Máu gồm hai phần chính: các tế bào máu và huyết tương.
Các tế bào máu
– Hồng cầu:
- Chiếm số lượng nhiều nhất, chứa huyết sắc tố (nên máu có màu đỏ).
- Hồng cầu làm nhiệm vụ vận chuyển khí ôxy (O2) từ phổi đến các tế bào và mô. Đồng thời nhận khí cacbonic (CO2) từ các tế bào và mô tới phổi để đào thải.
- Đời sống trung bình của hồng cầu từ 90 đến 120 ngày.
- Hồng cầu già bị tiêu hủy chủ yếu ở lách và gan.
- Tủy xương sinh các hồng cầu mới để thay thế và duy trì lượng hồng cầu ổn định.
– Bạch cầu:
- Có chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện và tiêu diệt các “vật lạ” gây bệnh.
- Có nhiều loại bạch cầu khác nhau với đời sống từ 1 tuần đến vài tháng. Có loại làm nhiệm vụ thực bào (“ăn” các “vật lạ”). Có loại làm nhiệm vụ “nhớ” để nếu lần sau “vật lạ” này xâm nhập sẽ bị phát hiện và nhanh chóng bị tiêu diệt. Có loại tiết ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể…
- Bạch cầu được sinh ra tại tủy xương.
- Ngoài việc lưu hành trong máu là chính, có một lượng khá lớn bạch cầu cư trú ở các mô của cơ thể để làm nhiệm vụ bảo vệ.
– Tiểu cầu:
- Là những mảnh tế bào rất nhỏ tham gia vào chức năng cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông, bịt các vết thương ở thành mạch.
- Làm cho thành mạch mềm mại, dẻo dai nhờ chức năng tiểu cầu làm “trẻ hóa” tế bào nội mạc.
- Đời sống của tiểu cầu khoảng 7 – 10 ngày.
- Cũng giống như hồng cầu và bạch cầu, tủy xương là nơi sinh ra tiểu cầu.
Huyết tương
Huyết tương là phần dung dịch, có màu vàng. Trong huyết tương chủ yếu là nước và nhiều chất rất quan trọng với sự phát triển và chuyển hóa của cơ thể như: đạm, mỡ, đường, vitamin, muối khoáng, các yếu tố đông máu, các kháng thể, hormon, các men…
Huyết tương thay đổi theo tình trạng sinh lý trong cơ thể. Sau bữa ăn 1- 2 giờ, huyết tương có màu đục rồi màu vàng. Nếu đơn vị máu có huyết tương đục sẽ không được sử dụng vì có thể gây sốc, gây dị ứng cho người bệnh. Vì vậy, chỉ nên ăn nhẹ, ăn ít đạm, ít mỡ trước khi hiến máu (HM).