Truyện ngắn “Từ thiện” của tác giả Tạ Tư Vũ tập trung khắc họa vẻ đẹp của người lao động qua hình ảnh nhân vật bà Hai cùng với công việc thiện nguyện hằng ngày của bà. Bà Hai là hình mẫu của sự tử tế, chân thành và tấm lòng sẵn sàng chia sẻ với người khác.
Bà Hai hiện lên trong thiên truyện với một hoàn cảnh nghèo khó, vất vả nhưng tính cách vô cùng xởi lởi, nhân hậu cùng suy nghĩ sâu sắc với công việc làm từ thiện. “Bà Hai bán xôi bên hông chợ Bà Chiểu. Xe hàng xôi của bà nổi tiếng hơn chục năm nay. Mỗi gói 15 ngàn, nếp thơm, mấy miếng xá xíu, thịt chiên cùng với nhúm hành phi thơm phức bọc lại trong miếng lá chuối con con”. Hàng xe bán xôi ấy đủ để nuôi sống gia đình bà, tuy vậy những hôm Sài Gòn mưa lạnh ngắt, bà Hai cũng phải nghỉ, đành chịu thua những cơn mưa. Xôi của bà Hai thơm, ngon mà cái hàng xôi ấy thấm đượm cái tình ấm áp “thỉnh thoảng bà Hai còn bán thiếu cho mấy đứa sinh viên đói muộn. Ngày rằm bà Hai còn nấu xôi chay cho không mọi người”
Mở đầu truyện ngắn là hình ảnh bà Hai cùng với công việc thiện nguyện hằng ngày của bà. “Bà Hai ngồi thu lu trên cái đẩu, cái gọng kính trễ xuống sống mũi như chực rơi ra, bà Hai đang tính toán số hàng người ta quyên góp ngày hôm nay. Chợt bà Hai ngẩng đầu hỏi với ông Hai: “Con Tư hàng khô lúc nãy gửi gì vậy ông?”. Với giọng văn kể gần gũi, hình ảnh bà Hai hiện lên thật giản dị với tư thế “ngồi thu lu trên cái đẩu”, ngoại hình thì “cái gọng kính trễ xuống sống mũi như chực rơi ra”. Qua hình ảnh được miêu tả, ta có thể thấy gia cảnh nhà bà không mấy khá giả, chắc cũng chỉ tạm đủ ăn giữa cái đất Sài Gòn mà thôi. Bà chẳng hề quan tâm đến dáng ngồi có phần “lạ” của mình hay cái gọng kính chỉ chực chờ rơi xuống, bà lúc này đang nghiêm túc tính toán số hàng người ta quyên góp làm từ thiện “bà Hai cặm cụi ghi vào sổ”. Chỉ với hai câu văn đã cho ta thấy bà Hai là một người hiền từ, tốt bụng, nghiêm túc và cần mẫn với công việc thiện nguyện giúp người.
Tấm lòng lương thiện, phẩm chất cao đẹp của bà Hai còn được thể hiện rõ qua sự tin tưởng của mọi người đối với bà. ““Uy tín bà Hai bán xôi thật oách, chỉ mới năm ngày phát động mà gần như cả chợ nhiệt liệt tham gia". Từ cách mà ông bà nhận đồ từ thiện “ông bà chỉ nhận hàng hóa, không nhận tiền”. Tiền luôn là một khái niệm nhạy cảm, nhận tiền như thế nào, quyên góp tiền cho ai, quyên góp ra làm sao luôn là vấn đề khó giải quyết cho trọn vẹn được. Vậy nên, ông bà chỉ nhận hàng hóa. Ông bà Hai nhiệt tình vận động, không ngại mưa gió, bà Hai nghỉ bán cùng chồng “đội mưa ngày ngày vào chợ đi vận động quyên góp”. Chính sự nhiệt tình, làm việc cẩn thận mà sâu sắc ấy của bà Hai đã giúp bà luôn nhận được sự tin tưởng của mọi người, luôn tìm đến bà để quyên góp giúp đồng bào mỗi khi vợ chồng bà vận động. Ở đây, tấm lòng nhận hậu, biết sẻ chia và yêu thương con người không chỉ được khắc họa rõ nét ở nhân vật bà Hai, ông Hai, chị Tư Mắm mà ở cả những người hàng xóm thân hiện, hòa đồng.
Sự nhân ái, thương người của bà được khắc họa trong chi tiết bà coi lũ trẻ như con ruột của mình mà xót xa “Nhìn mấy đứa con nít ngây thơ, quần áo tả tơi bấu víu nhau chạy lũ thấy thương hết sức, cứ nghĩ tụi nó là con mình thì lại càng thương”. Chính vì thế, bà Hai càng cảm thấy chua xót trước những món hàng quyên góp từ thiện không phù hợp mà bà nhận được “Hàng loạt cái váy ngắn cũn cỡn, áo hai dây sexy cùng với quần áo đi khiêu vũ nằm lăn lóc trên sàn nhà. Bà Hai thở dài”. Nhìn những món đồ ấy, bà ngán ngẩm, lặng người “bà Hai ngồi thừ nơi bậu cửa nhìn màn mưa xiên xéo trước nhà”, “nhìn thùng hàng với những cái áo hai dây sexy mỏng tang, phất phơ theo từng cơn gió lạnh buốt, bà Hai kín đáo thở dài”. Chi tiết này, tác giả đã sử dụng biện pháp tương phản để miêu tả xuất sắc sự đối lập giữa những bộ quần áo đi quyên góp từ thiện nhưng lại sexy, rực rỡ với bà Hai thất vọng phải “kín đáo thở dài”. Những món quà trao đi trong thiện nguyện phải phù hợp, những hành động mà không xuất phát từ tâm, có vụ lợi, toan tính thì sẽ không được coi là từ thiện, đó chỉ là sự “bố thí” mà thôi. Từ thiện là những hành động tự nguyện, không có ép buộc. Hoạt động này được thực thông qua việc quyên góp tiền bạc hoặc các vật phẩm có giá trị sử dụng cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Mượn đôi lời của cô Tư Mắm cho những bộ quần áo không phù hợp kia “người ta đói ăn đói mặc thì không cho cái gì nó thực tế. Cho chi mấy cái thứ tào lao gì đâu. Lũ lụt trốn lên nóc nhà bận đầm dạ hội à. Từ thiện kiểu gì vậy trời”. Cách làm từ thiện của bà Hai đẹp, đẹp từ cách mà bà kêu gọi đến cách mà bà đối diện với những bộ quần áo “tào lao”, không chửi rủa, vứt chúng ra đường, chỉ nhẹ nhàng thở dài nhưng đầy bất lực cùng suy nghĩa sâu sắc “Yêu thương mà, nếu người ta quá vội để hời hợt nhìn nhau, thì mình cũng nên gắng sức để thương yêu đó trọn vẹn. Bỏ qua một tấm lòng mới là kỳ cục”. Bà Hai lương thiện và nhân hậu đến mức đón nhận trọn vẹn mọi tấm lòng, dù cho nó hời hợt, vô tâm, bà cũng không nỡ lướt qua nó, bà cho đấy là kỳ cục và “gắng sức để yêu thương đó trọn vẹn”.
Bằng cách kể chuyện theo ngôi thứ ba, “Từ thiện” được kể với một chất giọng bình dị, gần gũi theo trình tự vợ chồng bà Hai tổng hợp hàng từ thiện; công việc làm ăn thường xuyên của vợ chồng bà Hai; những ngày mưa làm ăn thật vất vả; ông bà Hai và cả chợ làm từ thiện; suy nghĩ của bà Hai cách làm từ thiện hiệu quả. Nghệ thuật kể kết hợp tả, chú ý tả thực hình ảnh nhằm nhấn mạnh hình ảnh hai ông bà đều cùng chí hướng giúp người nghèo hơn mình, họ làm việc đó tự nguyện, với niềm vui góp sức nhỏ giúp người trong cơn hoạn nạn. Đặc biệt với nghệ thuật tương phản ở kết truyện “ông Hai mỉm cười ngồi nhìn bà Hai từ góc tối trong nhà. Bóng bà Hai nhỏ thó, liêu xiêu bên bậu cửa với mái đầu bạc mờ những giọt mưa. Bà đang nhẩm tính gì đó bên những đôi giày cao gót chỏng chơ, sặc sỡ.” Hai người già trong khung cảnh ảm đạm tương phản với những giày cao gót chỏng chơ, sặc sỡ, gợi lên trong lòng độc giả những suy nghĩ về tấm lòng nhân hậu về cách làm từ thiện giúp người đang đói khổ trong mưa lũ.
Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, bà Hai luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Bà không chỉ đưa đồ ăn, quần áo hay tiền bạc mà còn chia sẻ lời khuyên và tình yêu thương chân thành. Bà luôn quan tâm và chăm sóc đến những người xung quanh, biết lắng nghe và hiểu rõ khó khăn của người khác. Sự hiện diện của bà mang lại hy vọng và khích lệ cho những người gặp khó khăn và là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của từ thiện và lòng nhân ái trong cuộc sống.
Bằng giọng văn kể gần gũi, giản dị nhưng sâu sắc, Tạ Tư Vũ đã mang đến cho người đọc một câu chuyện đẹp về sự yêu thương, sẻ chia và giàu lòng nhân ái qua nhân vật bà Hai. Nghệ thuật tương phản đối lập được sử dụng một cách tinh tế đã làm nổi bật lên suy nghĩ sâu sắc của bà Hai giúp cho truyện ngắn truyền tải đến người đọc thông điệp nhân văn, ý nghĩa. Qua truyện ngắn “Từ thiện”, giá trị của lòng yêu thương, biết sẻ chia của bà Hai đã được khắc họa thật đẹp. Từ đó, chúng ta phải ghi nhớ rằng, ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở thời gian ta đã sống bao lâu mà là ta đã đóng góp cho cuộc đời được những gì, mang lại giá trị như thế nào cho xã hội. Vì vậy, bản thân mỗi người cần nhận thức được ý nghĩa của những việc làm thiện nguyện và cần tích cực mang lại giá trị cho cộng đồng. Đối với học sinh tuy chỉ cần quyên góp vài ngàn cũng đủ chỉ cần có lòng, nếu không có tiền cũng có thể giúp đỡ những người tổ chức từ thiện giúp đỡ phân phát cơm hoặc báo giấy giúp đỡ tấm lòng giúp đỡ của mỗi bạn trẻ. Chỉ cần có tấm lòng có thể tham gia đoàn đội có những hoạt động về giúp đỡ người nghèo khó tham gia hoạt động xã hội. Cho đi có nghĩa là sẽ được nhận lại nhiều hơn. Mỗi người trong chúng ta cần có tấm lòng thương người giúp đỡ người chung dân tộc.
Tạ Tư Vũ tuy là một cây bút mới trong “vũ trụ” truyện ngắn nhưng bằng ngòi bút giản dị, súc tích nhưng đầy tinh tế và nhân văn, câu từ ngắn ngọn nhưng hàm chứa nhiều tâm tư đã mang đến cho độc giả một “Từ thiện” thấm đượm tinh thần “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Hãy sống một cuộc đời đáng sống như bà Hai, một trái tim nhân hậu và không có ranh giới trong tình yêu thương con người. Học hỏi điều đó thế hệ trẻ hôm nay cần phải tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, sống và cống hiến để cuộc sống trở nên ý nghĩa.