Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng nhất trên cuộc đời này. Gia đình là nơi bao bọc, che chở cho ta khi phải chịu sóng gió cuộc đời. Là nơi nuôi dưỡng tâm hồn ta để ta có thể vui vẻ và hạnh phúc. Chính vì vậy, tình cảm của những người trong gia đình như tình mẫu tử, tình phụ tử,...đã trở thành tài sáng tác bất tận cho thơ văn. Nhưng có khá ít những tác phẩm viết về tình bà cháu, một tình cảm thiêng liêng không kém tình mẫu tử và phụ tử. Nhắc đến những tác phẩm viết về tình bà cháu, sẽ là thiếu sót rất lớn nếu không kể đến bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt. Đây là bài thơ nổi bật nhất trong sự nghiệp sàn tác của Bằng Việt.
Bằng Việt là bút danh, còn tên thật của nhà thơ là Nguyễn Việt Bằng. Ông sinh ngày 15/06/1941 tại Huế nhưng lại lớn lên ở Thạch Thất, Hà Nội. Ông có học thức sâu rộng khi tốt nghiệp khoa Pháp lý, Đại học Kiev thuộc Liên Xô cũ nay là Ukraina lúc 24 tuổi. Sau đó ông về nước và công tác trong Uỷ ban khoa học xã hội. Bằng Việt có sự nghiệp khá đồ sộ. Năm 1969, ông đã là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam, tham gia kháng chiến cũng như làm việc tại các Nhà xuất bản lớn. Ông còn từng làm Tổng thư ký Hội văn học Nghệ thuật Hà Nội, rồi làm tổng biên tập của Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Không những thế, Bằng Việt còn là nguyên Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Sự nghiệp chung của Bằng Việt quả thật đáng ngưỡng mộ. Còn khi nói riêng về sự nghiệp sáng tác văn học, tác giả Bằng Việt cũng có sự nghiệp rất đồ sộ. Ông sáng tác ngay khi mới 13 tuổi, nhưng phải đến tập thơ Hương cây – Bếp lửa, là tập thơ đầu tiên của Bằng Việt sáng tác cùng Lưu Quang Vũ được in năm 1968, tên tuổi của ông mới thực sự được nhắc tới nhiều trong nền văn học Việt Nam. Và sau đó là một loạt các tập thơ để lại dấu ấn sâu sắc với người đọc của Bằng Việt như Đất sau mưa, Những khoảng trời,... Phong cách sáng tác đặc trưng của Bằng Việt là chân thành, sâu lắng với lời thơ đơn giản, hồn nhiên và dễ gần. Chính điều này đã làm cho thơ của Bằng Việt được nhiều người đón nhận và ưa thích, với những độ tuổi khác nhau.
Bài thơ Bếp lửa chính là bài thơ nổi tiếng nhất, gắn với tên tuổi của Bằng Việt. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ vào năm 1963, đây là khoảng thời gian tác giả vẫn đang học tại Đại học Kiev thuộc Liên Xô cũ. Sau đó, Bếp lửa được đưa vào tập thơ Hương Cây – Bếp lửa. Với thể thơ tự do, bài thơ đã truyền đạt một cách thật tự nhiên, gần gũi đến người đọc. Ngay từ tên nhan đề, chúng ta đã cảm thấy thật thân thuộc, vì bếp lửa, là đồ vật có thể bắt gặp ở khắp mọi nơi của nước ta, nhất là làng quê. Qua hình ảnh Bếp lửa, nhà thơ Bằng Việt đã kể lại kí ức quá đỗi thân thương khi mình còn bé ở với bà. Hình ảnh người bà gắn liền với bếp lửa, ngày ngày đun nấu, chăm sóc cho cháu khi cháu phải xa cha mẹ. Bằng Việt muốn ca ngợi sự tần tảo, chịu thương, chịu khó của bà cũng như thể hiện sự biết ơn vì bà đã yêu thương, hi sinh cho mình như một người mẹ thứ hai. Ẩn chứa trong những kỉ niệm về bà mình, là cả tình yêu quê hương, đất nước của Bằng Việt, tình yêu đó đã như bếp lửa, được nhen nhóm trong tâm hồn tác giả và cả dân tộc Việt Nam ta ngay khi còn bé. Những kí ức ấm áp về tình bà cháu, tình yêu quê hương đất nước đó sẽ theo nhà thơ Bằng Việt trên mọi chặng đường đời, sưởi ấm cho nhà thơ khi xa nhà.
Nhà thơ Bằng Việt cùng bài thơ Bếp lửa sẽ mãi là một trong những nhà thơ, bài thơ hay nhất, được mọi người đón nhận. Giá trị của ngòi bút Bằng Việt và Bếp lửa đến tận ngày nay vẫn luôn được đánh giá rất cao. Bởi nó đã khắc hoạ được tình cảm gia đình, tình yêu đất nước thiêng liêng trong cuộc đời của mỗi người, thể hiện ngòi bút chân thật, sâu sắc đặc trưng của Bằng Việt.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |