Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tức nước vỡ bờ là chương XVIII của tiểu thuyết Tắt đèn. Nếu đặt vào mạch chung của cuốn tiểu thuyết thì đây là chương truyện có kịch tính rất cao. Mười bảy chương truyện trước đó đã thuật lại không biết bao nhiêu là cảnh cùng cực, khốn đốn của vợ chồng chị Dậu trong những ngày sưu thuế.
Nhà đã nghèo "lên đến bậc nhì, bậc nhất trong hạng cùng đinh", đến vụ thuế, anh Dậu lại ốm liệt giường. Cho nên, vì suất sưu của anh Dậu mà chị Dậu phải bán chó, bán con, phải chịu đựng những lời rủa sả cay độc của vợ chồng Nghị Quế và cũng từng phải "nếm" cả những "quả phật thủ'* của bọn lính tráng và người nhà lí trường. Cũng vì suất sưu ấy mà anh Dậu bị đánh, bị trói giữa lúc ốm đau. Chế độ thực dân, phong kiến chẳng những đánh thuế vào người sống, mà còn dựng cả người chết dậy mà đánh thuế. Cho nên, nộp xong suất sưu của anh Dậu, chị Dậu những tưởng đã trả được "món nợ nhà nước", nào ngờ, bọn hào lí cho biết chị còn phải nộp suất sưu của "chú Hợi" đã chết từ năm ngoái. Thế là chị Dậu bị đẩy tới chỗ cùng đường. Anh Dậu lại tiếp tục bị đánh, bị trói cho đến ngất xỉu đi như chết. Nửa đêm, người ta đem anh Dậu rũ rượi như một cái xác trả về cho chị Dậu. Nhờ có hàng xóm đổ đến giúp, chị Dậu đã cứu sống được chồng. Nhưng trời vừa sáng, cai lệ và người nhà lí trưởng "đã sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng", Tính mạng của anh Dậu bị đe dọa nghiêm trọng. Thế là "tức nước vỡ bờ", chị Dậu đã vùng lên chống trả một cách quyết liệt. Đặt nhân vật vào tình huống đầy kịch tính ấy, chương truyện vừa phơi bày bộ mặt tàn ác, bất nhân của lũ tôi tớ sai của bọn thực dân, phong kiến, vừa làm nổi bật những phẩm chất, tính cách tốt đẹp của người phụ nữ nông dân Việt Nam.
Bộ mặt thất thần, tàn ác của lũ tôi tớ tay sai dưới chế độ thực dân, phong kiến được thể hiện qua hình ảnh cai lệ và tên người nhà lí trưởng. Cai lệ là một thứ chức tước hẳn hoi. Trong tay hắn cũng có lính tráng để sai bảo. Nhưng làm "cai" thì chưa phải là quan. Đó chỉ là thứ chức tước hạng bét của nhà binh dưới chế độ cũ. Thực chất, cai lệ cũng là một loại đầy tớ, chân tay của quan phủ, quan huyện ngày xưa. Người nhà lí trưởng thì tuyệt nhiên không có chức quyền gì. Y đúng là đầy tớ của bọn thôn xóm. Thậm chí y có thể là một người nghèo. Có lần chị Dậu từng năn nỉ hắn: "Bạn nghèo với nhau, bác nói khéo với ông Lí cho tôi". Nhưng hắn "hăm hăm vác gậy" bỏ đi mà không quên mát mẻ: "Tôi không dám làm bạn với nhà chị." Cai lệ và người nhà lí trưởng tuy thân phận, địa vị khác nhau, thái độ của chúng cũng không hoàn toàn giống nhau, nhưng sự bất nhân, tàn ác thì không đứa nào chịu thua kém đứa nào. Chỉ cần một ít chi tiết nghệ thuật, chân dung của chúng đã được nhà văn khắc họa hết sức sắc sảo.
Giữa nhà chị Dậu, đúng hơn là những túp lều giống như nơi chứa phân tro, trong đó chỉ có một người đàn ông vừa thoát chết, đang "ốm rề rề", một người đàn bà nuôi con mọn với ba đứa trẻ, cai lệ và người nhà lí trưởng hiện lên hệt một bọn đầu trâu, mặt ngựa đằng đằng sát khí. Chúng hùng hùng, hổ hổ "sầm sập tiến vào" nhà chị Dậu. Tay chúng cầm toàn những thứ dụng cụ đánh người để uy hiếp những người yếu bóng vía, nào "roi song", "tay thước", nào "dây thừng". Vừa vào đến nhà, cai lệ lập tức ra oai. Hắn "gõ đầu roi xuống đất". Trước chị Dậu và anh Dậu hắn tỏ ra rất hách dịch. Hắn gọi anh Dậu là "thằng", chị Dậu là "mày", xưng với họ là "ông", là "cha mày". Cai lệ động mở mồm là "thét", "quát". Hắn quát chị Dậu: "Mày định nói cho cha mày nghe đấy à?". Và khi "quát", khi "thét", cai lệ lúc thì "trợn hai mắt", lúc thì "giọng hầm hè". Người nhà lí trưởng không hách dịch như thế, nhưng hắn mát mẻ, xúc xiểm cai lệ để tên này càng ngạo ngược hơn: "Chị khất tiền sưu đến chiều mai phải không? Đấy! Chị hãy nói với ông cai để ông ấy ra đình kêu với quan cho! Chứ ông lí tôi thì không có quyền giám cho chị khất một giờ nào nữa". Anh Dậu đang ốm đau, lại bị trói cho đến ngất xỉu đi, vừa thoát chết, vậy mà cả cai lệ và người nhà lí trưởng chẳng hề có một chút động tâm. Vào nhà, nhìn thấy anh Dậu "run rẩy cất bát cháo... mới kề vào đến miệng", cai lệ liền buông lời rủa sả: "Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à?". Thấy anh Dậu vì sợ quá mà ''lăn đùng ra đó, không nói được câu gì", người nhà lí trưởng "cười một cách mỉa mai: Anh ta lại sắp phải gió như đêm qua đấy", cả hai tên bất nhân ấy không cần biết đến gia cảnh của chị Dậu. Chúng không để lọt tai bất kì một lời van xin nào của người đàn bà ấy. "Cai lệ không để cho chị Dậu được nói hết câu...! Hắn chỉ một mực thúc giục: "Nộp tiền sưu! Mau!". Rồi hắn đe dọa "Nếu không có tiền nộp sưu cho ông bây giờ, thì ông sẽ dỡ cả nhà mày đi". Thái độ của hắn ngày càng hung hãn. Hắn sai người nhà lí trưởng trói anh Dậu. Thấy tên này "hình như không dám hành hạ một người ốm nặng, sợ hoặc xảy ra sự gì" hắn "đùng đùng" "giật phắt cái thừng", "chạy sầm sập" đến chỗ anh Dậu...
"Sầm sập tiến vào", "sầm sập đến", "sấn đến", "nhảy vào"; "gõ đầu roi xuống đất", "thét", "quát", "mỉa mai", "hằm hè", "đùng đùng" "bịch luôn vào cái ngực chị Dậu mấy bịch", "tát cả vào mặt chị một cái đánh đốp", chân dung của cai lệ và người nhà lí trưởng được khắc họa bằng những chi tiết điệu bộ, giọng nói và hành vi như vậy. Ngô Tất Tố không dùng bất kì một chi tiết nào để miêu tả suy nghĩ của chúng. Đó chính là sự sắc sảo, tinh tế của ngòi bút nhà văn. Bởi vì, lũ đầu trâu, mặt ngựa, xem việc đánh người như là việc tự nhiên, chẳng bao giờ thấy động lòng trắc ẩn, thì làm gì biết suy nghĩ. Bỏ đi những chi tiết miêu tả nội tâm, Ngô Tất Tố vừa làm nổi bật bản chất bất nhân, thất đức, bản chất cầm thú của bọn đầy tớ, tay sai, vừa tạo ra kịch tính căng thẳng cho mạch truyện.
Trong tiểu thuyết Tắt đèn, chị Dậu được miêu tả như một người phụ nữ rất mực dịu dàng. Vì bị áp bức bóc lột, chị Dậu đành chịu đựng, nhẫn nhục, và trong nhiều trường hợp, chị là người có thể nhẫn nhục, chịu đựng. Nhưng chị Dậu không thuộc loại người yếu đuối, chỉ biết than khóc. Thông minh, sắc sảo, đảm đang, tháo vát, chị Dậu còn tiềm tàng một khả năng phản kháng. Chả thế mà ngay giữa đình làng, trước mặt bọn hào lí, chị đã dám "tru tréo", kêu to lên sự bất nhân của chế độ sưu thuế thực dân, phong kiến: "Khốn nạn thân tôi! Trời ơi! Em tôi chết rồi còn phải đóng sưu, hở trời". Bị quăng từ đình làng về, rồi được cứu sống, anh Dậu chỉ còn biết khóc em, khóc cái Tí, khóc cho số phận của anh. Trái lại, chị Dậu tỏ thái độ bất cần. Chị bình tĩnh khuyên giải chồng: "Còn như mấy đồng tiền sưu, tuy nó nóng thật, nhưng nó chưa kịp thì khất. Thịt người tanh, chả ai ăn được.Thầy em cứ yên tâm nằm nghỉ, không phải lo lắng gì cả."
Cảnh ''tức nước vỡ bờ" miêu tả tinh tế diễn biến tâm lí của một tính cách nhất quán. Chị Dậu có thể nhẫn nhục, chịu đựng, nhưng khi bị đẩy tới chân tường, thì cũng biết chống trả quyết liệt thể hiện một khả năng phản kháng tiềm tàng.
Trước thái độ hung hăng, những lời hách dịch của cai lệ, chị Dậu "run run". Chị sợ thì ít, mà lo cho chồng thì nhiều. Chị gọi cai lệ "ông", tự xưng là cháu. Chị van xin, cầu khẩn bằng giọng "cố tha thiết": "Hai ông làm phúc nói với ông lí hãy cho cháu khất...", "Khốn nạn! Nhà cháu đã không có, dẫu ông chửi mắng cũng thế thôi. Xin ông trông lại!". Đến khi thấy tính mạng của chồng bị đe dọa, thái độ của chị Dậu thay đổi hoàn toàn. Chị vẫn cố van xin, nhưng vội vàng đặt đứa con đang bế xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay cai lệ, không đe hắn đụng tới anh Dậu. Đang xưng hô "ông - cháu", chị Dậu chuyển qua "ông - tôi" với cai lệ. Người đàn bà uất ức đã liều mình đứng dậy tự đặt ngang hàng với cai lệ để cảnh báo hắn: "Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!". Thái độ của chị Dậu ngày càng quyết liệt. Người đàn bà dịu dàng bỗng trở nên đáo để. Chị hạ cai lệ xuống thứ "mày" và ngang nhiên thách thức: "Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem". Chị Dậu quật ngã bọn tay sai hung ác trong ngang hàng, bất khuất với sức mạnh kì lạ - Chị "túm lấy cổ" cai lệ "ấn dúi ra cửa." Cai lệ ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn lảm nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu". Tên người nhà lí trưởng cũng bị chị Dậu "túm tóc lẳng сho một cái, ngã nhào ra thềm". Giọng văn của Ngô Tất Tố trở nên hả hê. Dưới ngòi bút của ông, hình ảnh chị Dậu trở nên khỏe khoắn, quyết liệt bao nhiêu, thì hình ảnh bọn tay sai hung ác trở nên nhỏ bé, hèn hạ, nực cười và hài hước bấy nhiêu. Thấy chị Dậu quá quyết liệt, anh Dậu vừa run vừa kêu: "U nó không được thế! Người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì mình phải tù, phải tội". Nhưng "tức nước" thì tất yếu "vỡ bờ". Nghe anh Dậu can, chị Dậu càng phẫn uất: "Thà ngồi tù. Để cho chúng làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được...". Câu nói mộc mạc đầy phẫn uất ấy giống như lời tuyên ngôn hùng hồn cho quy luật: Có áp bức, dứt khoát có đấu tranh.
Sức mạnh kì diệu của chị Dậu là sức mạnh lòng căm hờn, uất hận bị dồn nén đến mức không thể chịu đựng được nữa. Đó còn là sức mạnh của tình thương yêu chồng con vô bờ bến. Một người đàn bà lúc nào cũng chỉ nghĩ tới chồng, tới con, nhiều lần lấy thân của mình để che chở đòn roi cho chồng, vì chồng con, người đàn bà ấy sẵn sàng "thà ngồi tù".
Nguyễn Tuân gọi chân dung chị Dậu trong "Tắt đèn" là "bức chân dung lạc quan". Nguyễn Tuân quả quyết rằng ông đã gặp chị Dậu trong "một đám đông phá thóc của Nhật trong những ngày huyện kì Tổng khởi nghĩa". Dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố đã khẳng định tài năng miêu tả nhân vật chị Dậu vừa hiện lên sống động giống như người có thật, vừa thể hiện quy luật tất yếu của đời sống hiện thực. Cho nên, chị Dậu trong tiểu thuyết "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố có khả năng bước ra khỏi trang văn để đến với cuộc đời và sống mãi trong đời sống tinh thần của chúng ta.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |