiểu rõ về ý nghĩa của việc thiết lập mối quan hệ trong cuộc sống. Xoay quanh vấn đề này, ThS. Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với website trường.
Quan hệ xã hội ảnh hưởng lớn đến đời sống
Nói về giá trị của việc tạo lập các mối quan hệ trong đời sống, ThS. Trần Nam khẳng định: "Con người vốn chỉ phát huy tốt nhất năng lực khi họ ở trong các nhóm, trong sự tương tác với người khác. Đó cũng là cách mà con người đã làm nên rất nhiều điều kì diệu cho thế giới này”. Lịch sử phát triển hàng triệu năm của xã hội loài người cho thấy con người luôn có nhu cầu liên kết với nhau để ổn định cuộc sống và thích nghi với những biến đổi của môi trường. Do đó, để có thể tồn tại và phát triển, con người phải được đặt trong tương quan với những mối quan hệ xã hội của họ.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều có năng lực tạo dựng và duy trì mối quan hệ tốt. Thực tế cho thấy, mỗi cá nhân có sự khác biệt về số lượng và chất lượng các mối quan hệ. “Những mối quan hệ của chúng ta không tự nhiên mà có, không tự duy trì mà đó là kết quả của quá trình tạo dựng, nuôi dưỡng lâu dài”. - ThS. Trần Nam chia sẻ. Đặc biệt, đối với người trẻ, độ tuổi từ 18 đến 35 là khoảng thời gian lý tưởng để tạo lập những mối quan hệ mới, trong đó nhiều mối quan hệ sẽ có ý nghĩa lâu dài. ThS. Trần Nam chia sẻ thêm: “Người trẻ vốn có nhiều năng lượng, có tâm thế khám phá, yêu thích giao tiếp. Có thể thấy, giai đoạn sau trung học phổ thông và 5-10 năm kể từ khi ngày đi làm là khoảng thời gian người trẻ tạo nên nhiều mối quan hệ nhất. Những mối quan hệ này có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống và công việc của họ về sau”.
ThS. Trần Nam trong chuyến công tác tại Đại học Deakin (Australia). Ảnh: NVCC
Bên cạnh những mối quan hệ trong thế giới thực, ông cũng chỉ ra những ý nghĩa của các tương tác trên không gian mạng. “Nếu dùng đúng cách, mạng xã hội là công cụ kết nối, học hỏi rất tốt. Ngoài ra, mạng xã hội có khả năng mang đến cho chúng ta nhiều người bạn ở nhiều không gian xã hội, nghề nghiệp, văn hóa...khác nhau. Trong số đó, có nhiều người bạn hiếm khi gặp hoặc chẳng bao giờ gặp được ở ngoài đời nhưng vẫn có thể tương tác cùng nhau và đó là điều đặc biệt ở kết nối trên không gian mạng”. - ông khẳng định. Tuy nhiên, ông cũng cho biết việc sử dụng mạng xã hội là một vấn đề có tính hai mặt và khuyên mỗi người nên cân nhắc khi thực hiện các tương tác trên nền tảng này. Chia sẻ về tác hại của những mối quan hệ không lành mạnh trên không gian mạng, ThS. Trần Nam nhận định: “Một trong những điều đáng lưu ý là thế giới ảo nó có thể khiến chúng ta có cảm giác là có rất nhiều bạn nhưng thực tế là nhiều trong số đó lại là “bạn ảo”, mang tính xã giao, kết nối hình thức, không mang lại nhiều những giá trị tinh thần - điều mà những người bạn luôn kì vọng ở nhau. Rồi trong số đó, có khi là những người có lối sống, nhận thức thiếu lành mạnh, có thái độ sống không khách quan và tiêu cực. Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp bị lừa đảo, bắt nạt, quầy rối hay xâm phạm đời tư trên mạng và chúng ta cần cẩn trọng về điều đó. Nếu quá phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội trên không gian mạng, chúng ta có thể có hàng ngàn bạn nhưng lại rất cô đơn”.
Thiết lập mối quan hệ - Dễ mà khó
Có thể nói nhu cầu tìm kiếm và xây dựng các mối quan hệ là nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng tìm thấy mối quan hệ mang lại giá trị tích cực cho bản thân. Do ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau, nhiều bạn trẻ hiện nay có thể thất bại trong việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến sự thất bại này, ThS. Trần Nam cho biết: “Mỗi cá nhân là một thực thể sống động, chính vì vậy tâm thế của họ sẽ rất khác nhau. Sẽ khó có thể đưa ra một nguyên nhân chung nhất”. Theo ông, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau trong khả năng xây dựng các mối quan hệ của mỗi người: trạng thái cảm xúc không muốn có nhiều mối quan hệ, xác định mục đích không phù hợp trước khi bắt đầu một mối quan hệ, thiếu kĩ năng giao tiếp và duy trì các mối quan hệ, việc học tập hay làm việc quá bận rộn,… “Hay đôi khi chính sự bất đồng về lý tưởng, quan điểm về chính trị và những quan điểm sống khác cũng là trở ngại đáng kể”. - ThS. Trần Nam chia sẻ.
Kết nối thường xuyên với bạn bè là cách tốt để duy trì những mối quan hệ. Ảnh: Quỳnh Nhi
Trong một vài tình huống, để thỏa mãn nhu cầu của bản thân, nhiều bạn trẻ thường có thói quen bình luận, phê phán một ai đó sau lưng họ hoặc mang câu chuyện của người này kể cho người khác. Hành động này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: giải trí, công kích cá nhân, tìm kiếm “đồng minh”,… Tuy nhiên, theo ThS. Trần Nam: “Điều này hoàn toàn không nên vì nó gây ra những rắc rối trong các mối quan hệ hoặc tạo nên những năng lượng tiêu cực trong đời sống hàng ngày. Chúng ta cũng biết rằng “nhân vô thập toàn” và những điểm khiếm khuyết của mỗi người cần được góp ý theo hướng tích cực”. Cũng theo ông, mỗi cá nhân đều có thể có các hành động này khi họ còn trẻ nhưng họ cần rút kinh nghiệm và tập thói quen phát ngôn đúng mực về người khác để ngày một trưởng thành hơn.
Bên cạnh những mối quan hệ mang lại giá trị, nhiều người trẻ thường rơi vào các mối quan hệ độc hại. “Khi gặp những tình huống này họ phải thoát ra đúng cách nếu không hậu quả rất khó lường”. - ThS. Trần Nam nhắn nhủ. Ngoài ra, thạc sĩ cũng đưa ra lời khuyên về cách ứng xử khi gặp phải những mối quan hệ độc hại: “Các bạn cần lịch sự, tôn trọng, kiên nhẫn, lắng nghe, lưu ý và tìm cách phù hợp nhất để rời đi trong các mối quan hệ không còn tốt nữa. Tuyệt nhiên đừng dùng những lời khinh miệt, xúc phạm, phân biệt thân phận, hay im lặng rời đi mà không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Trái đất này vốn rất tròn nên dù không còn là bạn bè nữa thì cũng không được là kẻ thù”.
Cởi mở và chân thành với người xung quanh
Có thể nói, việc xây dựng mối quan hệ tích cực không chỉ làm đẹp hình ảnh bản thân, tạo sự tin cậy mà còn giúp công việc thuận lợi, hiệu quả hơn. ThS. Trần Nam chỉ ra những nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng mối quan hệ: chân thành, tin cậy, xây dựng. “Nếu thiếu đi những nguyên tắc này thì các mối quan hệ có thể không bền hoặc không thể được tạo dựng”. - ông khẳng định. Bên cạnh đó, ThS. Nam cũng nhắc đến 2 phương pháp cơ bản để cải thiện các mối quan hệ trong cuộc sống. Nếu mối quan hệ chưa được quan tâm đúng mức thì hai bên cần dành thời gian để củng cố, kết nối và vun đắp nó. Bạn bè có thể gọi điện hay nhắn tin hỏi thăm nhau, hẹn gặp cà phê, đi nhà sách hay có chuyến đi chơi, hoạt động xã hội cùng nhau. Ngoài ra, nếu mối quan hệ đang trở nên xấu đi, mỗi người cần thẳng thắn trao đổi với đối phương để tìm giải pháp tối ưu.
ThS. Trần Nam (hàng trên, thứ tư từ trái sang) đưa sinh viên đi thăm Trung tâm Hoa Kỳ (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC
ThS. Trần Nam cũng cho biết một số bạn trẻ hiện nay khá thụ động trong môi trường học tập, làm việc và kể cả trong cuộc sống thường ngày. Họ sống khép mình trong thế giới riêng của bản thân và rất khó để mở lòng hay kết giao với những người xung quanh. Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ cho biết: “Các mối quan hệ cần được tạo dựng, duy trì bởi cả hai phía cho nên nếu một ai đó đóng chặt lòng mình lại thì sẽ rất khó và có lẽ là không thể để người còn lại kiên trì. Xã hội vẫn còn rất nhiều người tốt và đồng điệu về tính cách, quan điểm sống với chúng ta nên nếu bạn không chủ động, bạn bè của bạn sẽ dành thời gian cho những mối quan hệ khác”. Là người đảm nhiệm vai trò giảng viên môn Truyền thông và giao tiếp, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ông vẫn thường khuyến khích sinh viên dành thời gian cuối tuần cho việc ra phố, hẹn gặp bạn bè, đi nhà sách hay làm những công việc xã hội có ý nghĩa. “Những việc như thế sẽ giúp chúng ta cảm nhận mình tồn tại, mình có ích và tích lũy dần dần vốn xã hội vốn rất cần thiết khi đi làm, hòa mình vào cuộc sống đa sắc." - Ông chia sẻ. Bên cạnh đó, ThS. Trần Nam cũng nhấn mạnh vấn đề “trải nghiệm an toàn” trong những chuyến đi phượt, tổ chức dã ngoại theo hội nhóm của người trẻ liên quan đến các yếu tố: phương tiện, thiết bị bảo hộ, sức khỏe, kĩ năng,…"Đừng phó mặc bản thân mình cho những cảnh huống thiếu an toàn vì bạn là duy nhất, là vô giá đối với gia đình." - ông chia sẻ.
Nhìn chung, vấn đề thiết lập mối quan hệ, đặc biệt ở nhóm người trẻ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc tạo dựng một tương tác có ý nghĩa, có giá trị sẽ giúp mỗi người hoàn thiện về kĩ năng, tính cách,… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. “Chúng ta đang sống trong một thế giới mạng lưới chằng chịt, phức tạp và đầy thú vị. Điều này giúp chúng ta rất nhiều về mọi phương diện. Hãy sống cuộc đời có ý nghĩa nhất vì nó chỉ có một lần”. - ThS. Trần Nam nhắn nhủ
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |