Trang Tử có câu: “Đời sống có hạn mà sự học thì vô hạn”. Học tập là chuyện hệ trọng của đời người nên chúng ta cần lựa chọn cách học đúng đắn. Trong đó, học chống đối là phương pháp học tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách và trí tuệ của con người.
Học đối phó là cách học thụ động, không bắt nguồn từ niềm hăng say học tập nên sau khi học, kiến thức không tồn tại được lâu. Việc học đối phó được thể hiện ở một số hành vi như gian lận trong học tập và thi cử, đến gần kì thi mới bắt đầu học, học trong tâm thế uể oải và mục tiêu học là chỉ cần qua điểm liệt… Đây là thực trạng nhức nhối tại các trường học. Nhiều bạn học sinh chọn kiểu học tủ, chỉ tập trung vào một phần nội dung kiến thức, nuôi hi vọng đề thi “trúng tủ”. Một số khác lại “học vẹt”, thuộc làu làu một cách sáo rỗng mà không áp dụng hoặc thực hành được kiến thức.
Nguyên nhân chính dẫn đến phương pháp học ấy bắt nguồn từ ý thức kém, chưa hiểu được tầm quan trọng của việc học. Ngoài ra, áp lực về điểm số từ gia đình, nhà trường và xã hội xung quanh cũng khiến học sinh dễ dàng tìm đến cách học này. Khi bản thân không có đam mê, thiếu đi động lực học tập, các em sẽ chỉ coi học tập là một nghĩa vụ nhàm chán và nặng nề.
Việc học chống đối có thể chưa gây hại trước mắt nhưng luôn chứa đựng hậu họa khôn lường về sau. Kiến thức sẽ nhanh chóng biến mất sau một thời gian ngắn. Học sinh không nắm chắc được các kiến thức và không biết vận dụng nó vào đời sống thực tế. Khả năng sáng tạo và tư duy của con người sẽ dần mai một. Con người trở thành những cỗ máy sáo rỗng, những kẻ ngụy tri thức gây hại đến xã hội.
Để giải quyết thực trạng này, ta cần sự chung tay của gia đình, bản thân học sinh và toàn xã hội. Mỗi học sinh cần nhận thức được vai trò của việc học, chọn cho mình phương pháp học đúng đắn, rèn luyện sự chăm chỉ cùng tinh thần kiên cường, bền bỉ. Gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm tới các em, giúp các em đón nhận trường học và kiến thức một cách tự tin thay vì áp lực về mặt thành tích.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” và chúng ta chỉ có thể trở thành hiền tài bằng thực học. Chấm dứt tình trạng học chống đối chính là mở ra tương lai cho giáo dục nước nhà.