Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
An-đéc-xen là nhà kể chuyện cổ tích nổi tiếng của thế giới phương Tây. Ngoài việc sưu tầm ông còn sáng tạo. Cô bé bán diêm là một sáng tác độc đáo, một câu chuyện cổ tích về thời hiện đại, thể hiện tài năng kể chuyện bậc thầy của ông. Thời hiện đại ở đây chính là thời đại mà tác giả sống, thời đại mà con người đã biết chế tạo và sử dụng diêm, con người biết đi lại bằng những cỗ xe song mã, biết tổ chức đón giao thừa với những cây thông Noel lộng lẫy. Câu chuyện Cô bé bán diêm kể về xã hội ấy, kể lại cái chết thương tâm của một cô bé nghèo khổ.
Mở đầu câu chuyện, tác giả giới thiệu một bối cảnh khắc nghiệt và khác thường. Khắc nghiệt bởi vì "trời đã tối hẳn" mà "tuyết rơi" không ngừng, và "rét dữ dội". Khác thường là vì: "Đêm nay là đêm giao thừa" nghĩa là một thời điểm đặc biệt đối với mỗi gia đình và đối với mỗi người. Đêm giao thừa ở đâu cũng vậy, đều là thời điểm mà năm cũ với những buồn vui lẫn lộn lùi vào quá khứ và một năm mới với những hi vọng tràn trề đang chờ đợi mọi người được mở ra. Nhưng đêm giao thừa ở phương Tây rất rét, vì lúc này đang giữa mùa đông. Khắp nơi đầy tuyết phủ, khắp nơi đầy giá lạnh. Ấy thế mà trong cái giá lạnh đó, trong cái đêm giao thừa đó "một em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối". Em bé đi đâu vậy? Em phải đi bán diêm vì "nếu không bán được ít bao diêm, hay không ai bố thí cho một đồng xu nào" thì "em không thể nào về nhà", bởi lẽ khi đó "nhất định là cha em sẽ đánh em". Bởi vì từ khi "Thần Chết đã đến cướp bà em đi mất, gia sản tiêu tan, và gia đình em đã phải lìa ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân bao quanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm, để đến chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lời mắng nhiếc chửi rủa". Hơn nữa "ở nhà cũng rét thế thôi. Cha con em ở trên gác sát mái nhũ vã mặc dầu đã nhét giẻ rách vào các kẽ hở lớn trên vách, gió vẫn thổi ríu vào trong nhà". Như vậy em bé bán diêm này là một em bé có hoàn cảnh nghèo khổ.
Em bé đáng thương không tên tuổi này giống như kẻ lạc loài, bơ vơ trên mặt đất đầy tuyết phủ. "Em cố kiếm một nơi có nhiều người qua lại. Nhưng trời rét quá, khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em cả". Vì thế "suốt ngày em chẳng bán được gì cả và chẳng ai bố thí cho em chút đỉnh. Em bé đáng thương vẫn bụng đói cật rét lang thang trên đường". Em đi dưới trời mưa tuyết tới mức: "bông tuyết bám đầy trên mái tóc dài thành từng búp trên lưng em, em cũng không để ý" và những người qua đường cũng không ai để ý đến một đứa trẻ đang bị tuyết phủ dần dần. Chắc chắn là em đã đi trong mưa tuyết như vậy rất lâu. Giờ đây em không còn đi được nữa. "Em ngồi nép vào một góc tường giữa hai ngôi nhà, một cái xây lùi vào chút ít", Đó là một nơi mà ai đi qua cũng phải tránh nhưng cũng buộc mọi người phải chú ý. Em bé ngồi chỗ đó với hy vọng sẽ có người chú ý đến em, sẽ có người mua diêm cho em. Xung quanh em "cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi ngỗng quay". Mùi ngỗng quay nhắc em "đêm nay là đêm giao thừa". Mùi ngỗng quay còn nhắc em nhớ tới thời kỳ đầm ấm của gia đình em trước đây. Còn hiện tại em đang ngập chìm trong tuyết lạnh. "Em thu đôi chân vào người, nhưng mỗi lúc em cảm thấy rét buốt hơn". "Lúc này đôi bàn tay của em bé bán diêm tội nghiệp "đã cứng đờ ra". Em bé nghĩ tới việc đánh diêm để "hơ ngón tay". Và "em đánh liều một que". Ngọn lửa bùng lên trong đêm giao thừa giá lạnh, mang lại cho em một niềm vui. "Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biến đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt". Em bé hơ bàn tay giá lạnh trên ánh lửa nhỏ nhoi của que diêm mà tưởng tượng rằng em đang ngồi trước một cái lò sưởi nơi đó đang "tỏa ra một hơi nóng dịu dàng". Nhưng đây chỉ là một điều mong ước chỉ là một điều mộng tưởng. Bởi lẽ "em vừa duỗi chân ra sưởi thì lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất". "Em bần thần cả người và chợt nghĩ ra rằng cha em đã giao cho em bán diêm". Thật đặng buồn biết bao vì giữa ước mơ và hiện thực là một khoảng cách xa vời. Một cái lò sưởi trong đêm đông giá rét một mái nhà ấm cũng mãi mãi là ước mơ, là khát vọng của em bé.
Cùng với cái rét, cái đói cũng hiện về. Que diêm thứ hai "cháy và sáng rực lên". Que diêm cho em thấỵ: "bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay. Nhưng điều kỳ diệu nhất là ngỗng ta nhảy ra khỏi đĩa và mang cả dao ăn, phuốc-sét cắm trên lưng, tiến về phía em bé". Thật hấp dẫn biết bao. Một bữa ăn vừa ngon vừa sang dành cho em bởi vì em đói lắm rồi, song bữa ăn đó cũng chỉ là ước mơ, mộng tưởng. Vì thế khi que diêm vừa tắt thì "thực tế đã thay cho mộng mị: chẳng có bàn ăn thịnh soạn nào cả, chỉ có phố xá vắng teo, lạnh buốt, tuyết phủ trắng xóa, gió bấc vi vu và mấy người khách qua đường quần áo ấm êm vội vã đi đến những nơi hẹn hò, hoàn toàn lãnh đạm với cảnh nghèo khổ của em bé bán diêm". Bên cạnh em giờ đây chỉ có đói và rét, và để chống lại em dùng ánh sáng và hơi ấm của que diêm. Trong ánh sáng ngắn ngủi của que diêm, em tưởng tượng ra những thứ mình cần, em tạo ra thế giới cho riêng em, bởi lẽ gió rét ngăn cản mọi người đến với em, cái đói cũng ngăn cản những người khác đến với em, trước mặt em cũng như sau lưng em chỉ còn lại "những bức tường dày đặc và lạnh lẽo". Những bức tường câm lặng, những bức tường không biết nói do chính con người tạo ra để che chở cho người này và để tạo ra sự cách ngăn với người khác.
Em bé còn lại một mình trong cái thế giới của em, thế giới đó bị tuyết trắng và đêm đen bao phủ. Để xua đi màn đêm và giá rét, "em bé quẹt que diêm thứ ba". "Em thấy hiện ra một cây thông Nô en", "cây này lớn và trang trí lộng lẫy" với "hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi, và rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ"... Cây thông Noel gợi nhớ một truyền thông tặng quà và quan tâm đến trẻ em của phong tục phương Tây, nhưng có lẽ câu chuyện về ông già Nô en cũng chỉ là một huyền thoại xa vời còn trong thực tại em bé bán diêm còn đang ngập chìm trong tuyết lạnh. Em cũng chẳng cần đến những món quà của ông già Tuyết nữa bởi lẽ tuyết và giá rét quanh em đã quá thừa rồi. Que diêm thứ ba cũng tắt. Sự sống của nó cũng quá ngắn ngủi. Nó không xua đi được màn đêm, nhưng màn đêm không thắng nổi nó. Que diêm tắt thì tất cả những ngọn nến mà cô bé bán diêm thấy trên cây thông Nô en cũng "bay lên, bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời". Khi đó em nghĩ tới cái chết, vì bà em, "người hiền hậu độc nhất đối với em" thường nói: "Khi có một vì sao đổi ngôi là có một linh hồn bay lên trời với Thượng đế". Nhưng thật buồn vì bà em đã chết từ lâu. Nhưng cũng chẳng hề gì bởi những người đang sống không ai nghĩ về em, không ai nghĩ đến em thì em đi tìm nguồn an ủi nơi người bà yêu quý. Và thế là em quẹt diêm. "Em thấy rõ ràng là bà em đang cười với em", "em reo lên" và van xin bà "cho cháu đi với", "cháu van bà, bà xin Thượng đế chí nhân, cho cháu về với bà. Chắc người không từ chối đâu.
Thật đau đớn xiết bao khi em bé bán diêm bị xã hội bỏ rơi, bỏ quên trong tuyết phủ đã quyết khước từ cuộc sống, quyết tâm tìm về thế giới bên kia. Trong thế giới của những người sống em không có chỗ đứng, không có điều kiện để sống. Bởi lẽ chỉ cần bán được vài bao diêm thôi cũng đủ mang lại cho em cuộc sống, nhưng cả cái thế giới đi xe song mã ấy, cả cái thế giới nấp sau những cánh cửa sổ sáng rực ánh đèn ấy "chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em". Không giao tiếp được với thế giới những người đang sống, em bé bán diêm tìm cách xác lập mối quan hệ giao tiếp với bà em "Em quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao để níu bà em lại". Kết quả là "Chưa bao giờ em thấy bà em to lớn và đẹp lão như thế này. Bà cụ cầm tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét đau buồn nào đe dọa họ nữa".
Em bé đã chết một cách thê lương như vậy trong đêm giao thừa. Cái chết mang trong nó sức mạnh tố cáo xã hội. Cho dù người ta nhìn thấy trong xó tường "một em bé gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Bên cạnh "một bao diêm đã đốt hết nhẵn" thì những người đang sống cũng không thể nào biết được "những cái kỳ diệu mà em bé đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón những niềm vui đầu năm'. Bởi vì những người đó ngoài việc sử dụng cái đói, cái rét để tạo sự ngăn cách của họ với em bé thì họ còn xây dựng những bức tường hoặc hữu hình hoặc vô hình để tạo ra sự ngăn cách mới giữa họ và em bé. Họ không có quyền được nhìn thấy, được tận hưởng những gì do mộng tưởng của em tạo ra. Bởi vì em thuộc về một thế giới khác. Cái chết của em bé còn là sự phê phán lối sống ích kỷ, có cụm, chỉ biết mình của thế giới hiện đại. Đó là sự cảm thông sâu sắc của nhà kể chuyện thiên tài.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |