Huy Cận (1919 - 2005), là nhà thơ nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập thơ Lửa thiêng (1940). Trước Cách mạng tháng Tám,thơ ông giàu chất triết lí, thấm thía bao nỗi buồn, tràn ngập cái sầu nhân thế. Sau Cách mạng, ông tiếp tục có nhiều cống hiến quan trọng trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Thơ Huy Cận giai đoạn này dạt dào niềm vui, là bài ca vui về cuộc đời, là bài thơ yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là một trong những tác phẩm thể hiện rõ ràng nhất phong cách thơ ấy.Cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Niềm vui dạt dào tin yêu trước cuộc sống mới đang hình thành, đang thay da đổi thịt đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của thơ ca lúc bấy giờ, nhiều nhà thơ đã đi tới các miền đất xa xôi của Tổ quốc để sống và để viết: miền núi, hải đảo, nhà máy, nông trường… Năm 1958, Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi ấy, hồn thơ của ông mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.Bài thơ có hai nguồn cảm hứng lớn, song hành, hài hòa và trộn lẫn vào nhau. Đó là cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ và cảm hứng về con người lao động trong cuộc sống mới. Sự thống nhất của hai nguồn cảm hứng ấy được thể hiện qua kết cấu và hệ thống thi ảnh trong bài. Về kết cấu, thời gian của bài thơ là nhịp tuần hoàn của vũ trụ ( từ lúc hoàng hôn đến lúc bình minh) cũng là thời gian hoạt động của đoàn thuyền đánh cá ( từ lúc ra khơi đến khi trở về). Không gian của bài thơ là một không gian lớn lao, kỳ vĩ với trời,biển, trăng, sao, sóng, gió; cũng là không gian của cảnh lao động.