Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi bằng cách khoanh tròn vào chữ cái trước phương án trả lời đúng (từ câu 1 đến câu 8):
(1) Cha tôi mất là bắt đầu thời suy của gia đình tôi. Mẹ tôi buồn khổ nhưng không than thở, không thất vọng, âm thầm chống với nghịch cảnh. Người lại đi bán hàng, tôi lại đi học, không có gì thay đổi, chỉ khác có thêm bàn thờ của cha tôi và dải khăn sô trên đầu mẹ tôi. Trước kia mọi việc trong nhà như cúng giỗ, giao thiệp với họ hàng bên nội bên ngoại, thu tiền nhà, cha tôi lo hết; nay mẹ tôi phải đảm đương lấy, bà ngoại tôi đi chợ nấu cơm, giặt giũ, săn sóc bốn anh em tôi, mà em út tôi lúc đó chắc mới thôi bú.
(2) Người ra đi từ mờ đất, mùa đông cũng như mùa hè, ngày mưa cũng như ngày nắng, ra bến sông ở gần Cầu Đất cách nhà tôi độ một cây số, đón ghe để mua trái cây: dưa hấu, dứa, bưởi, mía... tùy mùa, rồi thuê xe kéo chở về chợ Đồng Xuân, chia lại cho bạn hàng để lấy chút huê hồng, còn thì bán buôn cho những người ở những chợ nhỏ, cũng bán lẻ nữa. Bốn giờ chiều tan chợ, người nghỉ bán, đi đòi tiền bạn hàng thiếu, tối mới về tới nhà, lâu lâu đội về một thúng gạo. Có hồi đội về một thúng lạc để bóc vỏ thuê cho người ta: cả nhà ăn cơm xong, xúm lại bóc độ một giờ là xong, tiền công không biết được bao nhiêu, lợi là vỏ lạc về mình để đun bếp, đỡ mua củi. Mùa hè, anh em chúng tôi đi lượm những quả bàng chín, vụng về phơi khô, bửa hột ra, lấy nhân ăn bùi, béo hơn lạc, còn cùi cũng để đun bếp; cuối thu, lá bàng rụng, chúng tôi lượm về cùng thúng. Khi bà cháu, anh em làm chung thì chỉ thấy vui và thương yêu nhau chứ không thấy khổ. [...]
(3) Mẹ tôi cũng lo việc học cho chúng tôi, có ai đâu để nhờ cậy? Tôi còn nhớ buổi trưa hôm đó, không rõ là ngày thất tuần hay trăm ngày của cha tôi, mẹ tôi bung một cái quả (thứ tráp lớn, tròn) đựng xôi và thịt quay, cùng với tội ngồi xe lại nhà thầy giáo tôi ở trên một gác nhỏ, khu hàng Bún để biếu thầy, và kể tình cảnh mẹ goá con côi của chúng tôi, nhờ thầy săn sóc sự học của tôi. Người lại tìm thầy dạy vần Quốc ngữ và vần Tây cho em trai tôi để sau xin cho nó vào học lớp Năm cũng trường Yên Phụ.
(4) Hơn nữa, người còn cho tôi, con trưởng, thỉnh thoảng có dịp nào tiện thì về thăm quê nội ở Phương Khê. [...] Sau khi đoạn tang chồng, mẹ tôi nhân dịp Tết, người lại đưa tôi và em út tôi về Phương Khê nữa. Như vậy là phải nghỉ bán hàng sáu ngày vì đi đường mất hai ngày, về mất hai ngày rồi. Tết nào không về được thì người gởi biếu bác Hai tôi trái cây, đồ nấu, hương thơm, trà mút để cùng tổ tiên, y như hỗi cha tôi còn sống, không thay đổi gì cả. Trên bàn thờ cha tôi thì tết nào cũng có hai giò thủy tiên đặt trong hai cái cốc quá bằng thủy tinh như trước chỉ khác thủy tiên không đẹp bằng vì mua ở chợ chiều 30 tết cho rẻ.
(Cảnh nhà sau khi cha tôi mất, trích chương IV, hồi kí Nguyễn Hiến Lê)
Câu 1: Đoạn trích trên cùng thể loại với văn bản nào sau đây?
A.Trong lòng mẹ (Nguyên Hồng)
B. Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ (Nguyễn Đăng Mạnh)
C. Đồng Tháp Mười mùa nước nổi (Văn Công Hùng)
D. Về thăm mẹ (Đinh Nam Khương)
Câu 2: Văn bản trên kể theo ngôi thứ mấy và tác dụng của ngôi kể trong việc thể
hiện cảm xúc của nhân vật ?
A. Ngôi thứ nhất – làm cho cảm xúc khách quan, sinh động, lôi cuốn
B. Ngôi thứ ba – làm cho cảm xúc sinh động, lôi cuốn, thuyết phục
C. Ngôi thứ ba – làm cho cảm xúc chân thật, sinh động, lôi cuốn
D. Ngôi thứ nhất – làm cho cảm xúc sâu sắc, chân thật, gần gũi
Câu 3. Câu chuyện được kể theo hồi ức của ai?
A. Nhân vật bà ngoại B. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê
C. Nhân vật người mẹ D. Nguyễn Hiến Lê lúc nhỏ
Câu 4. Các sự việc được kể diễn ra trong khoảng thời gian nào trong cuộc đời tác giả?
A. Khoảng thời gian sau khi cha mất.
B. Khoảng thời gian học trung học
C. Khoảng thời gian đã trở thành nhà văn
D. Khoảng thời gian ở cùng bà ngoại
Câu 5. Câu văn “Mẹ tôi buồn khổ nhưng không than thở, không thất vọng, âm thầm chống với nghịch cảnh.”cho thấy phẩm chất gì của người mẹ?
A. Yếu đuối, giàu tình cảm B. Khéo léo, giàu tình cảm
C. Giàu tình cảm, mạnh mẽ, cứng cỏi D. Mạnh mẽ, lạnh lùng, vô cảm
Câu 6. Hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào trong đoạn văn(2)?
A. Mẹ là người phụ nữ vất vả, đảm đang, tháo vát
B. Mẹ là người phụ nữ giàu tình yêu thương, đức hi sinh.
C. Mẹ là người nhanh nhạy, khôn khéo trong làm ăn.
D. Mẹ bận rộn đến mức thờ ơ, bỏ bê con cái, gia đình.
Câu 7. Câu nào sau đây nêu đúng nhất nội dung chính của văn bản?
A. Kể về nỗi vất vả, bươn chải của mẹ sau khi cha mất.
B. Kể về sự túng quẫn của gia đình sau khi cha mất.
C. Kể lại những lo toan, vất vả, hi sinh của mẹ vì gia đình.
D. Thể hiện sự biết ơn của người con với những hi sinh của mẹ.
Câu 8: Chi tiết nào không thể hiện tính xác thực của câu chuyện được kể?
A. Thời gian sau khi cha mất
B. Buổi tối, sau khi ăn cơm xong, cả nhà xúm lại bóc vỏ lạc.
C. Những địa điểm liên quan đến sự việc: chợ Đồng Xuân, phố Hàng Bún, trường Yên Phụ, Phương Khê.
D. Người tham gia vào sự việc được kể: bà ngoại, thầy giáo, bác Hai
Câu 9: Em hãy chỉ ra và giải thích nghĩa của một thành ngữ trong đoạn văn (3) của đoạn trích.
Câu 10: Trong đoạn trích, người mẹ đã có ứng xử như thế nào với người chồng đã mất, với con cái, với thầy giáo của con và họ hàng? Từ đó, em nhận xét về nhân vật người mẹ trong đoạn trích.
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |