Về tổ chức bộ máy: nhà vua đổi mới và thống nhất được hệ thống hành chính quốc gia, kể cả phân cấp hệ thống hành chính, phân định lại toàn bộ địa giới hành chính cả nước tinh gọn và dễ kiểm soát hơn.
Về đội ngũ quan lại: Vua chú trọng xây dựng đội ngũ quan lại hiền tài, thiết lập lại chế định ngạch, bậc quan lại từ Trung ương đến địa phương. Vua bãi bỏ chức Tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành, đổi trấn thành tỉnh, củng cố chế độ lưu quan ở miền núi. Nhà vua rất chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quan lại để tiến cử vào các cơ quan hành chính nhà nước. Trong những năm trị vì, vua Minh Mạng xác định học vấn làm tiêu chuẩn để tuyển dụng quan lại cho bộ máy hành chính.Để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, ông cho chấn chỉnh việc học, việc thi, đặt chức học quan ở các địa phương, chu cấp lương bổng, ruộng đất cho số học quan này để họ chăm lo sự học cho xã hội.
Về xây dựng pháp luật và kỷ cương hành chính: vua Minh Mạng là người rất chú ý tạo lập một nền cai trị kết hợp giữa lễ trị và pháp trị, rất chú trọng giữ gìn kỷ cương phép nước. Ông thường lấy 4 chữ “Chính - Đại - Quang - Minh” làm tôn chỉ cho việc điều hành bộ máy hành chính. Ngoài các điều luật trong Bộ luật Gia Long, vua Minh Mạng còn định thêm các điều luật mới để xét xử những việc làm sai trái của các quan ở kinh đô và các tỉnh, định lệ việc xử phạt quan lại tham nhũng, hối lộ, định lệ việc xét các địa phương xử án hay hoặc dở, làm tiêu chuẩn để kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ quan lạ
Cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự thống nhất đất nước về mặt nhà nước; tăng cường quyền lực trong tay vua, tổ chức chính quyền chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, tăng cường tính chuyên chế; cách phân chia các tỉnh của vua Minh Mạng được dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với phạm vi quản lý của một tỉnh... đây là cơ sở để thành lập, phân chia các tỉnh như ngày nay.