Yên Thế là huyện miền núi nằm ở phía tây bắc của tỉnh Bắc Giang, có diện tích tự nhiên 303km2; bắc giáp huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên, nam giáp huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang, đông giáp huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn và Lạng Giang tỉnh Bắc Giang, tây giáp huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên.
Trải qua những biến thiên của lịch sử, sự thay đổi địa giới chung của cả nước, tên gọi và địa giới hành chính huyện Yên Thế cũng có nhiều thay đổi.
Từ khi có dân cư sinh sống đến thời Lý (1009-1225), vùng đất Yên Thế chưa là một đơn vị hành chính riêng mà nằm trong đất Lạng Châu. Đến thời Trần (1225-1400), huyện mang tên là Yên Viễn thuộc lộ Như Nguyệt Giang, khi nhà Minh thống trị huyện đổi tên thành Thanh Yên, thuộc châu Lạng Giang. Thời Quang Thuận nhà Lê (1460-1469), Thanh Yên được gọi là Yên Thế, nằm trong phủ Lạng Giang trấn Kinh Bắc.
Đến thời kỳ đầu nhà Nguyễn, Yên Thế vẫn giữ hiện trạng đó. Từ năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) trực thuộc phân Phủ Lạng Giang. Đầu thế kỷ XX phủ Yên Thế gồm 10 tổng, trừ tổng Yên Thế đã biến mất và thêm 03 tổng khác là Hương Vỹ, Hữu Thượng (trước thuộc huyện Hữu Lũng) và Ngọc Cục (trước thuộc huyện Yên Dũng). Theo danh mục các làng xã Bắc kỳ (1927) và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ (đầu thế kỷ XX), huyện Yên Thế gồm 10 tổng. Trước năm 1945, Yên Thế là một phủ nằm trong tỉnh Bắc Giang, địa giới bao gồm cả 2 huyện Yên Thế và Tân Yên ngày nay.
Năm 1957, theo Nghị định số 532-TTg ngày 6/11/1957 của Thủ tướng Chính phủ huyện Yên Thế chia thành 02 huyện Yên Thế và Tân Yên. Đến nay huyện Yên Thế có 19 xã và 02 thị trấn là: Xuân Lương, Canh Nậu, Tam Tiến, Đồng Vương, Đồng Tiến, Tiến Thắng, An Thượng, Tân Hiệp, Tam Hiệp, Hồng Kỳ, Phồn Xương, Đồng Lạc, Tân Sỏi, Đồng Kỳ, Đồng Hưu, Hương Vỹ, Đông Sơn, Bố Hạ, Đồng Tâm, thị trấn TT Cầu Gồ và thị trấn Bố Hạ.
Địa lý tự nhiên của Yên Thế gồm hai phần: Vùng rừng núi và trung du. Yên Thế có nhiều sông ngòi trong đó có các con sông lớn là sông Thương, sông Sỏi; sông Thương đồng thời là đường ranh giới giữa huyện Yên Thế và huyện Lạng Giang. Ngoài hai con sông lớn trên, ở Yên Thế còn có rất nhiều con suối, ngòi lớn nhỏ chạy đan xen giữa các vùng.
Yên Thế là vùng đất có con người tụ cư sớm; Trải qua những thăng trầm, biến động của lịch sử, con người nơi đây đã chứng kiến bao cảnh hợp tan và từ những thế kỷ XVIII – XIX; nhất là từ đầu thế kỷ XX đến nay, Yên Thế lại là miền đất thu hút hội tụ đông đảo cư dân từ các vùng lân cận như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương… tụ cư sinh sống tạo thành những cộng đồng làng bản đan xen gắn bó khăng khít, đoàn kết bảo vệ và xây dựng quê hương Yên Thế giàu đẹp như ngày hôm nay. Hiện nay, Yên Thế có trên 10 vạn người gồm 14 dân tộc anh em chung sống.
Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, vùng đất Yên Thế đã trở thành một bộ phận không thể thiếu được có những đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại các cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc như: Chống quân xâm lược Tống thế kỷ thứ XI, quân xâm lược Nguyên - Mông, cuộc kháng chiến chống quân Minh, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi - Nguyễn Trãi mà đỉnh cao là chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 và sau nay là chống giặc cờ đen, cờ vàng…
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám đã cùng nhân dân Yên Thế dựng cờ khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp ngót 30 năm (1884 -1913). Khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược được đánh giá là một cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, bền bỉ nhất trong phong trào vũ trang chống Pháp của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX trước khi có Đảng. Suốt 30 năm chiến đấu, nghĩa quân đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, điển hình là các trận ở Cao Thượng (06-11-1890), Hố Chuối (22-11-1890), Phồn Xương (29-12-1895)...Cuộc khởi nghĩa phát triển khá sâu rộng và có sức ảnh hưởng lớn không chỉ ở trong vùng Yên Thế mà còn lan sang cả các vùng khác trong cả nước. Nhằm đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế, thực dân Pháp đã tập trung vào đây một lực lượng đông đảo các tướng, tá, binh lính cũng như vũ khí, đạn dược hòng dập tắt cuộc khởi nghĩa. Trong các trận đánh có sự tham gia chỉ huy của toàn quyền Đông Dương Pônđume, thống xứ Bắc Kỳ Moren, 3 thiếu tướng, 4 đại tá, 30 thiếu tá, hàng ngàn sĩ quan và trên 48.000 lượt lính với đầy đủ các quân binh chủng và cùng nhiều phương tiện vũ khí hiện đại...
Cuộc khởi nghĩa của Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám dần đi đến thất bại và kết thúc, nhân dân Yên Thế lại sớm tham gia phong trào cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương phát động. Năm 1940, nhân Ngày quốc tế Lao động 1-5, cờ đỏ búa liềm đã xuất hiện ở Phồn Xương, Tổ Cú (Tân Hiệp) báo hiệu một bước ngoặt cách mạng mới. Tháng 9-1944, Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang đã quyết định thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Yên Thế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kể từ đây cơ sở cách mạng ở Yên Thế đã có những thay đổi với nhiều hình thức hoạt động phù hợp, đáp ứng được được những đòi hỏi của thực tiễn, biết cách bám rễ phát triển, chuẩn bị điều kiện tốt nhất khi thời cơ đến để vùng lên giành chính quyền.
Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp (1945-1954), cùng với quân dân cả nước, quân và dân Yên Thế đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh và đã giành được thắng lợi vẻ vang, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ghi tiếp những chiến công chói lọi vào trang sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Sau gần 3.000 ngày đêm chiến đấu không mệt mỏi, với lời thề “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân Yên Thế đã chiến đấu, chiến thắng, chấm dứt gần một thế kỷ cai trị của thực dân và hàng ngàn năm thống trị của phong kiến.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Thế đã đoàn kết một lòng, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, gần 6.000 nam nữ thanh niên đã lên đường nhập ngũ, đi khắp các chiến trường đánh giặc, có gia đình cả cha, con cùng lên đường đi chiến đấu. Trong các cuộc kháng chiến huyện Yên Thế có 1.085 liệt sĩ, 609 thương binh, 340 bệnh binh. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có: 4 Huân chương lao động (hạng nhì, ba); 14 Huân chương kháng chiến; 2 Huân chương Quân công; 3 Anh hùng lực lượng vũ trang; 59 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 6.443 huân chương, huy chương Kháng chiến cho các cá nhân. Lực lượng vũ trang huyện Yên Thế và xã Tam Tiến được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Không chỉ có truyền thống chống giặc ngoại xâm, người dân Yên Thế còn có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lao động cần cù, sáng tạo. Quá trình phát triển, khai phá và cải tạo đất đai, những cư dân nơi đây đã tạo ra nhiều cánh đồng màu mỡ đồng thời tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng và khai thác rừng. Nhiều sản phẩm ở Yên Thế xưa đã trở nên nổi tiếng, trong đó phải kể đến cam, quýt Bố Hạ. Hiện nay, ở Yên Thế có vải thiều, chè, thuốc lá, mật ong, rừng kinh tế và “Gà đồi Yên Thế”... đã trở thành hàng hóa cho giá trị khá cao.
Người dân Yên Thế không chỉ giỏi trong sản xuất, mà còn khá thành thạo việc buôn bán. Từ xưa thị trấn Bố Hạ là một nơi sầm uất, trung tâm trao đổi hàng hóa với các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, sang Kép, Cao Thượng, Nhã Nam, Cầu Gồ... hoặc xuống Vôi, Bắc Giang. Bước vào thời kỳ mới, ngoài thị trấn Bố Hạ, Yên Thế còn có thị trấn Cầu Gồ là trung tâm hành chính của huyện và một số thị tứ mới hình thành, ở đó các hoạt động thương mại phát triển mạnh mẽ, là trung tâm giao lưu kinh tế - văn hóa.
Là một vùng đất cổ, sớm có con người đến định cư do đó cuộc sống tinh thần của người dân Yên Thế phong phú và đa dạng, biểu hiện qua các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian mà sự phản ánh rõ nét nhất được thể hiện qua các lễ hội, tiêu biểu như: Lễ hội chùa Tân Sỏi ngày 15 tháng Giêng (âm lịch); lễ hội Hội đền Cầu Khoai ngày 23 tháng Giêng (âm lịch); lễ hội đình chùa Hương Vỹ ngày 25 tháng Giêng (âm lịch); hội đình chùa Bố Hạ ngày 15 tháng Hai (âm lịch); hội vùng Bo (Đông Sơn) ngày 14 tháng Hai (âm lịch); lễ hội chùa Thông ngày 14 tháng Ba (dương lịch); lễ hội chù Lèo, lễ hội đình chùa Dĩnh Thép ngày 15 tháng Ba (dương lịch); trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến lễ hội Phồn Xương xưa và nay (Lễ hội Yên Thế ngày 16 tháng Ba dương lịch) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Nhiều công trình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh: Đình - chùa Bố Hạ, đình - chùa Hương Vỹ, đình Đông Kênh, đình Bo Chợ (Đông Sơn) đặc biệt 09 điểm di tích lịch sử những điểm khởi nghĩa Yên Thế là: Đình Dĩnh Thép, Chùa Lèo, Đền Thề, Hố Chuối, Chùa Thông, Đồn Phồn Xương, Đồn Hom, Động Thiên Thai (Đền thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm), đền Cầu Khoai.
Tiếp nối truyền thống quê hương Yên Thế anh hùng, ngày nay trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế luôn đoàn kết, thống nhất giành được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực… Nền kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng, sản xuất nông - lâm nghiệp tăng mạnh cả về năng suất và sản lượng là một trong những huyện dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế đồi rừng và đàn gia cầm, trong đó sản phẩm Gà đồi Yên Thế đạt top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2015. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và t
hương mại dịch vụ có bước phát triển mới, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ngày càng hiện đại. Cơ sở hạ tầng của nền kinh tế được đầu tư lớn và có sự cải thiện rõ nét. Hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc được đầu tư phát triển khá mạnh. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX, Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ huyện, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất hàng hóa hàng năm đạt khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; an ninh lương thực được đảm bảo. Nhiều hạng mục công trình của hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị, nông thôn được đầu tư xây dựng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; quản lý điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được nâng lên. Năm 2014, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Những kết quả đó đã tăng thêm niềm tự hào, phấn khởi và lòng tin của nhân dân vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới làm tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.