Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương (1870-1907), sinh ra và lớn lên tại số nhà 247 phố Hàng Nâu thành phố Nam Định, ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam. Thơ của ông mọi người chú ý tới bởi sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình. Trong tác phẩm của ông hầu hết nội dung đều nói về khoa cử, nho học và hình ảnh một nền nho học đang thoái hóa và cảnh nghèo khó của dân trong hoàn cảnh đất nước. Ngoài ra, ông còn nổi tiếng là thể loại trào phúng, châm biếm chế độ phong kiến mục nát, bọn thực dân Pháp tàn ác, quan lại, tay sai cho giặc. Ông luôn đứng về phía người dân nghèo. Những tác phẩm tiêu biểu: Vịnh khoa thi Hương, Giễu người thi đỗ, Ông cò, Phường nhơ, Thương vợ, Văn tế sống vợ,...Tiêu biểu cho thơ văn của Trần Tế Xương ta có thể kể đến bài thơ “Đất Vị Hoàng”.
Vị Hoàng là tên cũ của làng quê Tú Xương, đó cũng là tên dòng sông đào chảy qua làng. Sông Vị trước năm 1894 có vị trí đặc biệt với tỉnh Nam Định và cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lúc chưa có cảng biển Hải Phòng, Nam Định là đầu mối giao thông lớn nhất nhì miền Bắc như giờ, họ không thể thiếu con sông Vị. Vì thế, đất Vị Hoàng vừa chỉ làng quê nhà thơ, vừa chỉ cả thành Nam, tỉnh Nam Định. Qua sự thay đổi làng quê của mình, tác giả cảm nhận được số phận chung của cả đất nước khi đó. “Đất vị Hoàng” là bài thơ được viết theo bút pháp trào phúng, qua đó thấy được nỗi đau xót phẫn uất, bất bình trước hoàn cảnh thay đổi của xã hội. Bài thơ đã phơi bày những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, suy thoái đạo đức xã hội một cách đầy đủ, đồng thời nhà thơ bộc lộ sự đau xót trước sự thay đổi đó.
Hai câu đề đã được Tú Xương gợi hoàn cảnh đã dẫn đến vùng quê Đất Vị Hoàng có nhiều thay đổi
“Có đất nào như đất ấy không?
Phố phường tiếp giáp với bờ sông”
Làng quê xưa của Tú Xương sinh sống nay đã trở thành một chốn đô thị phồn vinh. Ngay câu thơ đầu tiên tác giả đã sử dụng câu hỏi tu từ“ Có đất nào như đất ấy không”, câu hỏi không đợi để trả lời, khiến độc giả phải tự đặt câu hỏi : Phải chăng sự thay đổi quá nhanh đã khiến cho mảnh đất chôn nhau cắt rốn trở nên xa lạ, tạo ra cho con người một sự xa cách đến bất ngờ. Bằng những câu thơ tả thực Tế Xương đã vẽ ra những gì mà tác giả chứng kiến có một thứ gì đó chua xót đọng lại trong tâm hồn của người và đáng thương thay vùng đất nơi mà quê hương của tác giả cũng là cách để nói lên thực trạng của đất nước Nam mình. Dùng câu hỏi tu từ để nổi bật sự ngỡ ngàng trước đổi thay, sự lạ lẫm ở mảnh đất vốn thân quen, đó chính là sự xuất hiện của những “phố phường tiếp giáp với bờ sông” Vị Hoàng, đây cũng là dấu hiệu của một cuộc sống mới, của một lối sống mới mà người Pháp đang xây dựng ở trong xã hội ta.
Nhà thơ khắc họa bức biếm họa nhị bình đăng đối, với bao vết ố, nét nhơ ghê tởm, đặc tả sự đồi bại về luân thường đạo lí được thể hiện qua hai đâu thực
“Nhà kia lỗi phép con khinh bố,
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng."
Hiện thực xấu xa, đau lòng được Tế Xương phơi bày.. Cách dùng “nhà kia, mụ nọ ” vừa ám chỉ vừa vạch mặt chỉ tên đầy khinh bỉ trước những cảnh đời xấu xa vô đạo. Có cảnh nhà "lỗi phép": con cái bất hiếu "Con khinh bố" và cảnh mâu thuẫn giữa vợ chồng: ”vợ chửi chồng”. Có lẽ vì đồng tiền mà đồi bại đến cùng cực khiến hai mối quan hệ gia đình: tình phụ tử, nghĩa phu - thê đã trở nên nhem nhuốc vô cùng. Qua hai câu thơ của nhà thơ Trần Tế Xương ta có thể thấy xã hội đó đã để đồng tiền vượt lên trên tất cả các chuẩn mực đạo đức.
Qua hai câu luận tác giả đã khắc họa sự thay đổi trong chính con người, nó hiện ra với đủ mọi tính cách xấu xa, bần tiện, hôi hám:
“ Keo cú người đâu như cứt sắt
Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng”
Với một lối viết mạnh rạn, và ngôn ngữ bình dị, ông đã tạo cho người đọc cái nhìn mới mẻ và có nhiều ý nghĩa về cuộc sống khi tại chính vùng đất nơi đây lại xuất hiện nhiều những sự việc lạ lùng và mang nhiều ý nghĩa đến như thế. Ở cái đất Vị Hoàng thuở ấy nhan nhải những loại người “keo cú” và “tham lam”, tồn tại những con người tham lam và có sự ích kỉ lớn. Hàm ý đầy khinh bỉ “cứt sắt” ví người keo kiệt, bủn xỉn hết mức. Hai câu thơ sử dụng phép đối “như cứt sắt” với “rặt hơi đồng” đã nhấn mạnh những thói hư, tật xấu của con người, qua đó thể hiện nỗi đau xót của Tú Xương, làm cho lời thơ thêm cân xứng, hài hòa. Tác giả sử dụng phép so sánh: “người đâu như cứt sắt” sao mà đáng sợ vậy ! Lại có loại người “tham lam” đến cùng cực như vậy, nhịp sống cuộc đời họ chỉ là chuyện tiêu cực xung quanh những thử bủn xỉn. Đảo ngữ “keo cú”, “tham lam” lên đầu để nhấn mạnh, tạo nên nhịp điệu dữ dội, khinh bỉ, một tiếng chửi đời cay độc, lên án loại người tham lam, keo cú. Tình cảm quanh giữa con người với con người không còn là chút tình nghĩa và sự yêu thương nữa mà khô cứng như thép, vụ lợi lẫn nhau. Qua hai câu luận, Tế Xương đã vạch trần nét tiêu cực trong tính cách con người trong thời đô thị hóa ở làng Vị Hoàng thời đó .Trong xã hội đó con người chỉ biết đến lợi ích cho bản thân mình, con người sống với nhau bằng lí tính thì xã hội đang trên đà suy vong, bởi xét cho cùng cuộc sống như vậy có hơn cuộc sống của những con vật và có khả năng tuyệt chủng là bao?
Mỗi độc giả có lẽ đọc đến hai câu thực cũng thấu hiểu về tình cảnh và nỗi lòng của nhà thơ:
“Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh,
Có đất nào như đất ấy không?”
Tác giả đã sử dụng nghệ thuật mở đầu - kết thúc dưới hình thức câu hỏi tu từ nghẹn ngào cất lên như một lời đay nghiến, vừa xót xa đau đớn. Tác giả Tú Xương đã thể hiện thái độ bất mãn, phẫn nộ trước cảnh tượng, lề lối đạo đức suy đồi, phép tắc gia đình đảo lộn, xã hội ngập tràn những xấu xa, bần tiện. Câu hỏi “Có đất nào như đất ấy không ?” tác giả Tế Xương không dành riêng cho người dân làng quê Vị Hoàng, mà đó còn là câu chuyện xã hội của cả đất nước lúc bấy giờ. Chính hai câu thơ kết bài này đã mở rộng thêm tầm tư tưởng tình cảm của bài thơ.
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngồn bát cú Đường luật. Với giọng điệu chủ đạo của bài thơ trào phúng này xuất phát từ cái gốc trữ tình, mang đến sự thấu cảm đau đớn, xót xa của tác giả đến với độc giả. Câu mở đầu và kết thúc đều là câu hỏi tu từ “Có đất nào như đất ấy không?”, Tú Xương hỏi mà nghe chua xót đến chạnh lòng biết bao trước những cảnh xã hội thay đổi tiêu cực, còn đâu hình ảnh đẹp một thời, để người ta nhớ và tự hào như xưa. Bài thơ đã phê phán những thói hư tật xấu thối nát như tham lam, bất hiếu, keo kiệt.
Tú Xương kịch liệt lên án, tố cáo những thói hư tật xấu của con người lúc bấy giờ, phê phán những con người vì đồng tiền mà làm mất đi giá trị bản thân, giá trị đạo đức con người và xã hội. Thể hiện nỗi đau đớn trước hiện thực đất nước, đồng thời còn thể hiện lòng yêu nước thầm kín mà mãnh liệt của Tú Xương
Như vậy bài thơ “Đất Vị Hoàng” là một bài thơ trào phúng đặc sắc, tiêu biểu của Trần Tế Xương. Bài thơ vô cùng xuất sắc ngắn gọn với kết cấu đường luật chặt chẽ cùng bút pháp hiện thực đã giúp ta cảm thấy được những thay đổi tiêu cực của vùng đất Vị Hoàng, đồng thời giúp độc giả thấu hiểu được những điều đã xảy ra ở xã hội thời đó thật tiêu cực, càng cho ta thêm cảm phục tấm lòng lo lắng cho quê hương, đất nước của chính nhà thơ.