Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
“Con cựa mình êm ả
Thôi ngủ nữa đi con!
Cái trăng cao chưa tròn
Tay bố vòng hơi thở
Cho con liền giấc ngon”.
(Hai bàn tay em- Huy Cận)
Tấm lòng của người cha thi sĩ dành cho con cũng nồng nàn, ấm áp đâu kém gì tình mẹ yêu con, ru con, đưa con vào giấc ngủ. Lòng yêu thương con cái, ước mong con trưởng thành, nên người vốn là tình cảm cao đẹp của con người Việt Nam từ bao đời nay. Bài thơ “Nói với con” của Y Phương cũng khơi nguồn từ mạch cảm xúc ấy. Với giọng điệu thiết tha, trìu mến, bài thơ đã thể hiện lời tâm tình, thủ thỉ của người cha đối với con.
“Cha lại dắt con đi trên cát mịn
Ánh trăng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời.
Con lại trở cánh buồm xa nói khẽ
Cha mượn cho con buồm trắng nhé.
Để con đi…”.
(Những cánh buồm)
Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã mở ra trước mắt chúng ta hình ảnh thật dễ thương và cảm động, hình ảnh cao đẹp của tình cha con. Y Phương, một nhà thơ dân tộc, cũng góp phần vào đề tài này qua bài thơ “Nói với con”. Bài thơ giản dị mộc mạc trong ngôn từ, hình ảnh, nhưng đã đi vào lòng người bởi cái âm điệu nhẹ nhàng, thiết tha của lời cha nhắn nhủ, tâm tình con về cội nguồn quê hương.
Đây là bài thơ được viết theo thể thơ tự do, câu, vần, nhịp theo dòng cảm xúc. Bao trùm toàn bài là cách nói, cách nghĩ, cách viết của người dân tộc, mộc mạc đơn sơ nhưng chân thành, tha thiết thông qua hình ảnh người cha nói với con, tâm tình dặn dò trìu mến, ấm áp và tin cậy. Con lớn lên trong tình yêu thương, sự nâng đỡ của cha mẹ, trong cuộc sống êm đềm của quê hương.
Mở đầu bài thơ là cách diễn đạt bằng hình ảnh cụ thể, độc đáo, đặc sắc trong tư duy và cách diễn đạt của người miền núi:
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước chạm tiếng cười".
Chỉ bốn câu thôi mà không khí gia đình đầm ấm yêu thương được bộc lộ rõ nét. Cách thể hiện cảm nghĩ của bài thơ thật độc đáo. Đứa con chập chững tập đi, từng bước đều nghiêng ngả, từng tiếng nói, tiếng cười của con đều được cha mẹ nâng niu, dìu dắt. Con biết đi, biết nói là sự kiện lớn trong cuộc sống gia đình, cả nhà luôn rộn rã tiếng nói cười, đâu chỉ là niềm vui riêng của người mẹ mà còn là sự thổn thức của người cha. Thi sĩ Huy Cận cũng từng tâm sự cái giây phút tuyệt vời ấy của mình:
"Được tin con tập đi
Cha mừng không ngủ được
Cha nằm đêm thầm thì
Từng tiễn chân con bước”.
Đứa con trưởng thành trong cuộc sống lao động cần cù của cha mẹ, trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng xinh đẹp của quê hương. Nhìn con lớn lên từng ngày cha mẹ sung sướng mãn nguyện. Con là cuộc đời, là tất cả đối với mẹ cha. Bà mẹ Tà Ôi đã bộc lộ niềm hạnh phúc ấy khi có bên mình đứa con trong lao động tỉa bắp:
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, con nằm trên lưng”.
(Nguyễn Khoa Điềm)
Cha mẹ yêu con, càng yêu thương mảnh đất chôn nhau cắt rốn của con, mảnh đất do tổ tiên, ông bà để lại. Niềm tự hào về dân tộc mình đã bật thành lời từ trái tim chân thành của người cha:
“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát”.
Các động từ “cài”, “ken” vừa diễn tả động tác lao động cụ thể, vừa nói lên sự hòa hợp, gắn bó giữa hiện thực và lãng mạn trong đời sống vật chất, tinh thần của người vùng cao. Đời sống tinh thần nên thơ, nên nhạc khiến cho công việc đỡ nhọc nhằn và con người có thêm niềm vui, niềm tin vào cuộc đời. Người cha muốn nói với con rằng chính mảnh đất nơi ta sinh ra và lớn lên là cội nguồn hạnh phúc lớn lao vô tận:
“Rừng ra hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”.
Chính quê hương đã tạo cho cha mẹ cuộc sống hạnh phúc bền lâu. Và trong cái nôi hạnh phúc ấy, con cái là hoa trái, là kết quả ngọt ngào của duyên đôi lứa.
Phẩm chất của người đồng mình và ước muốn của cha về con thể hiện rất rõ nét qua từng câu thơ. Quê hương là ơn nặng nghĩa đầy. Cha mẹ muốn con ý thức về điều ấy. Người cha nhắc nhở con xứng đáng với những gì đẹp đẽ nhất mà dân tộc đã trao cho, quê hương đã ban tặng:
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”.
Đó là cách sống hiên ngang, bất khuất vượt lên mọi khó khăn gian khổ để khẳng định khí phách và phẩm chất tốt đẹp của mình. Gian lao, thử thách, lên thác, xuống ghềnh chỉ là cơ hội chỉ người đồng mình thêm vững lòng, bền chí, tự tin vào mình hơn như cụ Phan Bội Châu đã từng nhận định:
“Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai”.
Thế hệ cha, mẹ và anh đã từng sống như thế. Cha cũng muốn con phát huy phẩm chất tốt đẹp ấy để đáp trả ân tình với quê hương, với người đồng mình.
Người cha còn giúp con ý thức một điều: cái vẻ ngoài trông thô sơ và rất đỗi bình thường của người đồng mình lại chứa đựng một tầm vóc tâm hồn cao đẹp:
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”.
Người dân tộc sống giữa núi rừng, thiên nhiên, mây ngàn và đá núi. Vất vả biết bao nhiêu! Họ đã phải chắt chiu từng mầm sống nhỏ nhoi để xây dựng quê hương từ không thành có. Họ nghèo thật nhưng họ rất giàu có về sự kiên cường, sức sống bền bỉ, làm nên giá trị cao quý của truyền thống dân tộc, truyền thống quê hương. Cũng chính họ đã tự đục chân dung mình vào đá núi vĩnh hằng. Tinh thần của họ đâu khác gì với tinh thần và lí tưởng sống của Nguyễn Công Trứ năm xưa:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sống”.
Sống giữa một dân tộc như thế, một quê hương nhiều truyền thống hào hùng tốt đẹp như thế, các thế hệ kế thừa phải sống sao cho xứng đáng? Người cha ân cần khuyên nhủ con:
“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”.
Tuy chỉ là những lời ngắn gọn, cô đọng, giọng điệu thật nhẹ nhàng mà thấm thìa nhưng không kém phần cương quyết! Con hãy giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương. Có như vậy mới xứng đáng công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, của người đồng mình yêu thương bảo bọc, với truyền thông mạnh mẽ, hào hùng, dũng cảm của quê hương.
“Nói với con” là một bài thơ hay của Y Phương. Với cách dẫn dắt tự nhiên giọng điệu thiết tha trìu mến rõ qua từng từ ngữ, hình ảnh, bài thơ thể hiện tình cha yêu con, muốn con nên người nên chỉ dạy con biết yêu quê hương và tự hào về truyền thống tốt đẹp của người đồng mình.
Hãy luôn nghĩ về tình cảm mà cha mẹ dành cho mình để sống xứng đáng hơn với sự yêu thương bao bọc ấy:
“Nuôi con cho được vuông tròn
Mẹ thầy dầu dãi xương mòn gối cong
Con ơi giữ trọn hiếu trung
Sớm hôm chăm chỉ kẻo uổng công mẹ thầy”.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |