“Người ta hay nhắc đến mang nặng đẻ đau. Có những quá trình không phải hoài thai, nhưng rất khổ đau và nặng nhọc đèo bòng” (Tờ hoa – Nguyễn Tuân). Người yêu văn và hiểu văn, hay chỉ cần một chút yêu, một chút hiểu là đủ để biết sự ra đời của một tác phẩm chính là cái quá trình được nhắc đến ấy. Bởi văn học, nó không dung chứa bất kỳ một thứ gì tạp chất, nó phải là hạt ngọc giá trị liên thành. Từ lời nữ văn sĩ Ayn Rand khi trích dẫn câu nói của Victor Huygo, hoặc ít hoặc nhiều ta đã có thể hiểu vì sao quá trình nọ rất đỗi gian truân: “Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi”. Văn chương thời xưa được gọi là vẻ đẹp, vật quý, cái đạo của cả trời đất chứ không chỉ của con người. Ta tin thế, nào phải vì sùng bái mù quáng với cổ nhân, mà bởi xưa nay, nhà văn, chủ thể của những tác phẩm văn học vẫn luôn nghe theo tiếng gọi của trái tim mà cần mẫn ngày này qua năm nọ hoàn thành sứ mệnh sàng lọc từ hiện thực cuộc sống và khối đá từ ngữ để tìm ra những hạt bụi vàng. Sau đó, bằng những hình tượng nghệ thuật lấp lánh, người cầm bút đưa tới cho người đọc ô cửa sổ mở nhìn ra một thế giới với đường nét phiêu diêu và sắc diện linh hồn. Có đôi khi ta thấy thất vọng cho ai đó chỉ viết cho thời đại của mình, tức là chỉ hướng ngòi bút tới thời điểm hiện tại. Nói như Aristotle thì điều đó đồng nghĩa với việc chỉ biết quan tâm tới những vấn đề của thế giới như nó đang là (Things as they are). Và cái kết đối với nhà văn đó là sự thực vô cùng tàn nhẫn, đó là phải bẻ bút và vứt nó đi, phải từ bỏ nghề viết, đoạn tuyệt với trùng trùng mộng tưởng trong mối tình say đắm với văn chương. Cây quyền trượng nhiệm màu của người dẫn đường đến với xứ sở cái đẹp gãy đôi, cánh cửa đóng sầm và nhà văn chẳng thể nào đón nhận những ý vị nhân sinh đang mời gọi. Victor Huygo đanh thép khẳng định yêu cầu với người nghệ sĩ và tác phẩm văn học. Nhà văn không những cần viết cho một thời đại, ngợi ca, tôn vinh, đặt ra vấn đề, trả lời câu hỏi cho duy chỉ một thời đại áng văn ra đời mà còn cả những vấn đề, câu hỏi và câu trả lời cho muôn đời sau. Ý kiến ấy, không phải bởi danh tiếng của Huygo mà ta mặc nhiên thừa nhận, ta đồng tình bởi chẳng thể nào phủ nhận rồi. Viết cho thời đại của mình, đó là không phải công việc, mà là sứ mệnh của người nghệ sĩ. Vì trước hết, đối tượng trung tâm của văn học là con người thời đại. Nhiều nhà văn đã thể hiện cùng một nội dung theo nhiều cách diễn đạt. Đặng Thai Mai cho rằng: Con người đến với cuộc sống từ nhiều nẻo đường, trên muôn vàn cung bậc phong phú, nhưng tiêu điểm mà con người hướng đến vẫn là con người. Còn Lưu Hiệp viết trong Văn tâm điêu long: Con người là tinh hoa của ngũ hành, là trung tâm của vũ trụ. Con người có hoạt động tinh thần thì lời nói xuất hiện. Lời nói xuất hiện thì văn sáng lên. Và văn học, không bao giờ nó lặng đi những hồi thanh, dư hưởng từ cuộc sống. Nhắc đến Apollo, hiếm có ai không nghĩ tới mặt trời và ánh sáng, vì đây là vị Thần duy nhất điều khiển được cỗ xe mặt trời. Sẽ không khập khiễng nếu ví những hạt bụi bể giữa lòng đời quan trọng với văn học như Apollo không thể thiếu đi cỗ xe của mình. Bắt rễ từ cuộc đời hàng ngày, văn học mới tạo ra sự sống cho tâm hồn con người. Cây văn học phải bắt rễ từ trong lòng thời đại thì mới có thể nảy nở sinh sôi, đơm hoa kết trái. Tố Hữu viết: Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học. Người nghệ sĩ không thể đứng ngoài mà phải bước vào bên trong (Vương Quốc Duy) thời đại, dốc hết bầu máu nóng trong tim để giao cảm với đời, mở hồn ra đón lấy những vang vọng tha thiết của đời. Hơn ai hết, họ là những người đã khóc cho nỗi đau của thời đại, mỉm cười với những hân hoan của thời đại và am tường mọi vấn đề của thời đại. Con người chỉ có thể vẫy chào cõi thực để vào hư, chứ không thể từ hư quay về thực. Đời người là như thế, văn học cũng như thế. Tác phẩm sẽ yểu mệnh nếu không bám rễ vào mảnh đất hiện thực, không được tưới tắm bởi nguồn nước cuộc đời. Nhưng chỉ viết cho một thời đại thôi, chưa đủ. Văn học không hướng tới những gì vụn vặt phù du trong đời sống hàng ngày, mọi vấn đề trong văn học đều có tính phổ quát để không bị cuốn trôi theo dòng chảy miên viễn của thời gian. Ðó là quyền sống, hay quyền mưu cầu hạnh phúc,… những giá trị vĩnh hằng và chung nhất của đời sống con người. Khi nhà văn có bút lực ấy, tác phẩm sẽ đánh sâu vào ngõ ngách của tâm hồn, vì độc giả biết, nó, trực tiếp hay gián tiếp, đang gõ cửa thời đại mình, giúp người ta đi rộng hơn, sâu hơn vào chính cuộc sống của người ta chứ không phiêu lưu ở phương trời nào vô định. Từng nghe nói nhà văn là người có tầm mắt thấu thị soi tỏ nhân tình, thông suốt hư linh, vậy nên sáng tác đồng thời cũng phải là sáng tạo và định hướng cho con người về tương lai. Nếu chỉ viết cho cái nhất thời, văn học sẽ nhấp nhô theo triều đại bể dâu, theo thời thế biến thiên, không còn thế giới, chỉ còn hoạt cảnh, mất đi con mắt tổng quan. Với những người nghệ sĩ lớn, ngòi bút của họ không bao giờ đóng khung thời đại cho tác phẩm của mình. Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nicolai Ostrovsky ra đời trong hoàn cảnh đất nước Liên Xô gặp nhiều khó khăn. Mang đậm dấu ấn của cuộc Cách mạng tháng Mười, nhưng sở dĩ tác phẩm được coi là thánh kinh mới của thanh niên Xô Viết, còn bởi những phương châm sống tích cực cho mọi con người ở mọi thời đại: Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người… Sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người ấy ngày nay có thể là đấu tranh với nghèo đói, bệnh tật, bóc lột… Nó là nguồn nhựa sống nuôi dưỡng tác phẩm sống mãi dù thời đại thai nghén ra nó đã chết từ lâu. Hay trong Không gia đình của Hector Malot, điểm cuốn hút của nó không chỉ ở cuộc hành trình mở ra trước mắt người đọc phong cảnh, con người Pháp thế kỷ XIX, mà thấm đẫm vào hồn người tinh thần lao động, tự lập, tình bạn, tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau,… những giá trị đạo đức tốt đẹp từ muôn đời nay. Còn trong văn học Việt Nam, tiếng khóc của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Chí Phèo của Nam Cao không bị tiếng pháo và tiếng cười của thời đại mới lấn át hết cả đi, là bởi nó gợi đến những khát khao về quyền được sống, được làm người, nhu cầu bức thiết của nhân loại từ xưa cho tới nay. Ngược dòng thời gian, ta tìm về với các bậc tiền nhân, họ đã dùng ngòi bút của mình như thế nào? Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương viết như sau: Đến Lý, Trần, văn vật mở mang,… văn chương nảy nở như rừng, trứ tác mỗi ngày một nhiều. Nếu chẳng phải trải qua cướp bóc, đốt phá mà hóa tro tàn, thì hẳn là trâu kéo đến toát mồ hôi, chứa đầy đến tận xà nhà. Thời đại nhà Trần với hào khí Đông A đã lùi dần về quá khứ, nhưng Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão vẫn xứng với danh thi cảo trường tồn. Chính cảm hứng về con người và ý thức làm người tài giỏi vừa vang vọng khí thế một thời đại hào hùng, vừa hòa chung với những quan niệm nhân sinh tích cực của mọi thời. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh người anh hùng chiến trận: Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu Tam quân tì hổ khí thôn ngưu Không thể dùng hoàn cảnh sáng tác hay tiểu sử nhà thơ để cắt nghĩa bài thơ nhưng đặt bài thơ vào thời điểm nó ra đời, ta sẽ thấy rõ nét từng vân chữ. Phạm Ngũ Lão viết Tỏ lòng khi đất nước phải đối đầu với kẻ thù vô cùng hùng mạnh, quân Nguyên – Mông đã tàn phá khắp châu Á và một phần của châu Âu. Vấn đề vận mệnh nước nhà không đặt ra cho một người, một nhà, một xóm, một thôn. Đó là vấn đề của cả một dân tộc, mang hơi thở thời đại, kết tinh lại thành hình ảnh người tráng sĩ đang cầm ngang ngọn giáo. Để bảo vệ từng tấc đất giang sơn trước vó ngựa của quân xâm lược, mỗi trang nam nhi cần phải biết đứng lên vì nghĩa lớn, xá chi nắng mưa gian khổ, quản gì mấy độ xuân thu. Việc cách điệu, huyền thoại hóa hình tượng người tráng sĩ thành anh hùng mang tầm vũ trụ, đo đếm bằng chiều kích giang sơn, núi rộng sông dài cũng là để nhắc nhở các trang nam nhi đương thời ý thức về trách nhiệm của mình với tồn vong dân tộc, về vai trò trong việc hợp nên sức mạnh nuốt trôi trâu, át cả sao trời của tam quân. Ngược dòng thời gian về thời Ngô vương dựng cờ khởi nghĩa, hay sau bài thơ mấy trăm năm khi nhân dân ta trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, đâu phải chỉ cần hảo vị trù phương lược mà xong, yếu tố quyết định vẫn là ý thức con người. Chưa bao giờ đất nước không cần nam nhi và bao giờ nam nhi cũng cần góp sức mình cho tổ quốc. Ngay cả lúc này đây, khi đất nước hòa bình, nam nhi vẫn phải ý thức về trách nhiệm ấy, không chỉ trên chiến trường mà ở cả mặt trận tri thức, tiếp thu tinh hoa nhân loại để đẩy con tàu đất nước đi lên. Lời thơ không chỉ âm vang trong một thời nhà Trần mà đồng vọng mãi tới trăm ngàn năm, khi mọi nam nhi vẫn cần tới lòng tự hào tự tôn dân tộc. Trong hai câu thơ sau, Phạm Ngũ Lão nhấn mạnh hoài bão, ý thức của bậc nam nhi với việc lập công danh để đời: Nam nhi vị liễu công danh trái Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu Lập công và lập danh ở đây không phải là thói háo danh tầm thường, mà là để giúp nước giúp đời, khẳng định bản thân. Nguyện ước lập công danh còn trở đi trở lại trong thơ nhiều nho sĩ trí thức đời sau như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Cao Bá Quát, đặc biệt trong thơ Nguyễn Công Trứ: Đã mang tiếng ở trong trời đất Phải có danh gì với núi sông Trong cuộc trần ai, ai dễ biết? Rồi ra mới rõ mặt anh hùng (Đi thi tự vịnh) Nhắc tới chí làm trai, nhắc tới nỗi thẹn với Vũ hầu Gia Cát Lượng, có lẽ Phạm Ngũ Lão muốn thức tỉnh trang nam nhi rằng họ chưa bộc lộ tài năng, chưa lập được nhiều chiến công như Gia Cát Lượng, vậy nên không lý gì lại quanh quẩn nơi xó nhà góc bếp, vui với thói phong nguyệt vô biên, hay nuôi cái mộng làm quan cốt chỉ để vênh váo với người thân như Tô Tần. Thời ấy, lòng nam nhi không mang chí lớn, không ra trận để lập công danh thì nước mất nhà tan, thời nay vẫn chí khí thấp hèn thì không đủ sức giữ trụ ngang sơn không nghiêng lệch. Câu thơ kết có ý nghĩa thức tỉnh ý thức làm người và chí hướng lập công danh của nam nhi, rộng hơn là khả năng tự ý thức về cuộc sống, vị trí, vai trò, sự nghiệp, giá trị của mỗi cá nhân trong xã hội, vấn đề không chỉ của riêng một thời. Ai đó đã nói không quá rằng, có những câu từ được viết ra đã trở thành tiếng nói vang vọng núi sông suốt từ ngàn xưa tới mai sau. Cũng vẫn là vấn đề nhiều thời, nhưng giữa Phạm Ngũ Lão ở thế kỷ XIII và Nguyễn Du ở thế kỷ XVIII lại có sự khác nhau. Có lẽ vì thời đại khác nên mối quan tâm của nhà thơ cũng khác. Văn học Lý – Trần phát triển trong hoàn cảnh đất nước liên tục chống các cuộc xâm lược từ nhiều thế lực thù địch bên ngoài nên tư tưởng trung quân ái quốc và vai trò của con người với đất nước được đặt lên trên hết. Còn tới Nguyễn Du, chế độ phong kiến đã vào lúc suy vong nên nổi bật trong giai đoạn này là tiếng kêu thống thiết đòi quyền hạnh phúc. Độc Tiểu Thanh kí là bài thơ ai oán về quyền sống của người phụ nữ, người nghệ sĩ, những người xứng đáng được trẻ mãi qua muôn đời (Xuân Diệu), nên vấn đề của họ cũng là mối quan tâm không chỉ một thời. Nguyễn Du đã ngược dòng thời gian về khóc cho Tiểu Thanh: Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư Độc điếu song tiền nhất chỉ thư Chi phấn hữu thần liên tử hậu Văn chương vô mệnh lụy phần dư Nhà thơ tiếc nuối trước cảnh đẹp Tây Hồ đã bị thời gian làm cho hoàn toàn biến đổi. Từ quá khứ đến hiện tại là hai cảnh đối lập theo chiều hướng tàn phai, từ có biến thành không, xưa rực rỡ nay thành hoang phế, điêu tàn đến thê lương, cũng như vận mệnh tang thương của Tiểu Thanh. Son phấn và văn chương, hai vẻ đẹp quý giá bao nhiêu thì ứng với hai bi kịch bi thiết bấy nhiêu, bi kịch của người đẹp bị hành hạ đến chết yểu trong cô tịch và bi kịch của người tài bị vùi dập chỉ còn lại mảnh giấy tàn. Nhưng lẽ nào Nguyễn Du đặt ra vấn đề sắc là vô duyên, tài là tội lỗi? Không, nhà thơ đã minh chứng cho câu Thác là thể phách, còn là tinh anh. Người tài hoa có quyền được sống, sức sống bất tử, trường tồn theo thời gian. Son phấn chết đi nhưng cái thần của nó chôn vẫn hận, Tiểu Thanh chết đi nhưng vần thơ cổ nhân lại khó quên, để đến trăm nghìn năm sau vẫn có người đọc Phần dư và nhỏ lệ cho nàng. Đây mới chính là vấn đề được đặt ra và cho tới ngày hôm nay, nó vẫn đúng: cái tài, cái đẹp cần được trân trọng, cần được bảo vệ, người tài hoa cần được sống hạnh phúc, đời sống anh hoa còn mãi chứ không yểu mệnh như Tiểu Thanh khi trước. Xót thương trước cái đẹp bị giày xéo, bị chà đạp, bị bức tử là một cảm hứng hết sức nhân văn. Dù xưa hay nay, con người vẫn luôn cần cho mình những tình cảm đẹp đẽ như thế. Từ oan, hận của một người, nỗi hờn của một người, nhà thơ đã nói đến nỗi hờn kim cổ: Cổ kim hận sự thiên nan vấn Phong vận kỳ oan ngã tự cư Hồng nhan bạc mệnh đâu phải chỉ là một thành kiến để thở than. Bốn chữ đó là tổng kết kinh nghiệm hàng ngàn năm sự đời dưới chế độ phong kiến. Dường như những con người phong vận đã trở thành miếng mồi ngon cho con tạo giày vò, trò đùa của Hoàng Thiên, vậy nên cứ phải chịu nỗi oan lạ lùng, bị vùi dập. Tiểu Thanh xưa như tấm gương ở đó để Thần quyền răn đe những người Có tài mà cậy chi tài, nay Nguyễn Du cũng không thoát khỏi cái án oan khiên. Khi tài năng sớm bộc lộ, từ một công tử trong nhà đại quý tộc, ông rơi vào cuộc sống bần hàn, ăn không đủ no, Chớm lạnh đã hay không áo khổ (Thu dạ, II), ăn nhờ ở đậu nơi đất khách quê người. Trong Bất mị, Nguyễn Du từng bất lực đến nỗi phải Thầm đọc bài ca hỏi trời nhưng Trời cao biết đâu mà hỏi. Từ những kỳ oan của người xưa, ta chợt nghĩ tới số phận người nghệ sĩ tài năng hôm nay. Liệu nỗi oan kim cổ kia đã kết thúc hay chưa, hay nó vẫn còn tiếp diễn mãi. Tâm sự gió mưa của một thế hệ không dành riêng cho bất cứ thời đại nào mà cho mọi thời. Và dường như câu hỏi cuối bài dành riêng cho mai hậu sau này: Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? Dường như có một mối ràng buộc giữa những phận tài hoa sau trước. Tiểu Thanh mất đi ba trăm năm sau có Nguyễn Du hiểu nàng, khóc cho nàng, chẳng biết ba trăm năm sau có ai thân mang tài trác tuyệt hiểu Tố Như, khóc Tố Như? Khóc là thương cảm cùng nhau, thấu hiểu cho nhau, quý hóa lấy nhau. Lời kêu gọi của một trang tài tình, nghe êm ái như tiếng chim cô lẻ bóng, thật ngậm ngùi xót xa. Và câu hỏi ấy đã không giam mình trong thắt buộc ngặt nghèo của thời gian, nó vượt thời đại để tìm được câu trả lời: Số phận người, xưa Anh ước mơ Rõ ràng trước mắt chẳng còn ngờ… Ba trăm năm… tính chưa đầy nửa Cả cuộc đời nay hiểu Tố Như (Nhớ Tố Như – Huy Cận) Dù viết về ai, về cái gì, về tình yêu thương cao cả, hay lòng hận thù, sự ích kỷ, nhỏ nhen, viết về một thời rồi vươn tới muôn thời, người nghệ sĩ đều phải ý thực được sứ mệnh cao cả của ngòi bút là sửa sang cuộc đời, nâng sự sống lên. Một tác phẩm hay luôn là sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và nghệ thuật, hình thức phải hấp dẫn thì nội dung mới không bị pha loãng, có đủ sức để vượt thời gian. Người sáng tác phải sống đã rồi hãy viết, luôn làm giàu vốn sống, khả năng quan sát, phát hiện vấn đề, phải có cái tâm hướng tới con người, hướng tới cuộc đời. Độc giả cần lắng nghe thấu hiểu vấn đề của tác giả, đặt vấn đề đó trong thời đại của mình, trân trọng những đóng góp đáng quý của nhà văn, nhà thơ. Thời gian mềm như nước, mà lại rắn như đá, không ai nắm bắt được nước, cũng khó lòng mà khắc lên đá, nên đá thời gian cứ phẳng lì mà dòng chảy vô tình cứ hờ hững trôi. Văn nghệ sĩ có một thứ lợi khí, đó là ngòi bút, có thể thu về ngàn tấc thiên địa rộng lớn, tập hợp lại sức mạnh của vạn quân. Vậy, lưu danh được hay không, phải nhìn xem ngòi bút ấy bao trùm lên đất trời, con người ở bao nhiêu thời đại. Nguồn bài viết: https://theki.vn/lam-sang-to-nhan-dinh-neu-mot-nha-van-chi-viet-cho-thoi-dai-cua-minh-thi-toi-se-phai-be-but-va-vut-no-di/ Nguồn bài viết: https://theki.vn/lam-sang-to-nhan-dinh-neu-mot-nha-van-chi-viet-cho-thoi-dai-cua-minh-thi-toi-se-phai-be-but-va-vut-no-di/