Giai đoạn này, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Trong hệ thống chính trị Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm: Hệ thống chuyên chính vô sản ở miền Bắc và hệ thống chính trị cách mạng ở miền Nam. Miền Bắc có các tổ chức thành viên cơ bản như: Nhà nước Việt Nam; các đảng chính trị; các tổ chức chính trị - xã hội.
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị giai đoạn này có những điểm thay đổi sau đây:
Thứ nhất, so với giai đoạn trước, hệ thống chính trị nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1954 -1975 có nhiều thay đổi, tiếp tục được củng cố, kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, từ thể chế Đảng, thể chế Nhà nước đến thể chế Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, giai đoạn này, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước bước đầu được xác định rõ ràng, cụ thể hơn. Đó là, tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều thuộc về Nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và HĐND các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội, HĐND các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ.
Thứ hai, giai đoạn này, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, trong việc tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh của toàn dân, toàn quân.