Em bé thông minh là một trong những truyện cổ tích đặc sắc. Nổi bật trong truyện là nhân vật em bé thông minh được xây dựng nhằm đề cao trí thông minh được đúc kết từ kinh nghiệm trong thực tế đời sống.
Nhân vật em bé thuộc kiểu nhân vật thông minh trong truyện cổ tích. Tác giả dân gian đã đặt nhân vật vào nhiều thử thách để làm nổi bật lên phẩm chất tốt đẹp. Nhân vật này không có tên gọi cụ thể, chỉ được gọi một cách phiếm chỉ “em bé”, “cậu bé”, “em”... Điều này cho thấy đây chỉ là một nhân vật mang tính đại diện.
Sự thông minh của em bé được bộc lộ qua các lần giải câu đố. Mỗi lần, thử thách lại càng tăng lên về độ khó, câu trả lời của em bé lại càng tài tình và thuyết phục hơn. Ở câu đố đầu tiên, người ra đề là một viên quan theo lệnh nhà vua đi tìm người tài giỏi. Đến một làng nọ, quan thấy hai cha con đang cày ruộng, liền hỏi người cha: “Trâu của ông cày được bao nhiêu đường một ngày?”. Trong khi người cha chưa biết trả lời thế nào, đứa con đã nhanh nhảu nói: “Thế xin hỏi ông câu này đã. Nếu ông trả lời đúng ngựa của ông đi một ngày được mấy bước, tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi cày một ngày được mấy đường”. Cách trả lời dùng gậy ông đập lưng ông cho thấy sự khôn khéo của cậu bé tuy còn nhỏ tuổi. Viên quan sau khi nghe xong câu trả lời, cảm thấy mừng thầm vì đã tìm được người tài, liền trở về báo cho nhà vua.
Lần này, thử thách tiếp theo được đặt ra bởi nhà vua. Câu đố được đặt ra cũng sẽ khó hơn. Nhà vua sai ban cho dân làng của cậu bé ba con trâu đực cùng ba thúng thóc với yêu cầu là nuôi trâu sau ba năm đẻ thành chín con. Người dân trong làng đều cảm thấy lo lắng, không biết giải quyết thế nào. Trước hoàn cảnh đó, cậu bé lại tỏ ra bình tĩnh. C ậu bé nói với cha hãy bảo dân làng giết thịt hai con trâu và đồ hai thúng gạo nếp lên để mọi người ăn một bữa cho sướng miệng. Còn một con trâu và một thúng gạo nếp bán đi lấy tiền làm lộ phí cho hai cha con trẩy kinh lo liệu việc của làng. Đ ến hoàng cung, cậu bé khóc lóc ầm ĩ khiến nhà vua phải cho người gọi vào. Cậu đã đưa ra câu chuyện cha không thể đẻ em bé để thuyết phục vua hiểu rõ lí do trâu đực không thể đẻ con. Cách xử lí của cậu bé khiến cho nhà vua phải khâm phục.
Nhà vua tiếp tục đưa ra lời thách đố tiếp theo. Lần này, câu đố thật oái oăm. Vua bắt cậu bé chuẩn bị một mâm cỗ chỉ với nguyên liệu là một con chim sẻ. Cậu bé đã dùng một yêu cầu tương tự để trả lời câu đố của vua. Cậu bé đưa cho sứ giả một cái kim rồi nói: “Ông cầm cái kim này về tâu với vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim”. Lần này, nhà vua hoàn toàn bị thuyết phục bởi tài năng của cậu bé thông minh và cho ban thưởng rất hậu hĩnh.
Thử thách cuối cùng cũng là thử thách khó khăn nhất. Hồi đó, có một nước láng giềng lăm le muốn chiếm nước ta. Để dò xem nước ta có nhân tài hay không, họ sai sứ thần nước họ đưa sang một cái vỏ ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu, đố làm sao xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc. Quan lại trong triều đều bó tay trước câu đó, duy chỉ có cậu bé thông minh là giải đáp được:
“Tang tình tang! Tang tình tang!
Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng,
Bên thời lấy giấy mà bưng,
Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang
Tang tình tang…”
Câu trả lời của cậu bé đã giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ bị xâm lược. Chính vì vậy, cậu bé đã được nhà vua phong làm trạng nguyên, rồi cho xây dựng thự cạnh hoàng cung để cậu bé ở đó, tiện hỏi han. Đây là một kết thúc của truyện có hậu, là phần thưởng xứng đáng mà cậu bé nhận được.
Tuy còn nhỏ tuổi nhưng cậu bé vẫn bình tĩnh, nhanh trí tìm ra cách giải quyết những thử thách mà chưa chắc người lớn nào đã làm được như cậu. Điều đó chứng tỏ cậu không chỉ thông minh mà cũng rất bản lĩnh. Lời giải đố của nhân vật này dựa vào kiến thức từ đời sống. Qua đó, tác giả dân gian muốn khẳng định rằng những kiến thức đến từ thực tế sẽ giúp chúng ta có được kinh nghiệm để giải quyết những tình huống mà trong sách vở không có.
Em bé trong truyện “Em bé thông minh” là nhân vật tiêu biểu cho kiểu nhân vật thông minh trong các truyện cổ tích. Qua nhân vật này, tác giả dân gian cũng muốn gửi gắm nhiều bài học giá trị.