của Trương Nam Hương, lúa và dừa cũng tinh nghịch, hồn nhiên như các bạn nhỏ, cũng “bá vai”, “cầm gió” rong chơi giữa đất trời cao rộng. Nhờ vậy biện pháp nhân hóa ở đây thực sự phát huy hiệu quả nghệ thuật, làm cho các sự vật vô tri như có tâm hồn, có những hành động trong sáng và hồn nhiên rất đáng nhớ: "Lúa bá vai nhau chạy miết/Dừa cầm gió lọt kẽ tay/Mây trốn đâu rồi chẳng biết/Chiều lo đến tím mặt mày!".
Không gian mùa thu qua bốn khổ thơ trên với rất nhiều cảnh vật mang vẻ đẹp của làng quê Việt Nam thanh bình, hồn hậu. Từ ánh nắng chiều vàng, dòng sông xanh biếc, bèo lục bình trôi, cánh đồng lúa chín…, tất cả hóa thành bức tranh tuyệt đẹp “lặn vào ngòi bút” của bạn nhỏ đang say mê phác họa buổi chiều thu “rung động tâm tư”. Quả vậy, làm sao không xúc động, không rung cảm khi cảnh sắc mùa thu đẹp đến ngỡ ngàng, lắng sâu vào tâm hồn tuổi nhỏ: "Không gian lặn vào ngòi bút/Bé ngồi phác họa mùa thu/Quê hương hiện lên đậm nét/Buổi chiều rung động tâm tư".
"Chiều thu quê em" là bài thơ thật hay của tác giả Trương Nam Hương. Qua bức tranh mùa thu thơ mộng, yên bình, nhà thơ đã bồi đắp cho mỗi chúng ta tình yêu thiết tha với quê hương, đất nước. Mai này dù đi đâu về đâu, nhưng những ký ức tuổi thơ, những vẻ đẹp nơi làng quê xưa cũ vẫn “hiện lên đậm nét”, vẫn “rung động tâm tư” làm lòng ta xao xuyến khi nhớ về.