Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Nguyễn Minh Châu là cây bút tiên phong của văn học thời kì đổi mới. Nhà văn "thuộc một trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay” (Nguyên Ngọc). Trước năm 1975, trang văn của ông thiên về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn với quan niệm: cái đẹp là cái anh hùng cao cả, tiêu biểu là truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng in trong tập Dấu chân người lính (1972). Sau 1975, bằng sự tìm tòi, đổi mới, ngòi bút của ông hướng vào những vấn đề thế sự, đời tư, đậm chất triết lí nhân sinh. Bằng cái nhìn đa diện đa chiều, ông đã đi sâu khai thác đời sống con người trong những mối quan hệ xã hội phức tạp để khám phá "hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người". Các truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Bến quê, Bức tranh của ông đều khai thác khá sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người trong cuộc sống mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Trong đó, Chiếc thuyền ngoài xa sáng tác tháng 8/1983 là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975, đồng thời cũng là một tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam thời kì đổi mới .
Truyện kể về chuyến đi thực tế của Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa, thiết tha với cái đẹp, tâm huyết với nghề, một con người có trái tim giàu lòng trắc ẩn. Theo yêu cầu của trưởng phòng, Phùng đã đến một vùng ven biển miền Trung cũng là chiến trường xưa của anh thời kháng chiến chống Mỹ để chụp một bức ảnh với cảnh biển buổi sáng có sương về bổ sung cho bộ lịch năm sau. Sau một tuần "phục kích", anh đã chụp được một "cảnh đắt trời cho": cảnh chiếc thuyền đánh cá thu lưới lúc bình minh. Nhưng khi chiếc thuyền ấy vào bờ, anh đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài: người chồng đánh vợ một cách tàn nhẫn mà người vợ không kêu, không chống trả, không chạy trốn, còn thằng con vì bảo vệ mẹ mà đánh cha rồi lại bị cha đánh. Ba ngày sau, cảnh tượng đó lại diễn ra và lần này Phùng đã xông ra buộc lão đàn ông phải chấm dứt hành động độc ác. Lão đàn ông đánh trả, Phùng bị thương, anh được đưa về trạm y tế của tòa án huyện. Ở đấy, anh đã gặp chánh án Đẩu, bạn chiến đấu năm xưa của mình. Và cũng tại đây, anh đã nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài với bao sự cảm thông và ngỡ ngàng. Anh đã ngạc nhiên khi chứng kiến việc người đàn bà đáng thương kia được chánh án Đẩu mời đến để giải quyết công việc gia đình đã van lạy quý tòa đừng bắt bà bỏ người chồng vũ phu. Phùng và Đẩu đã vỡ lẽ ra nhiều điều sau khi nghe câu chuyện cuộc đời của người đàn bà. Rời vùng biển với tấm ảnh ưng ý, Phùng đã hoàn thành nhiệm vụ mà trưởng phòng giao. Sau đó, mỗi lần ngắm kĩ tấm ảnh ấy, Phùng vẫn thấy hiện lên màu hồng hồng của ánh sương mai và nếu nhìn lâu hơn, Phùng lại thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh. Vậy là trong chuyến đi ấy, Phùng đã chụp được bức ảnh chiếc thuyền ngoài xa và chứng kiến một câu chuyện đẫm nước mắt, đầy trái ngang của một gia đình làng chài để rồi anh đã nhận thức ra nhiều điều về con người, về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật. Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đã mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, về cách phát hiện ra bản chất sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng. Theo câu chuyện kể cùng những phát hiện của Phùng, nhà văn đã gửi gắm nhiều thông điệp có ý nghĩa triết lí nhân sinh sâu sắc. Đây cũng là cách xây dựng cốt truyện hấp dẫn, tình huống truyện độc đáo của Nguyễn Minh Châu.
Nguyễn Minh Châu đã dụng công khi đặt cho truyện ngắn của mình một nhan đề độc đáo, gợi nhiều liên tưởng sâu xa. Hình ảnh “chiếc thuyền” vốn rất quen thuộc trong đời sống đã trở thành là hình ảnh ẩn dụ trong nghệ thuật. “Chiếc thuyền” vừa gợi ra sự thi vị, thơ mộng vừa gợi ra sự lênh đênh, bất trắc. Còn “ngoài xa” là giới định không gian, gợi ra sự xa vời, khó tới, mông lung, vô định. Khi đặt hình ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” trong mối quan hệ với các nhân vật thì nhan đề ấy lại gợi ra nhiều ý nghĩa. Với nghệ sĩ Phùng, “chiếc thuyền ngoài xa” trong sương sớm là cảnh đắt trời cho, một vẻ đẹp toàn bích mà anh đã mất công tìm kiếm, là biểu tượng của cái đẹp mà khi chiêm ngưỡng nó, anh thấy tâm hồn mình trong ngần. Nhưng với một gia đình hàng chài đông con thì chiếc thuyền đó lại là không gian sinh sống chật chội, là cuộc sống mưu sinh khó nhọc, bấp bênh. Hơn nữa, nhìn xa thì đẹp thế, còn thuyền đó về bờ lại diễn ra cảnh tượng đau lòng: chồng đánh vợ, con đánh cha, cha đánh con. Những hình ảnh ấy, cảnh tượng ấy nếu nhìn từ xa sẽ không bao giờ thấy được. Vậy là chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa, còn sự thật cuộc đời thì ở rất gần, người nghệ sĩ đừng vì nghệ thuật mà bỏ quên cuộc đời. Xa và gần, bên ngoài và thẳm sâu, đẹp và xấu, thiện và ác...đó cũng là cách nhìn , cách tiếp cận của nghệ thuật chân chính. Vì thế người nghệ sĩ không thể nhìn nhận, đánh giá sự vật, con người một cách đơn giản, đừng nhầm lẫn hiện tượng với bản chất, hình thức bên ngoài và nội dung bên trong không phải bao giờ cũng thống nhất, đừng vội đánh giá con người sự vật ở dáng vẻ bề ngoài, phải phát hiện bản chất thực sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng. Người nghệ sĩ cần có cái nhìn đa diện nhiều chiều, có cả sự cảm thông, thấu hiểu chân thành sâu sắc thì mới có thể gắn bó và khám phá bản chất cuộc đời đa đoan, đa sự, để phản ánh hiện thực ẩn kín từ cuộc sống, từ con người bên trong. “Chiếc thuyền ngoài xa” đúng là một nhan đề đặc sắc vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa biểu tượng về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, về cách nhìn con người của người nghệ sĩ. Với nhan đề này, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm những trăn trở của mình về nghệ thuật cùng sự tin yêu, khắc khoải lo âu đối với cuộc sống và con người.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |