Hiện nay, tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh Khánh Hòa đạt 46,01%. Để tiếp tục gia tăng độ che phủ rừng lên ít nhất 47,5% vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngành lâm nghiệp, các địa phương đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp.
Ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Số liệu kiểm kê rừng gần nhất cho thấy, tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh đang ngày càng tăng, đến nay đã đạt 46,01%. Trong đó, các địa phương có tỷ lệ che phủ cao như: Khánh Vĩnh gần 78%, Khánh Sơn hơn 62%, Vạn Ninh hơn 52%, Cam Lâm hơn 47,7%... Tuy nhiên, nếu không tính diện tích huyện Trường Sa thì tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh đạt đến 51%. So với cả nước, tỷ lệ che phủ rừng của Khánh Hòa cao hơn nhiều”.
Trồng rừng trên thượng nguồn Đa Rao (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh).
Trồng rừng trên thượng nguồn Đa Rao (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh).
Theo ông Khương, độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh tăng trong thời gian gần đây là nhờ chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, hiệu quả từ rừng sản xuất mang lại cho người dân ngày một cao nên ở nhiều địa phương, diện tích rừng sản xuất tăng, nhiều khu vực có độ dốc cao đã được người dân trồng keo. Cùng với đó, việc trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên của các chủ rừng cũng được chú trọng.
Tại huyện Vạn Ninh, năm 2017, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng bị thiệt hại nặng nhưng nhờ thực hiện tốt các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng nên huyện vẫn duy trì được tỷ lệ độ che phủ rừng hơn 52% (hiện nay, Vạn Ninh có hơn 24.051ha rừng tự nhiên và hơn 5.172ha rừng trồng). Ông Đỗ Lam Điền - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh cho hay: “Việc giữ vững độ che phủ rừng trên địa bàn huyện trong năm 2018 gặp nhiều khó khăn. Ngoài diện tích rừng bị thiệt hại nặng do cơn bão số 12, vấn đề giữ rừng cũng gặp nhiều khó khăn do nhu cầu gỗ tái thiết lồng bè nuôi trồng thủy sản tăng rất cao. Một số khu vực trên địa bàn xuất hiện tình trạng người dân vào rừng khai thác, vận chuyển mua bán cây gỗ làm lồng bè. Tuy nhiên, nhờ Hạt Kiểm lâm, chủ rừng, các địa phương tăng cường tuần tra, truy quét sâu vào rừng, các chốt bảo vệ rừng được xây dựng, đặt cố định tại các điểm nóng nên nhiều diện tích rừng đã được bảo vệ tốt hơn. Trong năm, huyện đã phát hiện, xử lý 29 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép”.
Năm 2018, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phát hiện 309 vụ vi phạm các quy định trong lĩnh vực lâm nghiệp; đã tiến hành xử lý 290 vụ vi phạm, tịch thu 89,12m3 gỗ tròn, 543,71m3 gỗ xẻ hộp, hơn 1,1 tấn gỗ có hình thù phức tạp. Về phương tiện tịch thu có 5 xe ô tô, 11 xe máy, 8 máy cưa xăng…, thu nộp ngân sách hơn 1,5 tỷ đồng. Năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy gây thiệt hại rừng trồng phòng hộ; toàn tỉnh đã trồng mới 300ha rừng phòng hộ và gần 1.100ha rừng sản xuất.
Tại thị xã Ninh Hòa, ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã chia sẻ, tuy còn nhiều khó khăn nhưng đến năm 2018, tỷ lệ độ che phủ rừng của thị xã Ninh Hòa đạt 43,47%. Để đạt được tỷ lệ này, địa phương đã tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; nhiều vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp đã được phát hiện, xử lý kịp thời. Cùng với đó, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn đã tăng cường công tác trồng rừng, chăm sóc rừng trồng đạt kế hoạch. Trong năm, có 73 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp được phát hiện, xử lý; toàn thị xã cũng đã trồng được 622ha rừng tập trung (vượt 107% kế hoạch năm 2018), trồng mới 127.050 cây phân tán (vượt 5,86% kế hoạch)…
Tại các địa phương miền núi như: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, bên cạnh việc tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên của các cấp, ngành, tỷ lệ độ che phủ rừng có chiều hướng tăng là nhờ người dân nhận thấy hiệu quả rừng sản xuất mang lại nên đã đầu tư trồng rừng. Đơn cử như huyện Khánh Vĩnh, 5 năm trở lại đây, từ các chương trình trồng rừng, địa phương này đã phát triển được hơn 5.000ha rừng trồng các loại. Nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ, phát huy vốn rừng được chú trọng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt từ 47,5% trở lên. Để thực hiện đạt mục tiêu này, ngành lâm nghiệp tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để gia tăng độ che phủ rừng. Ông Nguyễn Khương cho biết: “Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm trực thuộc phải quyết liệt trong việc chống nạn lấn chiếm đất rừng, phát đốt rừng làm nương rẫy, nhất là ở các huyện miền núi; ngăn chặn nạn phá rừng; làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Một biện pháp quan trọng nữa là phải đẩy mạnh công tác chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và triển khai kịp thời các chính sách để khuyến khích người dân phát triển rừng sản xuất”.