Tình cảm mà ông Sáu dành cho con mình trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà" đã giúp người đọc vô cùng xúc động về tình cảm của những gia đình Việt Nam trong chiến tranh. Ở nơi chiến trường ác liệt, ông Sáu chỉ được nhìn con qua những tấm ảnh nhỏ mà thôi. Tình cảm của ông dành cho con dồn nén, ấp ủ bấy nhiêu năm chỉ chờ dịp là bùng lên mạnh mẽ. Khi được về phép, chưa chờ xuồng cập bến, ông đã nhún chân nhảy thót lên bờ, vội vàng bước những bước dài rồi kêu: "Thu! Con!". Lúc này đây, trái tim của người cha tội nghiệp reo lên đầy sung sướng và ông Sáu khao khát sự đáp lại nồng nàn của đứa con. Nhưng bé Thu lại tỏ ra lạ lùng, không biết đó là ai khiến cho ông sững sờ. Những ngày sau đó, ông Sáu vẫn luôn cố gắng để con nhận ra mình là cha. Cả ngày ông chẳng đi đâu xa, chỉ ở bên con, săn sóc, vỗ về bé Thu. Ông chỉ mong mỏi một điều là con sẽ gọi mình một tiếng "Ba". Rồi khi ở nơi chiến trường chiến tranh đầy ác liệt nhưng ông vẫn cố công làm bằng được món quà để tặng con là chiếc lược ngà. Khi làm, lòng ông Sáu cảm thấy vui vui như đứa trẻ nhận được quà. Ông làm tỉ mỉ, thận trọng cố công như người thợ bạc. Khi chiếc lược được làm xong ông cảm thấy sung sướng vì mình như đã thực hiện được phần nào lời hứa với con. Ông còn khắc trên chiếc lược "Yêu nhớ tặng con Thu của ba". Hàng đêm mỗi khi nhớ con ông lại đem lược ra ngắm chải lên đầu cho lược thêm bóng, thêm mượt... Trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời, tuy không đủ sức trăng trối, nhưng tình cha con vẫn sống và trỗi dậy trong con người ông. Như vậy, tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu là tình cha con sâu nặng, là tình cảm gia đình thiêng liêng, sâu sắc.